Cảnh giác lừa đảo tài chính online ngày Tết
Ngân hàng cảnh báo lừa đảo gia tăng dịp Tết Nguyên đán Công ty Alibaba vẽ 58 dự án “ma” trên đất nông nghiệp như thế nào? |
Cận tết Nguyên đán là thời điểm các đối tượng lừa đảo và phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi quảng cáo thường xuyên hoạt động mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2022 các cấp cơ quan quản lý đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật (hơn 1.460 trang lừa đảo trực tuyến) và bảo vệ hơn 4,7 triệu người dân (tương ứng 6,7% người dùng internet Việt Nam) trước các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến.
Còn theo ghi nhận từ cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, năm 2022 đã ghi nhận gần 13.000 trường hợp lừa đảo trực tuyến.
Trong đó, các vụ lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài chính (tiền và các loại tài sản khác) chiếm đa phần khi có tới 75,6% số vụ bị phát hiện thuộc dạng này. Lừa đảo để lấy thông tin chiếm 24,4%.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính.
Ngoài hai hình thức kể trên, kẻ xấu còn “chế biến” nhiều kịch bản để lừa người dùng vào bẫy như dụ dỗ nạp tiền làm "nhiệm vụ online", giả mạo người thân yêu cầu chuyển tiền, giả mạo cơ quan chức năng báo vi phạm giao thông…
Tin nhắn SMS Brandname giả mạo từ các tổ chức ngân hàng, tài chính cũng được hacker chuộng dùng trong năm 2022. Kết quả khảo sát của Bkav, hơn nửa số người dùng Việt Nam bị làm phiền bởi các tin nhắn này.
Nhờ sự cải thiện về nhận thức an ninh mạng của người dùng, số người thực hiện theo yêu cầu trong tin nhắn giả mạo chỉ dừng ở mức 5,7% (theo báo cáo của Bkav), tuy nhiên đây vẫn là "miếng mồi béo bở" cho tin tặc.
Có thể kể đến như vụ việc mất 2,1 tỉ đồng trong tài khoản do lừa đảo nâng cấp SIM (ở TP.HCM), hay vụ việc mất hơn 5,5 tỉ đồng sau khi nghe điện thoại và làm theo yêu cầu của kẻ giả mạo công an (ở Hà Nội)…
Theo dự báo của các chuyên gia an ninh mạng, năm 2023 lừa đảo qua hình thức gửi tin nhắn, gọi điện sẽ tiếp tục phổ biến khi hacker có thể kiếm tiền dễ dàng.
Các chuyên gia khuyến cáo: người dùng nên xác minh thông tin tại trang chính thống của tổ chức. Không vội vàng thực hiện giao dịch qua các địa chỉ, số điện thoại hoặc email nhận được từ chính tin nhắn Brandname đó.
NHNN cảnh báo tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tiền qua Internet Banking
Nguồn: Cảnh giác lừa đảo tài chính online ngày Tết