Bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long trước biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên nước Tăng cường bảo vệ tài nguyên nước dưới đất |
Lưu vực sông Cửu Long có tổng diện tích tự nhiên khoảng 39.945 km2 , bao gồm:13 tỉnh, thành phố: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ. Lưu vực sông Cửu Long có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Với tiềm năng nông nghiệp lớn, trong nhiều năm qua, lưu vực sông Cửu Long luôn đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa gạo, 70% lượng trái cây của cả nước, và đóng góp 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu.
Nguồn nước lưu vực sông Cửu Long được đánh giá là dồi dào với tổng lượng tài nguyên nước hàng năm khoảng 474 tỷ m3, trong đó lượng nước nội sinh từ mưa trên lưu vực sông Cửu Long khoảng 30 tỷ m3 và lượng nước từ thượng lưu chảy về lưu vực sông Cửu Long khoảng 441 tỷ m3 . Hiện nay, lưu vực sông Cửu Long đã và đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, nhất là các tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, hạn hán, gia tăng xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất, các tác động do khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở thượng lưu Mekong…
Theo các chuyên gia, việc sông Mekong bị tác động khiến sự thay đổi chế độ dòng chảy trong sông bị ảnh hưởng trực tiếp. Điều này dẫn tới tình hình xâm nhập mặn tại ÐBSCL, đặc biệt trong những năm kiệt tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, việc gia tăng dân số, phát triển kinh tế - xã hội cũng là những tác động nội tại ảnh hưởng trực tiếp tới tài nguyên nước.
Tài nguyên nước tại ĐBSCL chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu dẫn đến sụt giảm nguồn nước. Ảnh: TTX. |
Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến các nhiệm vụ, yêu cầu rà soát, đánh giá việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước đã ban hành trong quá trình triển khai thực hiện trên lưu vực sông Cửu Long để đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ nguồn sinh thủy; tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng nước, tái sử dụng nước; cơ chế tài chính; cơ chế thu hút, huy động các nguồn lực tài chính trong khai thác, sử dụng, bảo vệ, phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương trên lưu vực.
Các bộ, ngành và các địa phương trên lưu vực phối hợp để rà soát các quy định pháp luật khác có liên quan; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với công trình xây dựng, hạ tầng xây dựng bảo đảm việc tích trữ nước mưa, nâng cao năng lực tiêu thoát nước, đặc biệt là các đô thị; rà soát các quy hoạch thủy lợi của hệ thống công trình thủy lợi liên quan từ hai tỉnh trở lên thuộc lưu vực sông Cửu Long, quy hoạch phòng, chống lũ, quy hoạch đê điều, quy hoạch cấp, thoát nước đô thị đã được ban hành để phù hợp với quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long. Các địa phương trên lưu vực phối hợp, rà soát các nội dung về phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh để đảm bảo phù hợp thống nhất với quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long.
Trong đó, việc rà soát, bổ sung các cơ chế về sử dụng nguồn nước xuyên biên giới; đề xuất phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, liên quốc gia liên quan đến lưu vực sông Cửu Long; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin, mô hình số để kết nối thông tin, dữ liệu, thực hiện giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xây dựng phương án điều hòa, phân bổ nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước. Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt ô nhiễm nguồn nước, tác hại do nước gây ra và phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông.
Các Bộ, ngành liên quan cùng địa phương sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp hướng tới mục tiêu đến năm 2030 sẽ bảo đảm phân bố công bằng, hợp lý lượng nước. |
Các Bộ, ngành liên quan cùng địa phương sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp hướng tới mục tiêu đến năm 2030 sẽ bảo đảm phân bố công bằng, hợp lý lượng nước có thể khai thác với các nhu cầu sử dụng nước có xét đến sự biến động nguồn; Kiểm soát được các nguồn xả thải tập trung và phục hồi các nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng, duy trì được hệ sinh thái phụ thuộc vào nguồn nước; Kiểm soát được tình trạng sạt lở bờ sông, tình trạng xâm nhập mặn vùng cửa sông và các tầng chứa nước.
Tiếp đến năm 2050 sẽ chủ động được nguồn nước phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, ưu tiên phân bổ nguồn nước cho các đối tượng sử dụng nước có hiệu quả kinh tế cao và sử dụng nước tái tạo; bảo vệ hệ sinh thái phụ thuộc vào nguồn nước và cảnh quan môi trường các dòng sông; phát triển tài nguyên nước, nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng nước và phòng, chống các tác hại do nước gây ra.
Tại Việt Nam, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến tài nguyên nước, gây ra nhiều hệ lụy như hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước... các bộ, ngành, địa phương thời gian qua đã đưa ra nhiều giải pháp như tích trữ nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với tình hình thực tế. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những giải pháp trước mắt và tạm thời, mà không thể giải quyết lâu dài trước tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. vấn đề đặt ra ở đây là cần có một chiến lược quản lý nguồn nước an toàn và hiệu quả. Chiến lược đó phải hướng tới mục tiêu tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tài nguyên nước; tiến tới ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt bảo đảm khai thác, bảo vệ hiệu quả các nguồn nước, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn.
Do vậy, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên nước. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách quản lý đã được thể chế hóa trong Luật Tài nguyên nước 2012 và các văn bản đã được ban hành; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước và cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý tài nguyên nước giữa Trung ương và địa phương; bảo đảm sử dụng nước bền vững, đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế-xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu thiết thực và hiệu quả...
Các bộ, ngành có liên quan, địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các chất thải ra môi trường, nhất là nước thải xả vào nguồn nước phải đạt quy chuẩn chất lượng nước phù hợp với chức năng của nguồn nước; nâng cao năng lực ứng phó tác động biến đổi khí hậu và các rủi ro khác liên quan đến tài nguyên nước; xây dựng và duy trì hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và cá.
Nguồn:Bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long trước biến đổi khí hậu