Các lý thuyết lãnh đạo và sự vận dụng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc hiện nay
Những điểm tựa của dân tộc Việt Nam cho sự phát triển ổn định, bền vững trong kỷ nguyên mới Xây dựng Đảng bộ Khối Các cơ quan Trung ương trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc |
Từ khoá: Kỷ nguyên mới; lý thuyết lãnh đạo; lãnh đạo chuyển đổi; lãnh đạo phục vụ; lãnh đạo dân chủ.
1. Đặt vấn đề
Bối cảnh cải cách hành chính khu vực công ở các quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ, nhất là các quốc gia đang phát triển, thách thức trong lãnh đạo công ngày càng phức tạp. Sự ra đời các lý thuyết lãnh đạo thể hiện vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cải cách hành chính công, ứng phó tốt với các thách thức trong môi trường lãnh đạo nhiều thay đổi. Các lý thuyết lãnh đạo góp phần định hướng mô hình lãnh đạo hiệu quả, bảo đảm tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, phục vụ lợi ích công, tham gia giải quyết tốt những vấn đề như quan liêu, trì trệ trong bộ máy công, thúc đẩy sự đổi mới để phù hợp với các yêu cầu xã hội hiện đại (Olugboyega và cộng sự, 2024). Mặt khác, các lý thuyết lãnh đạo nhấn mạnh vai trò của chính phủ trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân, coi người dân là trung tâm của mọi chính sách, đồng thời thúc đẩy cơ chế để người dân tham gia vào hoạch định và giám sát các quá trình chính sách, qua đó tăng cường tính dân chủ, đồng thuận xã hội.
Hơn nữa, vận dụng lý thuyết lãnh đạo có thể hỗ trợ quá trình xây dựng môi trường làm việc tích cực, tạo động lực cho nhân viên, thúc đẩy tinh thần làm việc chủ động, sáng tạo, trách nhiệm trong việc thực hiện hoạt động công vụ (Bass, 2000). Lý thuyết lãnh đạo, nhất là lý thuyết lãnh đạo công còn góp phần định hình mô hình lãnh đạo với tinh thần kiến tạo, bảo đảm sự phát triển bền vững, công bằng, hiệu quả, thúc đẩy quan hệ đối tác công – tư. Vì vậy, vận dụng lý thuyết lãnh đạo trong cơ quan công quyền có thể tạo ra bộ máy linh hoạt, hiệu quả để thích ứng với bối cảnh nhiều thay đổi.
Cho đến nay có nhiều lý thuyết lãnh đạo được phát triển, có những lý thuyết trở nên phổ biến và khả dụng ở nhiều nền văn hoá khác nhau. Những lý thuyết lãnh đạo khả dụng thường nhấn mạnh đến các khía cạnh, như sự tập trung vào phương thức lãnh đạo linh hoạt, sáng tạo, định hướng, truyền cảm hứng, tinh thần làm việc để thích nghi với bối cảnh lãnh đạo thay đổi nhanh chóng (Thanh, Quang, 2022). Có thể đề cập đến một số lý thuyết lãnh đạo mặc dù ra đời ở phương Tây, nhưng đến nay vẫn được thừa nhận và ứng dụng rộng rãi trong các nghiên cứu về lãnh đạo học ở Việt Nam, đó là lý thuyết lãnh đạo chuyển đổi, lý thuyết lãnh đạo phục vụ, lý thuyết lãnh đạo dân chủ. Việc tìm hiểu các lý thuyết lãnh đạo trên có thể gợi mở định hướng vận dụng vào bối cảnh kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam.
2. Các lý thuyết lãnh đạo
Lý thuyết lãnh đạo chuyển đổi được phát triển bởi James MacGregor Burns (1978), sau đó được Bernard Bass và Avolio (1990) mở rộng. Lãnh đạo chuyển đổi tập trung vào việc truyền cảm hứng, tạo động lực cho nhân viên, khích lệ nhân viên vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa phát triển bản thân, thay đổi cách thức gây ảnh hưởng và dẫn dắt mọi người cùng đạt được mục tiêu chung. Có 4 yếu tố chính đặc trưng cho lãnh đạo chuyển đổi, đó là: (1) tầm nhìn và ảnh hưởng lý tưởng: người lãnh đạo được xem là hình mẫu về giá trị đạo đức, niềm tin, lòng trung thành, nêu gương để nhân viên tin tưởng và noi theo; (2) truyền cảm hứng và động lực: lãnh đạo chia sẻ tầm nhìn hấp dẫn, mục tiêu, ý nghĩa công việc, sự lạc quan; (3) kích thích trí tuệ: lãnh đạo khích lệ nhân viên tư duy sáng tạo, chủ động tìm kiếm giải pháp mới, đưa ra quan điểm, ý tưởng, thách thức hiện trạng để thúc đẩy sự phát triển của tổ chức, bản thân nhân viên; (4) Quan tâm cá nhân hóa: lãnh đạo dành sự quan tâm đến nhu cầu cá nhân, tạo cơ hội cho nhân viên phát triển nghề nghiệp, đồng thời lắng nghe trên tinh thần đồng cảm và chia sẻ. Lý thuyết lãnh đạo chuyển đổi phù hợp tốt với môi trường đòi hỏi tinh thần đổi mới, có thể giúp tổ chức vượt qua nhiều thách thức phức tạp.
Tuy được xem là lý thuyết có nhiều điểm nổi trội trong việc cải thiện hiệu quả lãnh đạo nhưng lý thuyết lãnh đạo chuyển đổi vẫn có những hạn chế. Lãnh đạo chuyển đổi tập trung vào truyền cảm hứng, sự thay đổi nhưng trong bối cảnh khu vực công với yêu cầu tuân thủ quy định nghiêm ngặt, nên khi vận dụng lý thuyết này có thể tạo ra mâu thuẫn với các quy trình hiện hành, không phù hợp với nhân viên ưa thích làm việc dựa trên quy định rõ ràng. Hơn nữa, nếu lãnh đạo không đủ năng lực truyền cảm hứng, thiếu sự nhạy bén trong tạo động lực, tầm nhìn không rõ ràng lý thuyết này sẽ thất bại. Lý thuyết lãnh đạo chuyển đổi được cho là tốn thời gian và nguồn lực, khó đo lường, khó đánh giá hiệu quả một cách rõ ràng do dựa trên các giá trị trừu tượng, như: truyền cảm hứng, động lực và niềm tin, thiếu sự rõ ràng trong phân chia trách nhiệm. Ngoài ra, việc đặt ra mục tiêu lớn có thể gây áp lực cho nhân viên khi nhân viên không đủ năng lực chuyên môn hoặc thiếu sự chuẩn bị về kỹ năng làm việc. Tuy có những phê phán nhưng lý thuyết lãnh đạo chuyển đổi tiếp tục có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển của khu vực công cũng như khu vực tư, thúc đẩy sự phát triển trên tinh thần hợp tác giữa nhà lãnh đạo và nhân viên, hỗ trợ sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp của nhân viên (Davis, 2017).
Lý thuyết lãnh đạo phục vụ được Robert K. Greenleaf phát triển vào những năm 1970, sau đó được mở rộng và cải biến bởi nhiều học giả. Tuy vậy, lý thuyết lãnh đạo phục vụ nhấn mạnh tinh thần của nhà lãnh đạo dựa trên nguyên tắc “phục vụ để dẫn dắt” thay vì “dẫn dắt để được phục vụ” nhằm đáp ứng nhu cầu của người khác, giúp họ giúp họ đạt được mục tiêu làm việc một cách tối đa.
Nguyên tắc cốt lõi của lý thuyết lãnh đạo phục vụ là tinh thần phục vụ, lãnh đạo đặt nhu cầu của nhân viên hay người dân là ưu tiên để phục vụ. Lãnh đạo chủ động lắng nghe với sự đồng cảm, thậm chí có thể đặt bản thân vào vị trí của nhân viên hay người dân để thấu hiểu, chia sẻ cảm xúc với nhân viên, người dân nhằm thiết lập lòng tin, tạo không khí làm việc cởi mở, nhân viên cảm nhận được sự trân trọng, qua đó xây dựng môi trường làm việc hợp tác, tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau. Để đạt được yêu cầu này, nhà lãnh đạo phục vụ cần có năng lực nhìn xa trông rộng, có năng lực thuyết phục nhân viên thông qua lý lẽ thay vì ép buộc bằng quyền lực hành chính. Do đó, nhà lãnh đạo cần quan tâm đến sự phát triển nghề nghiệp của nhân viên giúp nhân viên đạt được tiềm năng tối đa, từ đó, nâng cao trách nhiệm của bản thân trước nhân viên và xã hội để ra quyết định lãnh đạo có đạo đức (Hai và Van, 2021).
Tính nhân văn trong lý thuyết lãnh đạo phục vụ tập trung vào con người, xây dựng mối quan hệ và tạo động lực, song lý thuyết này vẫn có những hạn chế. Lãnh đạo phục vụ chú trọng phát triển con người nên có thể bỏ qua ưu tiên hiệu quả công việc. Nhà lãnh đạo phục vụ đòi hỏi nhiều thời gian để lắng nghe, đồng cảm và hỗ cá nhân điều này không phù hợp với môi trường áp lực cao hoặc tổ chức có đông nhân viên. Trong bối cảnh cải cách hành chính với việc đặt lợi ích của nhân viên là ưu tiên, lãnh đạo có nguy cơ sử dụng quyền lực không hiệu quả hoặc khó khăn khi ra quyết định. Hơn nữa, lý thuyết lãnh đạo phục vụ yêu cầu nhà lãnh đạo có sự đồng cảm, khiêm tốn, tinh thần phục vụ, điều này khó áp dụng cho các nhà lãnh đạo trong bối cảnh đẩy mạnh thiết chế hành chính mạnh, ngoài ra do tập trung vào hỗ trợ nên nhân viên có thể suy giảm tính tự giác, ỷ lại vào lãnh đạo. Do đó, đánh giá hiệu quả lãnh đạo phục vụ thường khó lượng hoá do tính định tính cao như sự hài lòng, lòng tin, tinh thần của nhân viên (Uslu, 2019).
Lý thuyết lãnh đạo dân chủ được Kurt Lewin đặt nền móng cho sự ra đời lý thuyết lãnh đạo dân chủ, bản thân ông nhận thấy khi vận dụng lý thuyết lãnh đạo dân chủ có thể mang lại hiệu quả trội hơn so với vận dụng lý thuyết lãnh đạo độc đoán và tự do trong việc thúc đẩy sự tham gia và sáng tạo của nhân viên trong cùng tổ chức (Billig, 2014). Về sau nhiều nhà nghiên cứu và học giả lý thuyết tiếp tục bổ sung, nhằm gia tăng tính khả dụng ở nhiều nền văn hoá, nhất là trong các tổ chức nhân viên có trình độ và sự chủ động cao.
Lý thuyết lãnh đạo dân chủ khích lệ mạnh mẽ sự tham gia của nhân viên. Nhà lãnh đạo lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhân viên, bảo đảm thông tin được chia sẻ đầy đủ, lãnh đạo chủ động đối thoại hai chiều giữa lãnh đạo với nhân viên, lãnh đạo và nhân viên thiết lập, duy trì mối quan hệ hỗ trợ và hợp tác. Nhà lãnh đạo sẵn sàng trao quyền và cho phép nhân viên chủ động trong thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở xây dựng lòng tin, xây dựng mối quan hệ tích cực. Lý thuyết lãnh đạo dân chủ đề cao ý chí tập thể, sự đồng thuận tối đa thay vì áp đặt ý chí chủ quan của lãnh đạo. Nhà lãnh đạo coi trọng các ý kiến, quan điểm khác nhau, khuyến khích tư duy sáng tạo và khích lệ tinh thần đổi mới sáng tạo, khích lệ nhân viên cùng tham gia vào quá trình ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định, kể cả những ý kiến khác biệt được khuyến khích nhằm bảo đảm sự đa dạng về quan điểm, tránh thiên vị, góp phần củng cố và duy trì môi trường làm việc tin cậy, nâng cao sự đoàn kết, hợp tác. Do đó, lý thuyết lãnh đạo dân chủ có thể hỗ trợ tổ chức thích nghi tốt hơn với những thay đổi từ môi trường bên ngoài (Bass, 2000).
Lý thuyết lãnh đạo dân chủ tuy có nhiều ưu điểm nhưng vẫn có những hạn chế. Lý thuyết lãnh đạo dân chủ khuyến khích sự tham gia và đồng thuận từ nhiều bên dẫn đến thời gian ra quyết định có thể kéo dài. Hơn nữa, trong một tổ chức thường có nhiều ý kiến, quan điểm, lợi ích khác nhau, năng lực và trình độ cũng khác nhau, rõ nhất khi công chức hoặc người dân không đủ kiến thức, thông tin làm cho quan điểm không sát thực tế hoặc không đủ căn cứ nên có thể dẫn đến bất đồng về nhận thức do đó khó thống nhất giải pháp. Trong bối cảnh cải cách hành chính đang đặt ra mạnh mẽ như hiện nay, các mục tiêu chính trị, pháp lý, hành chính phải được tuân thủ nghiêm ngặt và với quá trình tham vấn kéo dài có thể ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và tổ chức thực thi chính sách dẫn đến tính linh hoạt trong quyết định lãnh đạo bị hạn chế. Thậm chí nhà lãnh đạo có thể lợi dụng tinh thần dân chủ để thoái thác, tránh né, đẩy trách nhiệm cho tập thể gây ra sự trì trệ trong hoạt động lãnh đạo.
3. Sự vận dụng các lý thuyết lãnh đạo trong kỷ nguyên mới của đất nước
Kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: “đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, so sánh với các cường quốc năm châu” (Tô Lâm, 2024). Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn khẳng định: “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đích cuối cùng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc; đuổi kịp, tiến cùng, sánh vai với các cường quốc năm châu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu,… sau gần 95 năm tiến hành công cuộc giải phóng, xây dựng đất nước; dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tạo ra những bước phát triển đột phá kỳ diệu, những kỷ nguyên vẻ vang: kỷ nguyên độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930 – 1975); kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới (1975 – 2025) và bây giờ, chúng ta bước vào kỷ nguyên thứ ba – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” (Nguyễn Hoàng, 2024). Định hướng chiến lược đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu tìm kiếm, phát triển, bổ sung, hoàn thiện phương pháp lãnh đạo, sự vận dụng các lý thuyết lãnh đạo trở thành phương tiện quan trọng góp phần định hướng lý luận và nhận thức cho kỷ nguyên mới của đất nước.
Lãnh đạo chuyển đổi coi trọng việc phát triển con người, khuyến khích sự học hỏi liên tục và nâng cao năng lực cho người dân. Để dân tộc Việt Nam vươn mình mạnh mẽ trong bối cảnh hội nhập quốc tế, lãnh đạo cần đầu tư vào giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để mỗi cá nhân có thể đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Khi đất nước vươn mình, việc xây dựng nền văn hóa tiến bộ, đề cao tính sáng tạo, cởi mở, tôn trọng đa dạng và khuyến khích tinh thần đổi mới, hình thành những giá trị mới trong xã hội giúp đất nước thích ứng tốt hơn với những thay đổi trong bối cảnh toàn cầu hoá. Trong bối cảnh mới, lãnh đạo chuyển đổi có thể giúp cải thiện hiệu quả lãnh đạo, thúc đẩy sự minh bạch và công bằng, thay đổi các cấu trúc và phương thức làm việc của cơ quan hành chính để tạo ra môi trường ổn định và hiệu quả cho sự phát triển.
Nhà lãnh đạo phát triển động lực, truyền cảm hứng thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của cán bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ công. Qua đó xây dựng văn hóa, tinh thần làm việc tích cực, thân thiện, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, khuyến khích cán bộ, công chức tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để cải thiện quy trình làm việc. Bản thân nhà lãnh đạo tự đổi mới tư duy lãnh đạo, tư duy quản trị quốc gia trong lãnh đạo giải quyết các vấn đề xã hội phức tạp hiệu quả và bền vững. Vì vậy, lãnh đạo chuyển đổi không chỉ đưa ra quyết định mạnh mẽ mà còn lắng nghe và đối thoại với người dân để cùng tìm ra giải pháp tối ưu. Việc phát triển tinh thần cộng đồng mạnh mẽ, sự đoàn kết là yếu tố then chốt, người dân đóng vai trò là chủ thể có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Nhà lãnh đạo khơi dậy khát vọng phát triển quốc gia, thiết lập và truyền đạt tầm nhìn quốc gia gắn với tự hào dân tộc, định hướng về một Việt Nam hiện đại, thịnh vượng và có vị thế cao trong khu vực và thế giới. Các nhà lãnh đạo tiên phong trong lãnh đạo hiện thực hoá chiến lược phát triển “Tầm nhìn 2045”, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản trị quốc gia, chú trọng xây dựng bản sắc lãnh đạo Việt Nam. Kết hợp các giá trị văn hóa truyền thống với tư duy lãnh đạo đổi mới để định hình phong cách lãnh đạo Việt Nam hiện đại, khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ của người dân vào quá trình chuyển đổi số, phát triển xã hội học tập, tăng cường mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, củng cố lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền.
Lãnh đạo phục vụ đặt trọng tâm vào giải quyết các vấn đề thực tiễn của người dân, tăng cường tinh thần đoàn kết, củng cố và làm sâu sắc mối quan hệ gần gũi, gắn kết giữa chính quyền với người dân, tạo động lực để cộng đồng cùng tham gia vào quá trình phát triển, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế. Trong quá tình xây dựng và thực thi chính sách cần đặt nhu cầu của người dân, đặc biệt ở vùng khó khăn vào trung tâm các chương trình phát triển kinh tế – xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ của chính quyền, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân gắn với việc nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng khám chữa bệnh, giảm nghèo, công tác an sinh xã hội.
Vận dụng lý thuyết lãnh đạo dân chủ ở cơ sở, vai trò của hội đồng nhân dân, tổ chức đoàn thể trong việc giám sát, phản biện xã hội, tham gia hoạch định chính sách cần được phát huy hơn nữa trên thực tế. Ngay trong quá trình xây dựng và trước khi ban hành các chính sách quan trọng ở trung ương cũng như ở các cấp chính quyền địa phương, lãnh đạo cần tham vấn ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp và người dân, điều này càng có ý nghĩa cấp thiết khi tiến trình dân chủ hoá các lĩnh vực trong đời sống xã hội đang được đẩy mạnh.
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, các lý thuyết chuyển đổi, lãnh đạo phục vụ, lãnh đạo dân chủ có thể cộng hưởng và hỗ trợ đắc lực cho nhà lãnh đạo trong thực hiện vai trò lãnh đạo. Lãnh đạo chuyển đổi, đặt ra tầm nhìn lớn, truyền cảm hứng và thúc đẩy sự thay đổi, khơi dậy khát vọng sáng tạo. Lãnh đạo phục vụ đặt con người làm trung tâm của quá trình phát triển, hướng tới lợi ích chung và với lý thuyết lãnh đạo dân chủ có thể tạo dựng môi trường làm việc minh bạch, đoàn kết, phát huy trí tuệ và sự tham gia của người dân trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách. Vận dụng hài hoà, kết hợp các lý thuyết lãnh đạo góp phần xây dựng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam với sự phát triển bền vững, thiết lập tầm nhìn rộng lớn, tầm nhìn được xây dựng dựa trên việc phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, các tổ chức, cá nhân được hiện thực hoá bằng các chính sách phục vụ cho chính người dân. Vận dụng các lý thuyết lãnh đạo còn góp phần gia tăng đồng thuận xã hội, truyền cảm hứng và niềm tin qua hành động thực tiễn, củng cố và phát triển tinh thần đoàn kết thông qua minh bạch hoá các quá trình lãnh đạo và huy động trí tuệ của Nhân dân.
Lãnh đạo chuyển đổi thiết lập tầm nhìn, định hướng chiến lược, trong khi đó lãnh đạo phục vụ bảo đảm tầm nhìn được hiện thực thông qua việc ưu tiên lợi ích và nhu cầu của người dân. Ngoài ra, lãnh đạo phục vụ nhấn mạnh việc phục vụ lợi ích cộng đồng, ở khía cạnh khác lãnh đạo dân chủ bảo đảm các thành viên cộng đồng được hỗ trợ để đạt được nhu cầu và mong muốn. Bên cạnh đó, lãnh đạo chuyển đổi tạo ra viễn cảnh hấp dẫn, hỗ trợ người dân hướng tới mục tiêu chung, trong khi lãnh đạo dân chủ bảo đảm sự tham gia đầy đủ của người dân vào quá trình thực hiện mục tiêu. Sự kết hợp và vận dụng hài hoà các lý thuyết lãnh đạo góp phần gắn kết các quá trình xã hội, phát huy tinh thần phục vụ, tính minh bạch, công bằng, đó còn là cách kết hợp sức mạnh dân tộc, tầm nhìn, trách nhiệm đạo đức, gia tăng sự tham gia và đồng thuận của người dân, đó là cách để thực hiện vai trò của các nhà lãnh đạo trong hệ thống chính trị trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Vận dụng các lý thuyết lãnh đạo trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ngày càng có ý nghĩa hệ trọng. Lý thuyết lãnh đạo chuyển đổi góp phần xây dựng nền tảng vững chắc về tinh thần đoàn kết, sáng tạo, khát vọng phát triển, các nhà lãnh đạo không chỉ tạo ra sự thay đổi trong hành động mà còn khơi dậy những giá trị vinh quang, niềm tin mạnh mẽ trong lòng dân tộc. Lãnh đạo phục vụ đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, tiềm năng của con người được phát huy, các hành động vì lợi ích cộng đồng được khích lệ, xây dựng xã hội công bằng, thịnh vượng, mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, hội nhập và phát triển bền vững, đồng thời các giá trị của lý thuyết lãnh đạo phục vụ phù hợp với giá trị truyền thống “vì Nhân dân phục vụ”, “nhà nước của dân, do dân và vì dân”, từ đó kế thừa và phát huy các giá trị này trong thời kỳ hội nhập, bảo đảm lợi ích xã hội, khẳng định vị thế đáng tin cậy trong hợp tác quốc tế. Lãnh đạo dân chủ với trọng tâm là sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân vào các mặt trong đời chính trị, xã hội, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình nhằm xây dựng sự đồng thuận, hợp tác và đoàn kết xã hội trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên hội nhập sâu rộng và phát triển bền vững. Vận dụng các lý thuyết lãnh đạo đạt được hiệu quả tối ưu, không chỉ quan tâm đến các ưu điểm, hạn chế, cân nhắc đến các thách thức trong mỗi lý thuyết lãnh đạo.
Trong quá trình vận dụng các lý thuyết lãnh đạo cần thấy một số thách thức đặt ra. Sự mâu thuẫn giữa lý luận và thực tiễn, lãnh đạo chuyển đổi cần thời gian, lãnh đạo phục vụ yêu cầu nguồn lực lớn, trong khi đó lãnh đạo dân chủ cần cân bằng lợi ích nhiều bên. Những mâu thuẫn này đòi hỏi nhà lãnh đạo cần có bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo để giải quyết hài hoà những thách thức trong mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn. Bên cạnh đó, hệ thống quản trị quốc gia hiện chưa đồng bộ. Thể chế chính trị, cơ chế hành chính và chính sách chưa đủ mạnh để nhà lãnh đạo tiên phong “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân” (Ban Chấp hành Trung ương, 2024), “Đặt lợi ích quốc gia – dân tộc, lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân lên trên hết, trước hết” (Ban Chấp hành Trung ương, 2024). Hơn nữa, một số nhà lãnh đạo chưa sẵn sàng cho đổi mới, thiếu tư duy đổi mới, bởi trong bối cảnh hiện nay, đổi mới thường liên quan đến ứng dụng công nghệ, lãnh đạo thiếu kỹ năng về công nghệ dễ ngần ngại thay đổi, do đó lựa chọn giải pháp an toàn, ít rủi ro dù giải pháp không còn phù hợp.
Vận dụng kết hợp các lý thuyết lãnh đạo chuyển đổi, phục vụ, dân chủ trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam là xu hướng tất yếu để thúc đẩy sự phát triển. Sự kết hợp vận dụng các lý thuyết lãnh đạo tạo nên mô hình lãnh đạo toàn diện giúp các nhà lãnh đạo phát huy tối đa tiềm năng, thích ứng tốt với những thách thức lãnh đạo để đất nước phát triển bền vững, nhưng cần quan tâm đến những thách thức để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động lãnh đạo.
4. Kết luận
Trong bối cảnh mới của kỷ nguyên mới, các nhà lãnh đạo của Việt Nam không ngừng tìm kiếm và vận dụng các lý thuyết lãnh đạo phù hợp với đặc thù lịch sử, văn hóa và xã hội của đất nước. Các lý thuyết lãnh đạo đóng vai trò là công cụ thúc đẩy hiệu quả hoạt động lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, phản ánh khát vọng xây dựng một quốc gia độc lập, tự chủ, phồn vinh, hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển với thu nhập cao vào năm 2045. Từ những tư tưởng lãnh đạo truyền thống đề cao các chuẩn mực đạo đức, nhấn mạnh tinh thần và trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm xã hội, Việt Nam đã kế thừa, sáng tạo và vận dụng linh hoạt các lý thuyết lãnh đạo hiện đại, bao gồm lãnh đạo chuyển đổi, lãnh đạo phục vụ và lãnh đạo dân chủ. Quá trình này đòi hỏi sự nhận thức sâu sắc, phân tích và đánh giá toàn diện các ưu điểm cũng như hạn chế của từng lý thuyết để áp dụng phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Nỗ lực kết hợp hài hòa giữa bản sắc dân tộc và tinh thần hội nhập quốc tế, đồng thời đặt lợi ích cộng đồng lên hàng đầu và đề cao trách nhiệm của các nhà lãnh đạo, chính là yếu tố then chốt tạo điều kiện cho Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong thời đại toàn cầu hóa.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2024). Quy định Số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/quy-dinh-so-144-qdtw-ngay-0952024-cua-bo-chinh-tri-ve-chuan-muc-dao-duc-cach-mang-cua-can-bo-dang-vien-trong-giai-doan-10415
2. Bass, B.M. and Avolio, B.J. (1990). Developing Transformational Leadership: 1992 and Beyond. Journal of European Industrial Training, Vol. 14 No. 5. https://doi.org/10.1108/03090599010135122.
3. Bass, B. M. (2000). The Future of Leadership in Learning Organizations. Journal of Leadership Studies, 7(3), 18–40. https://doi.org/10.1177/107179190000700302
4. Billig, M. (2014). Kurt Lewin’s Leadership Studies and His Legacy to Social Psychology: Is There Nothing as Practical as a Good Theory?. Journal for the Theory of Social Behaviour, 45(4), 440–460. Portico. https://doi.org/10.1111/jtsb.12074.
5. Burns, J. M. (1978). Leadership. New York: Harper & Row.
6. Davis, N. (2017). Review of Followership Theory and Servant Leadership Theory: Understanding How Servant Leadership Informs Followership. Servant Leadership and Followership, 207–223. https://doi.org/10.1007/978-3-319-59366-1_97.
7. Hai, T. N., & Van, Q. N. (2021). Servant Leadership Styles: A Theoretical Approach. Emerging Science Journal, 5(2), 245–256. https://doi.org/10.28991/esj-2021-01273
8. Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn.https://baochinhphu.vn/hoi-thao-khoa-hoc-quoc-gia-ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-viet-nam-nhung-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-102241115164631562.htm
9. Một số nội dung cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; n mạnh mẽ định hướng chiến lược đưa nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-ky-nguyen-phat-trien-giau-manh-duoi-su-lanh-dao-cam-quyen-cua-dang-cong-san-xay-dung-thanh-cong-nuoc-vie.
10. Olugboyega, O., Ejohwomu, O., Omopariola, E. D., & Omoregie, A. (2024). Leadership Energy Theory for Sustaining Leadership Competence and Effectiveness. Merits, 4(2), 191–210. https://doi.org/10.3390/merits4020014.
11. Thanh, N. H., & Quang, N. V. (2022). Transformational, Transactional, Laissez-faire Leadership Styles and Employee Engagement: Evidence From Vietnam’s Public Sector. Sage Open, 12(2). https://doi.org/10.1177/21582440221094606.
12. Thanh, N. H., Quang, N. V., & Anh, N. N. (2022). The relationship between leadership style and staff work engagement: An empirical analysis of the public sector in Vietnam. Humanities and Social Sciences Communications, 9(1). https://doi.org/10.1057/s41599-022-01354-7.
13. Uslu, O. (2019). General Overview to Leadership Theories from a Critical Perspective. Marketing and Management of Innovations, 161–172. https://doi.org/10.21272/mmi.2019.1-13.
Nguồn: Các lý thuyết lãnh đạo và sự vận dụng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc hiện nay