Bất động sản Phát Đạt: Lợi nhuận giảm sốc, khoản "của để dành" ngày càng teo tóp
Nửa đầu năm, thu nhập của Chủ tịch Bất động sản Phát Đạt giảm 84% Bất động sản Phát Đạt (PDR): Nỗi lo dòng tiền kinh doanh, áp lực trả nợ nghìn tỷ trái phiếu |
Lãi quý III/2023 giảm 86% dù doanh thu thuần tăng đột biến
Quý III/2023, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) ghi nhận doanh thu thuần gần 355 tỷ đồng, cao đột biến so với mức nền thấp hơn 11 tỷ đồng ở cùng kỳ. Biên lãi gộp tăng từ 61% ở cùng kỳ lên 96%. Các chi phí hoạt động đều giảm 28 - 57% so với cùng kỳ.
Trái ngược với sự tích cực của doanh thu thuần, doanh thu tài chính của Phát Đạt lại chỉ ghi nhận vỏn vẹn hơn 550 triệu đồng, trong khi cùng kỳ đạt hơn 1.249 tỷ đồng. Được biết, khoản doanh thu tài chính đột biến của doanh nghiệp này trong quý III/2022 chủ yếu đến từ thương vụ chuyển nhượng 46% vốn chủ sở hữu tại công ty con - CTCP Địa ốc Sài Gòn KL - cho đối tác.
Với việc không còn nguồn doanh thu đột biến, quý III/2023 Phát Đạt chỉ mang về 102 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm mạnh 86% so với cùng kỳ 2022. Sự sụt giảm lợi nhuận của quý III đã kéo theo lãi sau thuế 9 tháng đầu năm lao dốc tới 72% so với cùng kỳ, mang về gần 400 tỷ đồng.
Giải thích về lý do lợi nhuận sụt giảm, Phát Đạt cho biết tình hình chung của ngành bất động sản gặp nhiều khó khăn nên việc đầu tư các dự án của công ty không được thuận lợi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang trong quá trình tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Quy mô tài sản của Phát Đạt tính đến cuối quý III/2023 thu hẹp gần 10% về 20.591 tỷ đồng chủ yếu do doanh nghiệp đã thoái bớt vốn ở công ty liên kết, giảm phải thu ngắn hạn khác và giảm tiền mặt. Lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng còn khoảng 68 tỷ đồng, giảm 75% so với đầu năm.
Đặc biệt, gần 60% tài sản của Phát Đạt là tồn kho ở hơn 12 dự án, tương ứng với giá trị gần 12.160 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với đầu năm. Các dự án ghi nhận giá trị tồn kho lớn phải kể đến như The EverRich 2 - River City (gần 3.600 tỷ); Bình Dương Tower (2.378 tỷ); Tropicana Bến thành Long Hải (1.996 tỷ); Phước Hải (1.526 tỷ)…
Nguồn: BCTC hợp nhất quý III/2023 tại Phát Đạt/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Đáng chú ý, “khoản phải trả ngắn hạn khác” của Phát Đạt tính đến cuối quý III/2023 tăng hơn 23% lên gần 7.142 tỷ đồng. Trong đó, công ty xuất hiện 1.506 tỷ đồng phải trả ngắn hạn đối với ông Hoàng Võ Anh Khoa trong khi vào cuối quý II/2023 khoản phải trả này chỉ gần 64 tỷ đồng.
Theo thuyết minh BCTC hợp nhất bán niên năm 2023, số dư này thể hiện khoản phải trả từ việc mượn tiền cá nhân để bổ sung vốn lưu động theo thỏa thuận ngày 5/6/2023, với thời hạn hoàn trả 1 năm kể từ ngày giải ngân.
Ông Hoàng Võ Anh Khoa là một trong những nhân tố quan trọng trong hệ sinh thái Phát Đạt. Ông Khoa hiện là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Đầu tư Bất động sản Bidici, chủ dự án căn hộ, trung tâm thương mại cao tầng - Phân khu 9 Khu du lịch sinh thái Nhơn Hội, Bình Định. Bidici là công ty liên kết của PDR với tổng mức đầu tư 1.117 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 49%.
Ngoài ra, ông Hoàng Võ Anh Khoa cũng là một trong những cổ đông sáng lập của CTCP Đầu tư thương mại dịch vụ Mount A, doanh nghiệp do bà Nguyễn Thị Minh Thư - con gái Chủ tịch PDR Nguyễn Văn Đạt làm Tổng giám đốc. Mount A được cấp chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vào tháng 4/2021 với ngành nghề chính là dịch vụ lưu trú ngắn ngày.
Vừa qua, Công ty Mount A có đề xuất xây dựng khách sạn cao cấp 5 sao với quy mô 7 tầng nổi và 4 tầng hầm, hứa hẹn sẽ là một điểm nhấn cho thành phố Đà Lạt. Tuy nhiên, Lâm Đồng vẫn chưa cho phép xây khách sạn 5 sao cạnh Hồ Xuân Hương.
Bà Nguyễn Thị Minh Thư còn được biết đến là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Quản lý Khách sạn AKYN. Tính đến ngày 30/9/2023, Phát Đạt vay AKYN hơn 380 tỷ đồng với lãi suất 12%/năm. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là quyền sở hữu đối với toàn bộ cổ phần CTCP Bất động sản Commonwealth Properties. Đây cũng là công ty liên kết của Phát Đạt với tổng mức đầu tư gần 76 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 27%.
“Của để dành” tại Phát Đạt ngày càng "teo tóp"
Khoản tiền “người mua trả trước ngắn hạn” là khoản khách hàng mua nhà thanh toán theo tiến độ dự án. Chủ đầu tư chỉ được ghi nhận khoản này vào doanh thu sau khi hoàn thành và bàn giao bất động sản cho khách hàng. Chính vì vậy, nhà đầu tư thường "căn cứ" vào khoản này để dự báo khả năng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp địa ốc.
Đặc biệt, trong bối cảnh thanh khoản thị trường bất động sản vẫn ảm đạm như hiện nay, nhà đầu tư lại càng tìm cách “soi” khoản tiền người mua trả trước - được coi là "của để dành" của nhiều doanh nghiệp bất động sản để có cơ sở đầu tư.
Tại Phát Đạt, tính đến cuối quý III/2023, giá trị người mua trả tiền trước ngắn hạn chỉ còn vỏn vẹn 3,6 tỷ đồng trong khi đầu năm ghi nhận hơn 1.239 tỷ đồng, tương đương giảm tới 100% so với đầu năm. Tỷ lệ người mua trả tiền trước ngắn hạn/tổng tài sản chỉ chiếm 0,02%.
Nguyên do là vì Công ty không còn ghi nhận khoản trả trước từ Công ty TNHH Bất động sản Vega (938 tỷ đồng) và từ dự án khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội (298 tỷ đồng). Vào 30/06/2023, PDR vẫn còn ghi nhận khoản trả trước tại dự án Nhơn Hội gần 193 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý III/2023 tại Phát Đạt/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Ngoài ra, khoản “doanh thu chưa thực hiện” cũng được các nhà đầu tư ví như “của để dành” của doanh nghiệp, bởi nó sẽ được ghi nhận vào kết quả kinh doanh khi đến kỳ hạch toán.
Tại Phát Đạt, tính đến cuối quý III/2023, doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn chỉ còn hơn 3 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với đầu năm.
Phía bên kia bảng cân đối, tính đến cuối quý III/2023, tổng nợ phải trả tại Phát Đạt giảm 12% về 11.968 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ vay chiếm 3.366 tỷ đồng. Về cơ cấu nợ vay, các khoản vay ngân hàng chiếm gần 1.170 tỷ đồng (gần 35%), vay trái phiếu hơn 980 tỷ đồng (hơn 29%), còn lại khoản vay khác (36%). Đáng lưu ý, tháng 12 tới Phát Đạt có 3 lô trái phiếu với tổng giá trị gần 858 tỷ đồng sẽ đáo hạn.
Thông tin công bố mới đây nhất, Phát Đạt lên kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của CTCP Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt (PDI) sang cho Công ty TNHH Phát Đạt Holdings. Theo giới thiệu, PDI đang phát triển 3 Khu công nghiệp (KCN) Cao Lãnh I-II-III ở Đồng Tháp có tổng quy mô gần 3.000 ha và KCN đô thị Dịch vụ Phát Đạt - Dung Quất.
Cụ thể về thương vụ, Phát Đạt chuyển nhượng toàn bộ 99,8 triệu cổ phần, chiếm 99,8% vốn điều lệ của PDI cho Phát Đạt Holdings với giá chuyển nhượng không thấp hơn 130% mệnh giá, tương đương 1.287 tỷ đồng.
Phát Đạt Holdings được thành lập vào tháng 11/2021, người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch của công ty là ông Nguyễn Văn Đạt (Chủ tịch HĐQT của Phát Đạt). Phát Đạt Holdings là tổ chức ông Nguyễn Văn Đạt làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm người đại diện pháp luật. Còn PDI được thành lập vào tháng 8/2020 nhằm đầu tư và phát triển lĩnh vực khu công nghiệp đô thị.
Nguồn:Bất động sản Phát Đạt: Lợi nhuận giảm sốc, khoản "của để dành" ngày càng teo tóp