Cách ứng phó với hiện tượng sóng nhiệt
Vì sao nhiệt độ ở châu Á cao bất thường trong mùa hè năm nay? Châu Á đang phải trải qua đợt nắng nóng nhất trong lịch sử |
Tại Việt Nam, đợt nắng nóng vừa qua đã ghi nhận một số điểm nóng từ 41 - 42 độ C ở các tỉnh như Sơn La, Nghệ An. Phía Tây Bắc Bộ và khu vực miền Trung đã xuất hiện ba đợt nắng nóng diện rộng nhưng đã có tới hai đợt ghi nhận những giá trị nắng nóng vượt mức kỷ lục so với cùng kỳ các năm trước.
Tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, mức nhiệt 41,4 độ C được ghi nhận vào ngày 22/3, cao hơn kỷ lục cũ thiết lập năm 1996 tới 3,3 độ C. Đây là mức nhiệt cao nhất từng ghi nhận tại nước ta vào tháng 3 trong lịch sử quan trắc khí tượng.
Theo Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia phân tích, nóng kỷ lục ở châu Á và Đông Nam Á trong tháng 4 là do dòng xiết gió Tây nhánh phía Nam cao nguyên Ti-bét di chuyển lên phía Bắc sớm, tạo điều kiện cho vùng thấp nóng ở châu Á hoạt động sớm và mạnh hơn so với trung bình hàng năm, gây ra nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm. Ở Việt Nam, ngoài tác động của vùng thấp nóng châu Á, còn chịu ảnh hưởng của gió phơn, khi tác động đến dãy Hoàng Liên Sơn và phía Tây Trường Sơn sẽ gây ra hiệu ứng gió phơn làm cho mức độ nắng nóng ở Tây Bắc Bộ và phía Tây các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị gay gắt hơn.
Theo dự báo, năm 2023, cao điểm nắng nóng tại miền Bắc tập trung vào tháng 6 - 7; miền Trung là tháng 6 - 8. Các đợt nắng nóng trung bình kéo dài từ 2 - 4 ngày, có đợt dài hơn. Số ngày nắng nóng năm 2023 có thể xuất hiện nhiều hơn so với năm 2022. Nhiều khả năng còn xuất hiện những giá trị nhiệt độ cao nhất vượt kỷ lục cũ đã từng được quan trắc.
Để ứng phó với hiện tượng sóng nhiệt, ông Nguyễn Văn Hưởng lưu ý, đối với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng cần bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ như vào sáng sớm hoặc chiều muộn, hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao. Nếu bắt buộc phải làm việc, người dân không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Sau khoảng 45 phút đến 1 giờ làm việc, người dân nên nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong khoảng từ 15 - 20 phút.
Người dân khi phải làm việc trong môi trường nắng nóng cần hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy; sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính, quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi, sử dụng thêm các loại kem chống nắng.
Người dân khi làm việc trong môi trường nắng nóng không sử dụng các loại đồ uống có cồn; cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc, uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất như Oresol đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc, khi uống nước cần tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất. Mọi người cần thực hiện các biện pháp làm thoáng mát nơi làm việc như sử dụng mái che, các tấm phản chiếu nhiệt, vật liệu cách nhiệt, hệ thống phun nước, phun sương, lắp đặt hệ thống điều hòa, hệ thống quạt thông gió phù hợp.
Nguồn:Cách ứng phó với hiện tượng sóng nhiệt