Cao Bằng quyết liệt phòng, chống cháy rừng mùa hanh khô
Theo số liệu từ UBND tỉnh Cao Bằng năm 2022, tổng diện tích rừng của tỉnh là 374,1 nghìn ha (trong đó rừng tự nhiên là 353,5 nghìn ha), độ che phủ là 55,3% với nhiều hệ sinh thái rừng khác nhau trong đó chứa đựng nhiều nguồn gen động vật, thực vật quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ và phát triển. So với trước đây, diện tích và độ che phủ rừng có xu hướng tăng.
Thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2024, đến nay, toàn tỉnh trồng được 1.076,76 ha rừng, tăng 903,77 ha so với cùng kỳ năm 2023; khai thác 4.815,397 m3 sản lượng gỗ, giảm 0,85% so với cùng kỳ. Trong đó, trồng rừng Dự án bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2021 - 2025 là 744,42 ha; trồng mới rừng của các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng xóm tự đầu tư diện tích 67,3 ha; trồng lại rừng sản xuất sau khai thác 15,24 ha; trồng rừng thay thế 249,8 ha.
Diện tích rừng giảm 15,967 ha do cháy rừng, phá rừng, lấn chiếm rừng, giảm 38,43% so với cùng kỳ. Lực lượng chức năng ngăn chặn 121 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 23 vụ so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, hiện nay do ảnh hưởng của khô hanh kéo dài, hầu hết những diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có nguy cơ cháy rất cao, theo thông tin cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm từ ngày 14/01/2025, rừng trên địa bàn thành phố Cao Bằng cấp dự báo cháy rừng đang ở Cấp IV (Cấp nguy hiểm), các khu vực khác ở cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm.
Đặc biệt, trong những ngày qua, liên tiếp xảy ra cháy rừng tại một số huyện Hòa An, Hà Quảng, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Thạch An và Hạ Lang gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Để phòng chống và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cháy rừng, bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường thiên nhiên, giảm thiểu thiệt hại tối đa do cháy rừng gây ra. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, Thành phố khẩn trương chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ, công việc trọng tâm cấp bách về PCCCR. Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng tại Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 13/1/2025.
Trong đó, Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố chịu trách nhiệm về công tác PCCCR trên địa bàn; khẩn trương chỉ đạo quyết liệt các biện pháp PCCCR, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về công tác PCCCR; chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án PCCCR trên địa bàn; trong đó, tập trung xây dựng triển khai phương án huy động lực lượng, phương tiện, chỉ huy, hậu cần trong trường hợp xảy ra cháy lớn.
Kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ, xác định rõ các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng và cháy lớn theo mức độ kiểm soát của chủ rừng, thôn, xã, huyện và tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát về PCCCR, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mát cảnh giác; kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng.
Cán bộ Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng kiểm tra, giám sát rừng. (Ảnh minh hoạ: BSL). |
Tổ chức trực, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại những khu vực có mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng cao, tăng cường công tác tuần tra, canh gác, phát hiện sớm lửa rừng và đảm bảo lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra, bố trí phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong PCCCR. Chủ động tổ chức các lực lượng liên ngành Kiểm lâm, Công an, Quân đội và các lực lượng có liên quan thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR, có phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị, hậu cần, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, các tình huống cấp bách trong PCCCR, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân tích cực tham gia PCCCR.
Xử lý nghiêm minh những vi phạm quy định PCCCR theo quy định pháp luật. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu xảy ra cháy rừng trên diện rộng và gây thiệt hại lớn về rừng trên địa bàn phạm vi quản lý. Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ nắng nóng, nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng, báo cáo ngay khi phát sinh cháy rừng về UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng trong trường hợp cần thiết.
Chủ động bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện tốt công tác PCCCR. Chủ động phương án sẵn sàng di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan đơn vị có liên quan và UBND các huyện, Thành phố tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ rừng, người dân trong công tác PCCCR; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương làm rẫy.
Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác PCCCR tại các địa phương, nhất là các khu vực trọng điểm về cháy rừng; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra. Phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ khi mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng cao; tăng cường công tác tuần tra, canh gác, phát hiện sớm lửa rừng và đảm bảo lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khí xảy ra cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn, kéo dài trong nhiều ngày; bố trí phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.
Rà soát các khu rừng có nguy cơ cháy cao; có phương án cụ thể, chi tiết bố trí lực lượng thường trực, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Nghiêm cấm mọi hành vi đốt nương, làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng, ven rừng trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng.
Bước vào mùa hanh khô, thời tiết diễn biến bất thường sẽ làm gia tăng nguy cơ cháy rừng, nhất là các khu vực trọng điểm. Vì vậy, việc chú trọng tăng cường lực lượng, phương tiện, vật tư thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại Cao Bằng đóng vai trò rất quan trọng.
Cùng với sự chủ động của các cấp, các ngành thì người dân cũng cần có ý thức bảo vệ, PCCCR nhất là vào những ngày tiết hành khô, nắng nóng. Từ đó, góp phần ngăn chặn các vụ cháy rừng, bảo vệ diện tích rừng hiện có và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.
Tỉnh Cao Bằng đang từng bước xây dựng một mô hình phát triển bền vững, vừa đảm bảo an ninh môi trường, vừa phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vai trò tiên phong trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trong khu vực.
Nguồn: Cao Bằng quyết liệt phòng, chống cháy rừng mùa hanh khô