Bảo vệ môi trường biển trong phát triển kinh tế-xã hội
Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển Tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo |
Nam Định là tỉnh ven biển nằm ở trung tâm vùng nam Đồng bằng sông Hồng. Với quan điểm xuyên suốt phát triển kinh tế vùng ven biển phải gắn với bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và giữ vững quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, Nam Định phấn đấu đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển là cực tăng trưởng phía nam của tỉnh, đóng góp quan trọng để hoàn thành mục tiêu Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.
Những lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên của một địa phương ven biển đang được tỉnh Nam Định khai thác hiệu quả phát triển kinh tế. |
Những lợi thế về biển, hải đảo nhất là nguồn lợi về tài nguyên được tỉnh Nam Định khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực như: Nuôi trồng và khai thác hải sản; Kinh tế hàng hải; Du lịch và dịch vụ biển; Công nghiệp ven biển; Khai thác các tài nguyên khoáng sản biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng. Để phát triển bền vững các ngành kinh tế trên, địa phương này chú trọng đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển, hải đảo trong phát triển kinh tế-xã hội.
Để thực hiện mục tiêu Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Nam Định đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và yêu cầu các cấp, Sở, ban, ngành, các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3/4/2023 của Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh, bao gồm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững, xác định tài nguyên, môi trường biển để phát triển kinh tế của tỉnh cùng việc bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Phát triển kinh tế biển xanh; Tổ chức tham gia các hoạt động khu vực ven biển, trên biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biên giới biển của tỉnh.
Theo đó, tỉnh Nam Định đặt mục tiêu kiểm soát ô nhiễm môi trường biển được kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu; các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và trên biển, các vấn đề về ô nhiễm xuyên biên giới, sự cố môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương được quan trắc, kiểm soát và quản lý hiệu quả. Đến năm 2030, ở các đô thị ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về môi trường và sức tải môi trường biển, khả năng phục hồi, chống chịu của hệ sinh thái biển.
Đồng thời, ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng dựa vào sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển cùng với tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu và tác động của nước biển dâng.
Tỉnh Nam Định ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động, mô hình khai thác, sử dụng tài nguyên biển hiệu quả, thân thiện môi trường, các dự án đáp ứng tiêu chí kinh tế tuần hoàn, phù hợp với trữ lượng tài nguyên và sức chứa sinh thái; hạn chế các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên bằng công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp, gây tổn hại đến tài nguyên, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học biển.
Công tác tuyên truyền, phát động chương trình làm sạch môi trường ven biển được tỉnh Nam Định đẩy mạnh triển khai. Ảnh: TN. |
Thực hiện định kỳ công tác điều tra, thống kê, phân loại, quan trắc và đánh giá các loại hình ô nhiễm, tình trạng ô nhiễm, nguồn gây ô nhiễm môi trường biển. Tăng cường năng lực và chủ động kiểm soát, giám sát, xử lý các vấn đề môi trường biển của tỉnh bao gồm ô nhiễm môi trường biển, axit hóa đại dương và các vấn đề liên quan khác. Ưu tiên nguồn lực từ nguồn kinh phí bảo vệ môi trường để triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Đến năm 2030, tỷ lệ thu hồi, xử lý rác thải nhựa tại các bãi biển, khu du lịch biển và khu bảo tồn biển đạt 100%. Tăng cường năng lực hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển. Tăng cường hiệu quả công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra, giám sát trong kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường biển.
Nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi của hệ thống tự nhiên và xã hội vùng biển và ven biển trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; phát triển mô hình cộng đồng ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; giám sát tác động của biến đổi khí hậu đến các ngành kinh tế biển và đời sống, sinh kế cộng đồng trên vùng biển và ven biển. Rà soát và đổi mới công nghệ và hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển theo hướng giảm thiểu phát thải khí nhà kính theo cam kết của Việt Nam tại COP 26 về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Phát triển công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại và quy trình tiên tiến phục vụ điều tra nghiên cứu, khai thác hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên biển, bảo vệ môi trường. Giám sát và dự báo thiên tai, sự cố môi trường biển bằng các thiết bị hiện đại, công nghệ cao và tăng cường năng lực cho hệ thống trạm quan trắc, phục vụ dự báo và cảnh báo các hiện tượng thời tiết bất thường trên biển.
Xây dựng cơ sở khoa học cho phát triển kinh tế, dịch vụ môi trường (nhấn mạnh đến xác định nguồn vốn tự nhiên biển) và xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường. Nghiên cứu xây dựng các quy trình, quy chuẩn quản lý, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ xây dựng các chính sách, các quy định pháp luật để sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức về biển, khai thác sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển cho người dân thông qua các chiến dịch tuyên truyền cao điểm bao gồm Ngày Môi trường thế giới (05/6), Ngày Đại dương thế giới (08/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (01 - 08/6); Kết hợp xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển, xây dựng cơ chế tài chính bền vững phục vụ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển; đẩy mạnh điều tra cơ bản, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển…
Nguồn:Bảo vệ môi trường biển trong phát triển kinh tế-xã hội