Bình Phước: Nắng hạn kéo dài, người dân xã biên giới thiếu nước sinh hoạt trầm trọng
Nhiều hộ gia đình phải mua nước sạch sinh hoạt với giá 60.000 đồng/mét khối.
Thôn 10 có 169 hộ, trong đó có khoảng 50% số hộ gia đình đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Những hộ dân thiếu nước chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc dự án định canh, định cư.
Hồ chứa nước thôn 10 (xã Đăk Ơ) đã chạm đáy, chỉ có thể cung cấp tưới tiêu cho 1 số hộ gia đình khu vực lân cận. Ảnh: Hoàng Giáp |
Nhiều tháng nay, giếng đào của hộ gia đình ông Điểu Xrới đã không còn nước sử dụng. Nắng hạn kéo dài, gia đình ông Xrới thường xuyên phải lấy nước các ao, hồ để sử dụng. Nhưng nay các ao, hồ đã cạn kiệt dần và không đảm bảo vệ sinh.
Ông Điểu Xrới cho biết: “Nắng nóng năm nay kéo dài nên giếng đào của gia đình tôi đã cạn nước. Người dân trong thôn hiện đang thiếu nước nên đã phải đi lấy nước ở ao, hồ và mua nước của hàng xóm có giếng khoan. Thời điểm này, nước ao, hồ để giặt giũ. Còn nước ăn uống gia đình tôi phải đi mua.”
Tại Tiểu khu 42, một số nguồn suối đã cạn, hồ đang cạn dần nên nhiều hộ gia đình ở đây phải mua nước với giá cao. Gia đình bà Thị Danh, hơn 1 tháng qua phải đi mua nước để sử dụng trong gia đình với giá 60.000 đồng/mét khối.
Bà Thị Danh cho biết Mua một khối nước sử dụng tiết kiệm được khoảng 3 ngày. Ở đây cũng có công trình nước sạch tập trung nhưng mấy năm nay đã không hoạt động nữa. Mùa này, người dân khó khăn về nước sạch. Người dân ở đây mong muốn nhà nước hỗ trợ thêm để đỡ khổ trong mùa hạn này.
Ngay tại Tiểu khu 42, công trình cấp nước tập trung được thiết kế xây dựng phục vụ trên 150 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiếu số được cấp nhà, đất để ổn định đời sống.
Năm 2020, công trình cấp nước tập trung được cải tạo, nâng cấp nhưng chỉ hoạt động trong thời gian ngắn thì ngưng lại. Người dân ở đây chủ yếu sử dụng nước giếng đào. Một số hộ có điều kiện kinh tế khá hơn đầu tư đào giếng khoan. Năm nay mùa khô kéo dài nên nhiều hộ dân có giếng đào đều cạn.
Đến nay, nhà xử lý nước đã khóa cửa, cây cỏ mọc um tùm. Nhiều bộ phận của công trình có dấu hiệu xuống cấp bị gỉ sét, đổi màu.
Bà Trần Thị Lan, Trưởng thôn 10, cho biết công trình này đã đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn thì ngưng hoạt động, do người dân không đóng đủ tiền điện nên bị điện lực tạm ngưng cấp.
Một dòng suối qua xã Đăk Ơ đã cạn khô từ nhiều ngày nay. Ảnh: Hoàng Giáp |
Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ Nguyễn Thanh Hải cho biết, trước tình trạng thiếu nước hiện nay, Ủy ban Nhân dân xã cũng đã chỉ đạo lãnh đạo thôn 10 rà soát để đặt bồn chứa nước tại điểm tập trung nhà hộ dân. Tuy nhiên, nhiều đường ống dẫn vào các hộ dân đã bị hư hỏng. Nếu người dân thống nhất đóng tiền điện trở lại, nhà nước sẽ hỗ trợ để sửa chữa mới cũng như hỗ trợ tiền điện để đưa công trình cấp nước vào hoạt động trở lại.
Địa phương cũng đang rà soát để thống kê những hộ thiếu nước sinh hoạt, có kế hoạch hỗ trợ kịp thời. Trước tình trạng hán hán kéo dài, chính quyền địa phương đã tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thiếu nước uống, nước sinh hoạt và triển khai các biện pháp tổ chức khai thác có hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.
Tỉnh Bình Phước cũng đã chỉ đạo các địa phương chủ động sử dụng ngân sách để tổ chức vận chuyển nước sạch ở nơi khác đến phục vụ cấp nước uống, sinh hoạt cho nhân dân vùng thiếu nước gay gắt; tuyên truyền, vận động người dân tuyệt đối không sử dụng nước đục, bẩn, tránh nguy cơ dịch bệnh do dùng nước uống không hợp vệ sinh./.
Nguồn: Bình Phước: Nắng hạn kéo dài, người dân xã biên giới thiếu nước sinh hoạt trầm trọng