Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp
Khuyến khích các cơ sở xả thải đầu tư công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm Bộ Tài chính đề xuất thu phí bảo vệ môi trường với khí thải |
Tỉnh Hưng Yên đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch phát triển 17 KCN nằm trong quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam với tổng diện tích 4395,43ha, trong đó 08/17 khu công nghiệp đã tiếp nhận các dự án đầu tư; 09/17 khu công nghiệp đang trong quá trình triển khai thực hiện, chưa đi vào hoạt động. Hiện nay có 07/8 khu công nghiệp đã tiếp nhận dự án thứ cấp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có 06/8 khu công nghiệp đã xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng (hệ thống thu gom thoát nước mưa; hệ thống thu gom xử lý nước thải, hệ thống cấp nước, cây xanh…), đã xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp và đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục.
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 26 cụm công nghiệp được thành lập với tổng diện tích là 1.256,08 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký là 12.408,95 tỷ đồng, đang trong quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chưa có cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 43 làng nghề được công nhận đang hoạt động, tuy nhiên, chưa có làng nghề đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Lấy mẫu kiểm tra chất lượng xử lý nước thải tại KCN trên địa bàn tỉnh. |
Theo báo cáo của hơn 340 đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, năm 2022 khối lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh là 95.044.703,7 kg. Các cơ sở phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường đã hợp đồng với đơn vị có chức năng để vận chuyển, xử lý theo quy định. Tổng khối lượng chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn năm 2022 là 65.370.945,73 kg. Các cơ sở phát sinh chất thải nguy hại đã hợp đồng với đơn vị có chức năng để vận chuyển, xử lý theo quy định. Trên địa bàn tỉnh đã có 07 cơ sở được cấp phép xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực phát triển ngành công nghiệp môi trường từ rất sớm, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế liên quan đến môi trường công nghiệp. Tình trạng xả nước thải, chất thải không qua xử lý, xử lý không đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường của các cơ sở công nghiệp, doanh nghiệp còn chưa được kiểm soát chặt chẽ; một số dự án khu xử lý chất thải tập trung của tỉnh còn chậm triển khai; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường ở cấp huyện, xã chưa thường xuyên, việc chủ động phát hiện và xử lý vi phạm chưa được kịp thời; công tác truyền thông, phổ biến các thông tin về ngành công nghiệp môi trường chưa được thường xuyên, liên tục; công tác phối hợp của các Sở, Ban, ngành trong tỉnh với Bộ Công Thương và các Bộ có liên quan về tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ liên quan trong Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường còn hạn chế.
Trước đó, một số cơ quan và người dân thông tin, phản ánh về việc thu gom, vận hành nhà máy nước thải ở khu công nghiệp Dệt may Phố Nối chưa đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường, nên nhiều lúc nước thải được xả ra từ khu công nghiệp không đạt quy chuẩn theo quy định, ảnh hưởng đến môi trường... Khi phát hiện những vi phạm về môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên đã yêu cầu công ty cổ phần phát triển hạ tầng dệt may Phố Nối triển khai các biện pháp xử lý khắc phục: điều chỉnh phương án vận hành, xây dựng bổ sung, mua thiết bị dự phòng để tăng cường năng lực xử lý giúp vận hành ổn định hệ thống để nhà máy xử lý nước thải hoạt động tốt, hiệu quả ngay cả trong thời điểm quá tải. Đầu tư xây dựng thêm các bể chứa nước thải, để điều tiết nước trong những thời điểm quá tải. Xây dựng thêm các bể kỹ thuật pha hoá chất, kho chứa hoá chất, hiệu chỉnh phương án công nghệ, căn chỉnh hoá chất...
Tỉnh Hưng Yên chú trọng thu hút đầu tư những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, không tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. |
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển bền vững, tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ; trong đó có những nhiệm vụ giải pháp: Tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường; Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa XIX về Chương trình Bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030;.
Đẩy mạnh ngăn ngừa ô nhiễm, kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường các dự án sản xuất công nghiệp. Tiếp tục công tác ngăn ngừa ô nhiễm môi trường trong việc góp ý kiến đối với các dự án đầu tư vào tỉnh, đánh giá sơ bộ tác động môi trường đối với các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao, từ chối tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu; thẩm định chặt chẽ báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường; kiểm tra, giám sát quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải. Các khu, cụm công nghiệp phải hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường, nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo xử lý toàn bộ nước thải phát sinh trong khu công nghiệp trước khi tiếp nhận, đưa vào hoạt động các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thứ cấp trong khu, cụm công nghiệp.
Thu hút đầu tư những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, không tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; hạn chế, tiến tới không tiếp nhận tiếp nhận dự án sản xuất công nghiệp rời lẻ ở ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tăng cường đầu tư, đồng bộ hạ tầng về bảo vệ môi trường, công trình xử lý nước thải tập trung đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho các cụm công nghiệp đã thành lập sớm; hỗ trợ kinh phí sự nghiệp môi trường cho các huyện, thành phố trong thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; đẩy nhanh tiến độ đầu tư khu xử lý chất thải tại huyện Khoái Châu, huyện Phù Cừ và nâng cấp lò đốt Dị Sử; khuyến khích kêu gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án xử lý chất thải có công nghệ tiên tiến xử lý đốt tận thu nhiệt, thu hồi năng lượng; tăng cường đầu tư xây dựng dự án xử lý nước thải thị xã Mỹ Hào và các đô thị loại V trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, Hưng Yên đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 192/QĐ- TTg ngày 13/02/2017”. Cụ thể: UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành các Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 22/9/2020 thực hiện Kế hoạch số 251-KH/TU ngày 29/7/2020 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Số 139/KH-UBND ngày 12/11/2020 thực hiện Quyết định 889/QĐTTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 151/NQ-HĐND ngày 13/7/2018 quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để khuyến khích việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực dân cư.
Bên cạnh đó tỉnh cũng đã thông qua nhiều Quyết định nhằm hoàn chính sách, pháp luật, tổ chức về công nghiệp môi trường như: Quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 03/7/2018 ban hành Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 3143/QĐ-UBND ngày 28/12/2018, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Hưng Yên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 300/QĐ-UBND ngày 01/02/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hưng Yên đến năm 2025; Quyết định số 2629/QĐ-UBND ngày 12/11/2020 phê duyệt Chương trình khuyến công địa phương tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025;...
Nguồn:Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp