Các hồ thủy điện vượt mực nước chết, cung ứng điện có thoát khó?
Thiếu điện - Những thách thức không mới của ngành điện Việt Nam Bộ Công Thương nói về giải pháp đảm bảo cung ứng điện |
Theo báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường, Bộ Công Thương về tình hình vận hành hồ thủy điện ngày 15/6, chỉ còn có 4 hồ thủy điện xấp xỉ mực nước chết, ít hơn so với con số 6 hồ của ngày 14/6. Bao gồm: Thác Bà, Bản Vẽ, Thác Mơ, Đồng Nai 3.
Việc nhiều địa phương có mưa, lưu lượng nước về các hồ chứa khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã tăng nhẹ. Đáng chú ý, lưu lượng ở một số lưu vực sông, suối nhỏ khu vực Bắc Bộ các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang tăng nhanh.
Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá, lượng nước về hồ các ngày qua vẫn chủ yếu để điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, các nhà máy thủy điện vận hành phát điện bằng lưu lượng nước về.
Các nhà máy khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ phát điện cầm chừng với cột nước, công suất thấp để đảm bảo an toàn cho tổ máy khi vận hành, khó có thể đáp ứng được việc phát điện theo quy trình vận hành hồ chứa tại thời kỳ này.
Nhiều hồ thủy điện có mực nước xuống thấp ở mức kỷ lục trong những ngày qua. (Ảnh minh họa) |
Trong điều kiện nhiều nhà máy thủy điện hạn chế vận hành do khô hạn nghiêm trọng, gánh nặng về điều tần và điều áp dồn cả lên Nhà máy thủy điện Hòa Bình nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống điện quốc gia.
Tại hồ thủy điện Hòa Bình, gần đây dù ở nhiều tỉnh thành miền Bắc có mưa nhưng lưu lượng nước về hồ cũng rất thấp - chỉ đạt khoảng 200 m3/s. Mực nước tại hồ sáng 13/6 ở mức trên 102 m, cao hơn mực nước chết 22 m và thấp hơn mực nước dâng bình thường 15 m.
"Trong tình hình lưu lượng nước đang về hồ như hiện nay, nếu phát điện liên tục hết công suất, sau 13 ngày hồ thủy điện Hòa Bình sẽ về mực nước chết", ông Phạm Văn Vương, Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình cho biết.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, với 8 tổ máy (mỗi tổ có công suất 240 MW), trong điều kiện bình thường, phát đủ công suất, thủy điện Hòa Bình đóng góp 9,832 tỷ kWh/năm cho hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng điện phát lên lưới của thủy điện Hòa Bình chỉ đạt khoảng 3,5 tỷ kWh, tương đương 37% kế hoạch năm 2023.
Cũng theo Bộ Công Thương, tổng lưu lượng nước về các hồ thủy điện lớn miền Bắc ngày 12-6 tăng 28% so với ngày trước đó, chủ yếu về các hồ Hòa Bình và Lai Châu. Hầu hết các nhà máy thủy điện lớn đều đã được hạn chế huy động, ngoại trừ Nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Lượng công suất chưa thể huy động được từ các nhà máy thủy điện vẫn ở mức 5.000 MW. Ngày 12/6, công suất nguồn lớn nhất tại miền Bắc đạt 18.580 MW, trong đó thủy điện chỉ phát được 3.800 MW.
Trong khi đó, trong cơ cấu nguồn cung cấp điện cho miền Bắc, thủy điện chiếm tỷ trọng lớn khoảng hơn 43%. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nhà máy thủy điện miền Bắc phát điện cầm chừng với cột nước, công suất thấp và đang thiếu hụt khoảng 5.000 MW thì nhiệt điện than là nguồn cung cấp điện quan trọng nhất cho miền Bắc thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, do phải huy động công suất lớn, liên tục nên một số tổ máy vẫn gặp sự cố. Thêm vào đó, hiện nay do sản lượng huy động của các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc duy trì ở mức rất cao nhu cầu lên tới 6,03 triệu tấn phục vụ cho sản xuất điện nên các nhà máy nhiệt điện của EVN dự kiến thiếu khoảng 1 triệu tấn than trong 2 tháng tới. Như vậy, việc cung ứng điện vẫn chưa thể thoát khó.
Cơ quan điện lực cho biết công suất tiết giảm điện tối đa ở miền Bắc ngày 12/6 vào khoảng 3.225 MW, con số này tăng lên so với ngày 11/6 là 2.744 MW và ngày 10/6 là 1.300 MW. |
Nguồn:Nhiều hồ thủy điện vượt mực nước chết, việc cung ứng điện liệu có thoát khó?