Dự báo xuất khẩu dầu của Nga trong đầu năm 2025
Ảnh Energy Intelligence |
Các nguồn tin thân cận với dữ liệu chính thức cho biết các chuyến hàng dầu thô đến các quốc gia không thuộc Liên Xô cũ (FSU), bao gồm cả dầu qua đường ống và dầu vận chuyển bằng đường biển, đã được dự kiến ở mức 3,85 triệu thùng mỗi ngày trong 3 tháng đầu năm 2025, giảm hơn 200.000 thùng/ngày so với kế hoạch cho 3 tháng cuối năm 2024.
Ngoài ra, Nga dự khiến sẽ cung cấp khoảng 600.000–700.000 thùng/ngày không qua đường ống Transneft. Trong khi đó, sẽ có tới 350.000 thùng/ngày được chuyển đến nước láng giềng Belarus, mặc dù trong những tháng gần đây, khối lượng này đã giảm một nửa do các vấn đề tại hai nhà máy lọc dầu của nước này.
Chương trình xuất khẩu hằng quý của Nga thường thay đổi vì các lô hàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, chương trình xuất khẩu ba tháng do Bộ năng lượng lập ra, đưa ra bức tranh chung về kế hoạch giao hàng cho các nước không thuộc FSU. Ngoài ra, các lô hàng trong quý đầu tiên thường thấp hơn vì hầu hết các cảng hướng về phía tây đều phải đối mặt với mùa băng giá và bão khắc nghiệt.
Trong 3 tháng đầu năm 2025, các chuyến hàng vận chuyển bằng đường biển dự kiến sẽ giảm gần 160.000 thùng/ngày xuống còn khoảng 3 triệu thùng/ngày so với kế hoạch 3 tháng cuối năm 2024. Các nguồn tin cho biết, sự sụt giảm lớn nhất được ghi nhận tại các cảng Ust-Luga trên Biển Baltic và Novorossiysk trên Biển Đen.
Ở phía đông, dự kiến sẽ có sự sụt giảm trong các chuyến hàng tại Kozmino. Các chuyến hàng từ cảng Thái Bình Dương này đã đạt nhiều kỷ lục về khối lượng trong năm 2024 nhờ nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc. Trong 11 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dầu thô của Nga sang Trung Quốc ước tính đạt trung bình 2,17 triệu thùng/ngày, tăng 28.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này thật đáng chú ý khi xét đến việc nhu cầu tăng trưởng của Trung Quốc đã đạt mức thấp kỷ lục trong năm nay. Hơn nữa, nhu cầu tăng trưởng của năm tới vẫn còn mập mờ.
Ngoài các yếu tố về nhu cầu, hoạt động giao hàng bằng đường biển của Nga vào năm 2025 sẽ vẫn chịu áp lực trừng phạt ngày càng tăng, đặc biệt là các biện pháp nhắm vào "đội tàu bóng đêm" chuyên chở dầu của Nga. EU và Vương quốc Anh gần đây đã trừng phạt hơn 60 tàu chở dầu của Nga đến các thị trường toàn cầu, trong khi Hoa Kỳ đã hứa sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới. Nhiều báo cáo cho thấy các nước G7 cũng đang thảo luận về biện pháp cứng rắn hơn đối với xuất khẩu dầu của Nga, bao gồm cả việc hạ giá trần từ mức hiện tại là 60 đô la một thùng xuống còn 40 đô la một thùng.
Xuất khẩu đường ống ổn định
Xuất khẩu qua đường ống của Nga dự kiến sẽ ổn định trong quý đầu tiên, mặc dù có thể có sự sụt giảm nhẹ do lượng hàng vận chuyển qua đường ống Druzhba giảm.
Hoạt động xuất khẩu qua Druzhba tới Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc vẫn là ẩn số lớn nhất đối với các chuyến hàng qua đường ống này, vì Prague chuẩn bị chấm dứt nhập khẩu từ Nga vào nửa đầu năm 2025 sau khi hoàn thành việc mở rộng hệ thống đường ống Transalpine có công suất 900.000 thùng/ngày.
Ba quốc gia nói trên vẫn được hưởng quyền miễn trừ khỏi lệnh cấm vận của EU đối với việc mua dầu của Nga. Budapest và Bratislava đều hướng đến mục tiêu duy trì nguồn cung cấp dầu thô qua đường ống của Nga, vốn rẻ hơn so với các phương án thay thế.
Nguồn cung qua đường ống Druzhba đã trở thành tâm điểm chú ý nhiều lần trong tháng qua, cũng vì các sự cố tại nhiều điểm khác nhau trên tuyến đường ống này. Ví dụ, nguồn cung đã bị dừng lại trong gần hai ngày vào ngày 20/12 vì các vấn đề kỹ thuật trên đoạn đường ống ở Belarus. Đây là lần thứ ba trong một khoảng thời gian ngắn, có các chuyến hàng bị dừng lại vì các vấn đề kỹ thuật không xác định.
Trong khi đó, nguồn cung cấp dầu Kazakhstan qua nhánh phía bắc của đường ống Druzhba chạy đến Đức cũng sẽ ổn định vào năm tới. Năm nay, Kazakhstan đang trên đà vận chuyển khoảng 1,4 triệu tấn đến nhà máy lọc dầu PSC Schwedt, trong khi các lô hàng của năm tới được chốt ở mức 1,2 triệu tấn theo thỏa thuận giữa Berlin và Astana. Trong ba tháng đầu năm 2025, các lô hàng được dự kiến ở mức 400.000 tấn (32.000 thùng/ngày).
Ngoài các lệnh trừng phạt, vấn đề xuất khẩu của Nga cũng sẽ phụ thuộc tương đối vào OPEC+, vì nhóm này đã chuẩn bị bắt đầu dỡ bỏ lệnh cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày của 8 quốc gia, trong đó có Nga, vào tháng 4 năm 2025. Tuy nhiên, nhiều nhà dự báo cho rằng nhóm các nhà khai thác này không đủ khả năng mở rộng sản lượng vào năm tới, do nguồn dầu dồi dào đến từ các quốc gia bên ngoài liên minh.
Hạ nguồn của Nga cũng sẽ là một yếu tố quan trọng, vì sự cân bằng giữa xuất khẩu dầu thô và nguồn cung trong nước phần lớn phụ thuộc vào nhu cầu trong nước và hiệu suất của công đoạn lọc dầu của Nga.
Nguồn:Dự báo xuất khẩu dầu của Nga trong đầu năm 2025