Các tỉnh Tây Nguyên chủ động ứng phó với thiên tai, khắc phục hậu quả mưa lũ
Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu, đối với rủi ro thiên tai ở cấp độ 1, UBND các huyện, thị xã, thành phố huy động các nguồn lực phòng, chống; thường xuyên tuần tra, kiểm tra các khu vực xung yếu, bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông, nhất là những nơi bị sạt lở, các ngầm tràn, khu vực bị ngập, nước chảy xiết; kiểm tra, vận hành bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt và báo cáo kịp thời khi công trình xảy ra sự cố; dự trữ trang, thiết bị, phương tiện, vật tư, nhân lực để xử lý khi có tình huống xảy ra.
Nhiều vùng ở Tây Nguyên chìm trong lũ trong những ngày qua |
Các chủ đầu tư, chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, bố trí lực lượng trực 24/24 tại các công trình trong thời gian xảy ra mưa lũ; thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện; chủ động bố trí kinh phí duy tu bảo dưỡng, sửa chữa các hư hỏng, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn đập; xả nước để giảm dung tích hoặc không tích nước vào mùa mưa lũ để đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du đập. Chủ động xây dựng và tổ chức phương án bảo vệ vận hành an toàn cho công trình; thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, phương án bảo vệ đập và phương án phòng, chống thiên tai cho vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập.
Ngoài ra, kiểm tra, rà soát và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, trang thiết bị, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” để phục vụ công tác bảo đảm an toàn đập, vùng hạ du đập trong mùa mưa lũ; thông báo kịp thời việc xả lũ hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện đến Nhân dân vùng hạ du để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Tại tỉnh Đắk Lắk, ngày 11/7, UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa lũ năm 2024.
Trong đó, yêu cầu các địa phương chủ động, sẵn sàng ứng phó thiên tai, đảm bảo an toàn công trình: tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn nhằm phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn công trình; chủ động xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình, nhất là các vị trí, khu vực trọng điểm xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ”; chuẩn bị hộ đê, bảo vệ công trình theo phương án được duyệt; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu trên các tuyến đê; chuẩn bị, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du, các khu vực được đê bảo vệ trong điều kiện xảy ra bão, lũ lớn, kể cả trường hợp mưa, lũ cực đoan vượt tần suất thiết kế; tổ chức diễn tập phương án hộ đê, phương án ứng phó khẩn cấp của các hồ chứa (nếu có); tổ chức vận hành thử các trạm bơm tiêu, cống tiêu, cống dưới đê, cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa nước và bố trí đủ vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong trường hợp có sự cố vận hành.
Cùng với đó, cần bố trí lực lượng đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành công trình; chấp hành nghiêm quy trình vận hành các hồ chứa; rà soát và có giải pháp xử lý ách tắc dòng chảy khi vận hành xả lũ; tăng cường theo dõi, cập nhật dự báo khí tượng thủy văn và áp dụng các công nghệ tiên tiến hỗ trợ điều tiết hồ chứa thủy lợi, phục vụ chỉ đạo, vận hành bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, lũ, bão; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động triển khai các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu đê điều theo phương châm “4 tại chỗ” khi có tình huống xảy ra.
Trong khi đó, tại tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh này yêu cầu các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa, bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, lốc, sét, ngập lụt, nắng nóng, mưa đá và các loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn; phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh thông tin kịp thời đến chính quyền địa phương, người dân để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại đời sống dân sinh; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở nơi không an toàn, ven sông, suối, khu vực có nguy cơ sạt lở; chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn; có phương án bảo đảm hậu cần và các nhu yếu phẩm thiết yếu tại các điểm sơ tán.
Nguồn: Các tỉnh Tây Nguyên chủ động ứng phó với thiên tai, khắc phục hậu quả mưa lũ'