Bình Phước quản lý chặt chẽ vùng trồng sầu riêng xuất khẩu
Giải pháp phát triển cây sầu riêng theo hướng bền vững Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam vượt mốc 2 tỷ USD |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước, hiện nay tổng diện tích cây sầu riêng trên địa bàn là 5.300 ha, sản lượng 14.800 tấn. Các địa phương có diện tích cây sầu riêng lớn gồm huyện Bù Đăng, Phú Riềng, Bù Gia Mập, Lộc Ninh; trong đó, giống sầu riêng Dona chiếm 61%; Ri6 31%; Chín Hóa 5%; giống khác 4,3%. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa có thêm 27 mã số vùng trồng sầu riêng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp phép, nâng tổng số mã vùng trồng của tỉnh lên 65, xếp vị trí thứ tư cả nước về số lượng mã số vùng trồng sầu riêng.
Theo đó, 27 mã số vùng trồng sầu riêng Bình Phước vừa được cấp phép với diện tích 701,5 ha, sản lượng 14.030 tấn. Tổng số mã vùng trồng cây sầu riêng của tỉnh được nâng lên 65 mã số với diện tích 2.412 ha. Hiện tại, việc giám sát quản lý mã số phục vụ xuất khẩu được tỉnh Bình Phước tiến hành định kỳ 6 tháng/lần và được báo cáo về Cục Bảo vệ Thực vật để thông tin cho nước nhập khẩu nhằm duy trì mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Có 95% sản lượng quả sầu riêng tươi của Bình Phước được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, còn lại tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Tỉnh Bình Phước chú trọng kiểm soát chất lượng tại vùng trồng sầu riêng xuất khẩu. |
Người trồng sầu riêng trên địa bàn Bình Phước đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến, các công nghệ cao ứng dụng vào sản xuất như tưới nước tiết kiệm bằng phương pháp phun sương, nhỏ giọt; bón phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt; sử dụng năng lượng mặt trời để tưới cây; dùng máy bay không người lái phun thuốc bón phân, thu hoạch; ứng dụng công nghệ số để ghi lại lịch sử sản xuất của từng cây trồng… đã và đang mang lại hiệu quả cao trong quá trình canh tác sầu riêng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Phước, tỉnh có 31 chuỗi liên kết trong trồng sầu riêng; trong đó có 20 doanh nghiệp trái cây tham gia liên kết liên kết xây dựng mã số vùng trồng tại tỉnh. Để phát triển bền vững, hiệu quả cây sầu riêng phải có sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị; duy trì và đảm bảo đáp ứng Tiêu chuẩn tối thiểu VietGAP và nâng dần Tiêu chuẩn GAP để cạnh tranh sản phẩm, tìm kiếm nhiều thị trường mới Tiêu chuẩn GAP cao hơn, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Do lợi nhuận từ cây sầu riêng cao nên diện tích cây sầu riêng tăng nhanh. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo nông dân cần lựa chọn cơ sở bán giống uy tín, đúng chất lượng công bố và có hợp đồng cam kết tính đúng giống như công bố được cơ quan ngành xác nhận. Thời gian qua, ngành nông nghiệp Bình Phước đã chủ động, tích cực hỗ trợ các địa phương hướng dẫn người dân xây dựng mã số vùng trồng góp phần phát triển sản xuất.
Chế biến sầu riêng tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. |
Với mục tiêu tập trung thiết lập, cấp, quản lý và giám sát cho vùng sản xuất, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; phối hợp với đơn vị liên quan, huyện, thị xã, thành phố tổ chức 11 lượt hội nghị, tập huấn về mã vùng trồng cho khoảng 500 lượt nông dân; tập trung hỗ trợ, thiết lập, cấp mã số cho các vùng; giải quyết hồ sơ đề nghị của chủ sở hữu hoặc người đại diện vùng trồng, cơ sở đóng gói trên cơ sở tuân thủ đúng quy định, minh bạch, trách nhiệm.
Bình Phước có diện tích đất nông nghiệp lớn; trong đó có hàng nghìn héc ta đất trồng cây sầu riêng hứa hẹn mang lại triển vọng cho nông dân khi mã số vùng trồng được nhân rộng đưa trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Hoa Kỳ. Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 14.423 ha diện tích trồng cây ăn trái. Tỉnh định hướng phát triển diện tích trồng sầu riêng lên 8.000-10.000 ha theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành công văn về việc giao nhiệm vụ cấp, quản lý mã số vùng trồng. Theo đó, tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị làm đầu mối, chủ trì thực hiện thiết lập hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng và quản lý, sử dụng mã số vùng trồng ở địa phương đảm bảo đúng quy định; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân về mã số vùng trồng và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng mã số vùng trồng đã được cấp cho các tổ chức, cá nhân tại địa phương đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc khi cần thiết. Hằng năm, xây dựng kế hoạch, dự trù và bố trí kinh phí xây dựng và quản lý mã số vùng trồng tại địa phương theo quy định....
Nguồn:Bình Phước quản lý chặt chẽ vùng trồng sầu riêng xuất khẩu