Bình Định: Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị đạt 90%
Thúc đẩy các giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý rác thải Thừa Thiên – Huế: Tiêu hủy hàng ngàn dụng cụ bẫy chim hoang dã |
Công nhân vệ sinh môi trường quét dọn rác trên đường Xuân Diệu, TP. Quy Nhơn |
Sở TN&MT Bình Định cho biết, hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.048 tấn/ngày; trong đó, khu vực đô thị phát sinh khoảng 564,75 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 483,38 tấn/ngày. Hiện mỗi ngày cả tỉnh thu gom, xử lý được 705,23 tấn/ngày, tương đương 67,3% tổng lượng rác phát sinh.
Theo bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, thời gian qua, tỉnh rất quan tâm đến vấn đề quản lý CTRSH, đây là một trong những nhiệm vụ đạt nhiều kết quả tích cực. Song vẫn còn gặp những khó khăn, như nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, chưa đồng bộ, năng lực quản lý CTRSH còn nhiều hạn chế. Ngoài TP Quy Nhơn, TX An Nhơn có năng lực thu gom rác thải tương đối tốt, các địa phương còn lại, đặc biệt là ở vùng ven biển, miền núi… khả năng thu gom, xử lý rác thải chưa cao, và điều này ảnh hưởng đến chất lượng môi trường khu vực đó khá nhiều.
Thành phố Quy Nhơn có lượng rác thải phát sinh là 296 tấn/ngày, chiếm 28,2% tổng lượng rác thải toàn tỉnh. Tuy nhiên, TP Quy Nhơn là địa phương làm tốt nhất trong việc quản lý CTRSH, tỷ lệ thu gom rác thải đạt mức cao ở khu vực đô thị, chiếm 95,38%.
Còn theo bà Đinh Thị Hồng Điều, Phó Giám đốc Ban Quản lý dịch vụ công ích TP Quy Nhơn: Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn thành phố hiện do Công ty CP Môi trường Bình Định - đơn vị trúng thầu, thực hiện với tần suất 7 lần/tuần. Hằng năm, thành phố đầu tư gần 90 tỷ đồng để thực hiện công tác thu gom, xử lý rác; trong đó, kinh phí thành phố cấp bù cho hoạt động này hơn 50 tỷ đồng/năm, còn lại là nguồn thu phí vệ sinh môi trường từ các cá nhân, tổ chức, DN. Từ nay đến năm 2025, TP Quy Nhơn sẽ tiếp tục mở rộng địa bàn thu gom rác thải, kêu gọi đầu tư các dự án bãi xử lý rác thải đạt chuẩn, nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn, tái chế rác thải nhựa…
Đối với các địa phương đang xây dựng nông thôn mới nâng cao, công tác quản lý CTRSH được quan tâm thực hiện cùng với tiêu chí số 17 về môi trường của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bà Lý Thị Hồng Gấm, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Quang, huyện Tuy Phước cho biết: Xã có hơn 3.700 hộ dân/11 thôn. Ban Quản lý nước sạch và vệ sinh môi trường huyện Tuy Phước đảm nhận việc thu gom rác thải tại các tuyến đường trung tâm của xã 2 lần/ tuần.
Cùng với đó, xã cũng đã triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn, thành lập các đội nhân công thu gom rác trong các khu dân cư, xây dựng các điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt, thu phí dịch vụ vệ sinh môi trường tại các hộ dân…Từ ngày tổ chức đồng bộ các hoạt động này, chất lượng môi trường ở địa phương khá hẳn lên.
Theo dự báo của Sở TN&MT Bình Định, lượng CTRSH trên địa bàn tỉnh tăng 5%/năm, đến năm 2025, lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn tỉnh sẽ vào khoảng 1.200 tấn/ngày. Với các yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt hơn về chất lượng môi trường, đòi hỏi phải đầu tư nhiều hơn từ hạ tầng, quy mô thu gom đến phương tiện, công nghệ xử lý rác.
Bà Hà Thị Thanh Hương cho biết: Sở TN&MT đang dự thảo Đề án quản lý CTRSH tỉnh Bình Định đến năm 2025 và gửi các sở, ngành, địa phương góp ý, thống nhất trình UBND tỉnh ban hành vào cuối năm nay. Đề án là cơ sở cho việc xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp triển khai các nhiệm vụ, dự án ưu tiên để nâng cao hiệu quả công tác quản lý CTRSH theo luật định; phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom CTRSH khu vực đô thị đạt 90% và nông thôn đạt 80% theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7.5.2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050…
Nguồn: Bình Định: Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị đạt 90%