CEO Vietjet Air: “Đừng tiết kiệm ước mơ và không lãng phí thì giờ”
LTS: Ngày 13/10/1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của các doanh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các doanh nghiệp và doanh nhân cùng chung sức phát triển nền kinh tế đất nước, từ đó tạo được lòng tin và những làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gần 8 thập kỷ đã trôi qua, những khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang tiếp tục nỗ lực thực hiện lời căn dặn này của Người. Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và doanh nhân. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có lực lượng doanh nhân hùng hậu, trong đó có nhiều doanh nhân đã trở thành niềm kiêu hãnh, phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm với dân tộc. Đó là nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Trên tinh thần đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào hành trình xây dựng đất nước, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Doanh nhân và khát vọng Việt Nam khởi nghiệp". Bài 25: CEO Vietjet Air: “Đừng tiết kiệm ước mơ và không lãng phí thì giờ” Trân trọng gửi tới quý độc giả! |
Mới đây nhất, thông qua HD Bank và Vietjet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã tặng thêm gần 10 tỷ đồng cho 4 tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long để tạo quỹ học bổng, nhà tình thương và xây dựng thư viện số nhằm khuyến khích phát triển các môn học về công nghệ số và nông nghiệp công nghệ cao cho các tỉnh khu vực này. Hai năm qua, thông qua doanh nghiệp của mình, bà đã ủng hộ hơn 1.000 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch. Nữ tỷ phú này là một trong những doanh nhân đầu tiên đề xuất xã hội hóa vắc-xin phòng dịch và tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ để tiếp nhận đóng góp vào quỹ vắc-xin; khai báo di chuyển, y tế và doanh nghiệp của bà cũng được khen thưởng vì đã tài trợ giải cứu sàn HoSE…
Trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam khởi nghiệp và điều hành một hãng hàng không thương mại, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã làm nên kỳ tích khi ngành hàng không vốn được coi là sân chơi của riêng các tỷ phú phái mạnh. Trong một lần hiếm hoi trao đổi với báo chí, bà chia sẻ: “Để thành công cần nhiều nỗ lực, nhiều yếu tố lắm nhưng quan trọng nhất vẫn là thái độ và năng lực bản thân, ví như đừng bao giờ tiết kiệm ước mơ và cũng không lãng phí thì giờ…”.
Bà đã truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ đang khát khao khởi nghiệp, vươn lên chinh phục những đỉnh cao.
KHỞI NGHIỆP BẰNG... CHỮ TÍN
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo được biết đến là một nữ doanh nhân, nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam được Forbes ghi nhận sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Hiện bà là CEO của Vietjet Air; Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank; Chủ tịch HĐQT Sovico, một tập đoàn kinh tế đa ngành, đóng góp cho sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân, góp phần kiến tạo nên hình ảnh một đất nước hội nhập, tự cường, đổi mới và phát triển.
Là một người con của mảnh đất Thủ đô nghìn năm văn hiến, bà Thảo may mắn và có cơ duyên được đi du học khi bước sang tuổi 17 ngành Kinh tế tài chính những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Có lẽ đây là bước ngoặt, bước khởi đầu mới cho những thành công của cô nữ sinh Hà thành lúc bấy giờ. Môi trường du học tại nước ngoài cũng là tiền đề để thôi thúc ý chí, nhạy bén với thương trường, kinh tế trong con người cô nữ sinh vừa bước qua tuổi trăng tròn này.
Bước sang năm thứ 2 du học, cô nữ sinh Phương Thảo đã nắm bắt được thị trường ở khối Đông Âu đang thiếu thốn hàng tiêu dùng. Nhân cơ hội này bà đã có có những bước đi, bước khởi nghiệp đầu tiên. Tự tìm hiểu, tự phán đoán thị trường, cô nữ sinh lúc bấy giờ đã bắt tay vào kinh doanh bằng việc tìm cách đưa hàng điện tử, máy tính, băng đĩa, đồng hồ… nông sản từ các nước châu Á sang Đông Âu. Song song với việc đó, bà cũng đưa về nước các mặt hàng mà thị trường đang rất thiếu thốn và cần thiết như: Trang thiết bị, sắt thép, phân bón…
Khi bắt đầu khởi nghiệp, “vốn liếng” của bà Thảo lúc bấy giờ chỉ là một chữ tín và sức lao động miệt mài đến phi thường của bản thân. Nhớ lại những điều này khi đặt những bước chân đầu tiên vào thương trường, bà Phương Thảo nói: “Khi thấy mình chăm chỉ và có trách nhiệm thì các đối tác phân phối lớn sẽ chọn là đại lý để phân phối hàng cho họ nên mình không cần nhiều vốn. Do mình làm việc rất hiệu quả và trung thực. Ví dụ, thị trường giá cả hay biến động thì mình làm việc theo cách ngày nào giá bao nhiêu và doanh thu ngày hôm đấy tương ứng với giá hôm ấy mình đều thông báo cho họ rất cẩn thận. Bởi vậy, người ta có niềm tin và thấy được làm việc với mình hiệu quả, doanh thu lợi nhuận đảm bảo tốt”.
Một ngày mới bắt đầu của bà thường vào lúc 5h sáng và kết thúc lúc 2h rạng sáng hôm sau là điều bình thường. Có lẽ với người đầy nhiệt huyết, làm việc gấp 200 - 300% người bình thường thì có lẽ 1 ngày có 24h không bao giờ đủ khi bà luôn nung nấu trong tâm trí để tạo dựng niềm tin về sự thành công tương lai. Vừa học, vừa khởi nghiệp đã khiến cô sinh viên Hà thành trưởng thành lên từng ngày và chỉ vỏn vẹn đúng 3 năm trời miệt mài, trái ngọt đã đến với bà khi có trong tay 1 triệu USD.
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, với giới kinh doanh thì bà Phương Thảo được xếp vào hàng ngũ những người thành công bậc nhất bên trời Âu khi tuổi đời còn rất trẻ.
HÀNH TRÌNH HIỆN THỰC HÓA "ƯỚC MƠ BAY" CHO NGƯỜI VIỆT
Không lựa chọn con đường như nhiều người khác, sau khi học xong, khi có được tấm bằng Tiến sỹ ngành Điều khiển học tự động, lúc mới bước sang tuổi 27, bà Phương Thảo đã quay trở lại chính mảnh đất mình sinh ra với ước muốn tạo dựng niềm tin, giá trị cho cộng đồng, xã hội và lớn hơn cả là vươn đến thế giới.
Đứng trước sự hội nhập, phát triển của đất nước, năm 2007, bà Phương Thảo cùng cộng sự đã cùng xây dựng hãng hàng không Vietjet - hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam, giấy phép thành lập mang số 01. Vietjet Air ra đời đã làm thay đổi thế độc quyền trong ngành hàng không, mở ra cơ hội bay cho hàng triệu người dân Việt Nam và khu vực, đưa ngành hàng không Việt Nam vươn ra thế giới.
Ngày 25/12/2011, chuyến bay đầu tiên của hãng hàng không Vietjet Air mang số hiệu SGN-HAN 6660 cất cánh từ Sân bay quốc tế Nội Bài đi Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất với hơn 120 hành khách trên chiếc Airbus A320-200 đã đánh dấu một chặng đường đỉnh cao mới của Vietjet Air cũng như cá nhân “nữ tướng” của ngành hàng không.
Chuyến bay đầu tiên của Vietjet Air đã làm thay đổi thế độc quyền của ngành hàng không. Sau 10 năm cất cánh, Vietjet đã chở trên 100 triệu khách, trong đó trên 50% là bay giá rẻ. Tại lễ trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Chính phủ Pháp cho nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hồi tháng 4/2021, Đại sứ Pháp đánh giá rất cao vai trò xã hội của Vietjet và nữ tỷ phú khi 30% khách bay Vietjet là người lần đầu đi máy bay (tức là Vietjet đã hiện thực hóa ước mơ bay cho trên 30 triệu người lần đầu được bay). Mở ra cơ hội bay cho hàng chục triệu người dân Việt Nam và khu vực châu Á, Vietjet đưa ngành hàng không Việt Nam vươn ra thế giới. Đó cũng là phương châm của CEO Nguyễn Thị Phương Thảo đó là “mang lại cơ hội đi lại bằng máy bay cho tất cả mọi người".
Với việc thực hiện “ước mơ bay”, nữ tỷ phú chia sẻ: “Trước khi Vietjet Air tham gia thị trường, chỉ có 1% dân số được tiếp cận với phương tiện được cho là xa xỉ và chỉ dành cho người giàu này. Chúng tôi đã có quyết định rất đột phá là hướng tới những đối tượng chưa đi máy bay bao giờ và chưa bao giờ bước chân ra khỏi làng quê của mình”.
Ít ai biết, trước khi quyết định đầu tư vào hàng không, bà Thảo và các cộng sự đã nhìn thấy nhu cầu vận tải hàng không tại Việt Nam cũng sẽ giống như các thị trường quốc tế và có sự nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình phù hợp.
Đề án ban đầu của Vietjet Air là một hãng hàng không 5 sao. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo từng tiết lộ, tại thời điểm gần Tết - khi họ chuẩn bị cất cánh, đội ngũ Vietjet Air đi thăm những gia đình có công với cách mạng ở vùng cao. Và câu hỏi của một bà mẹ già để có được một chiếc vé máy bay, mẹ cần phải tiết kiệm bao nhiêu tấn thóc, để một lần được bay trước khi khuất núi… Điều đó đã thôi thúc nữ tỷ phú chuyển hướng sang một mô hình hàng không giá rẻ - một mô hình mang lại cơ hội bay cho rất nhiều người, qua đó sẽ kéo theo sự phát triển của kinh tế - xã hội, du lịch, văn hóa…
Song song đó là kế hoạch mở hàng loạt đường bay trong nước và nước ngoài, góp phần giúp thị trường hàng không Việt Nam cạnh tranh hơn với chi phí đi lại ngày càng rẻ. Bày tỏ quan điểm về những “ước mơ bay” này, PGS.TS. Trần Đình Thiên – Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng chia sẻ, cách làm hàng không của bà Nguyễn Thị Phương Thảo thật sự phi thường. Việc lập hãng hàng không theo mô hình giá rẻ, tạo cơ hội cho mọi tầng lớp người dân (từ nghèo đến rất nghèo) được đi máy bay, được bay lên trời có thể coi là bước ngoặt của hàng không, đóng góp rất lớn cho xã hội.
Sự lựa chọn kinh doanh như vậy trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt là rất can đảm. Nhưng lại thật là tài trí khi nhận diện đúng phân khúc thị trường tiềm năng nhất trong một thị trường hàng không đang bùng nổ, tại một khu vực đang có sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ.
Tài năng và phong cách của CEO Vietjet gây ấn tượng mạnh với giới thương nhân toàn cầu. Và không phải tự nhiên mà ông John Leahy - Tổng Giám đốc thương mại toàn cầu của Airbus lại gọi bà là người phụ nữ thú vị nhất trong hợp tác với vẻ ngoài dịu dàng nhưng vô cùng kiên định khi tham gia những giao dịch trị giá hàng tỷ đô la.
Với kinh nghiệm điều hành nhiều hệ thống lớn theo chuẩn mực quốc tế, là một tiến sỹ chuyên ngành Điều khiển học tự động, dưới sự lãnh đạo của bà Thảo, Vietjet đã tiên phong chuyển đổi từ vé máy bay sang vé điện tử, check-in kios… Nhằm nâng cao năng suất điều hành, nữ tỷ phú cũng đã đưa ra những sáng kiến, tài trợ chương trình ứng dụng giải pháp và công nghệ tiên tiến, giúp mỗi năm tăng thêm hàng chục triệu khách.
“Nhờ khoa học và công nghệ, tôi và nhiều nữ doanh nhân có cơ hội hiện thực hóa ước mơ của mình. Dành cơ hội tuyển dụng cho nữ trong cách lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật cao sẽ thúc đẩy thay đổi tư duy, nhận thức trong định hướng nghề nghiệp của người trẻ, thay đổi định kiến của xã hội về giới”, bà Thảo nhấn mạnh.
Trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam khởi nghiệp và điều hành một hãng hàng không thương mại, Nguyễn Thị Phương Thảo đã làm nên kỳ tích khi mà trước đó ngành hàng không vốn được coi là sân chơi của riêng phái mạnh. Sự thành công của bà đã truyền cảm hứng cho những người đang khát khao khởi nghiệp, giúp họ dám nghĩ, dám làm, dám thách thức và phá vỡ mọi rào cản.
Nữ tỷ phú cho biết: “Không có con đường nào dễ dàng để thành công cả. Thành công chỉ đến khi bạn đặt hết niềm tin và đam mê vào điều mình theo đuổi”.
ĐỪNG "TIẾT KIỆM" GIẤC MƠ, ĐÃ LÀM LÀ PHẢI LỚN VÀ KHÁC BIỆT
Dù từng đến trời Âu du học và tự khởi nghiệp, nhưng vốn dĩ được sinh ra trong một gia đình gia giáo ở Thủ đô nên trải qua biết bao đổi thay thời cuộc, bà Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn giữ được nét thanh lịch, nụ cười trìu mến, tính cách thân thiện và khí chất của người phụ nữ thành công.
Chính điều đó đã truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, cho phụ nữ để có thể mạnh dạn bước ra thương trường, vượt thử thách và sớm nếm trái ngọt của sự thành công. Tại một sự kiện đặc biệt dành cho các doanh nhân và báo giới, bà Phương Thảo chia sẻ đầy tâm huyết: "Doanh nhân khởi nghiệp đừng tiết kiệm ước mơ, hãy mơ những giấc mơ to lớn và biến ước mơ thành hiện thực bằng những hành động giản dị mỗi ngày tại doanh nghiệp, tổ chức của mình. Hãy biến điều không thể thành có thể, biến ước mơ thành hiện thực".
Không có con đường nào dễ dàng để thành công, thành công chỉ đến khi bạn đặt hết niềm tin và đam mê vào điều mình theo đuổi. Nếu ai đó luôn thắc mắc về việc làm sao người phụ nữ này có thể làm việc suốt 21 tiếng mỗi ngày suốt hơn 30 năm thì đây chính là câu trả lời từ nữ tỷ phú: “Mọi người hỏi tôi làm thế nào để có thời gian cho mọi việc, và câu trả lời của tôi là hãy có cách nhìn lãng mạn về các vấn đề, cùng với sự lạc quan và óc hài hước, bởi vì sự nghiệp của một doanh nhân vốn chẳng bao giờ êm ả, và những thách thức chỉ có thể vượt qua nhờ tinh thần và thái độ như thế”.
Ở vị trí lãnh đạo, bà Thảo “khéo léo” khơi gợi trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên, biến tính lương thiện và coi các hoạt động ý nghĩa hướng đến cộng đồng phải trở thành một phần đời sống của văn hóa doanh nghiệp. Bà biết cách động viên tinh thần đổi mới sáng tạo, nhất là trong lớp trẻ và tin rằng, doanh nhân Việt có khát vọng cống hiến, có lòng tự tôn dân tộc.
CEO Nguyễn Thị Phương Thảo cũng nổi tiếng với những vụ hợp đồng rất lớn và tầm cỡ quốc tế hàng chục tỷ USD khi mua hàng trăm chiếc máy bay Boeing, Airbus. Ngoài việc là cổ đông lớn nhất Vietjet Air, tập đoàn Sovico Holdings của gia đình bà Thảo đã mua lại Furama Resort Đà Nẵng vào năm 2005, trở thành nhà đầu tư Việt Nam đầu tiên sở hữu và vận hành khách sạn 5 sao.
Chính triết lý kinh doanh là làm sao để sản phẩm mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng, làm sao để mang lại môi trường làm việc, điều kiện tốt nhất cho cán bộ nhân viên của mình đã mang lại cho bà liên tiếp những thành công lớn.
Rất nhiều người đều có ấn tượng đặc biệt về nữ doanh nhân "nghiện" áo dài Việt Nam này. Bà thường xuất hiện với mái tóc buông dài hoặc búi cao trên đỉnh đầu và tóc mái hỉ nhi vốn đã trở thành thương hiệu. Không chỉ có vẻ ngoài điềm đạm, nhu mì, CEO Vietjet Air là người có nụ cười ngọt ngào, duyên dáng, khi nói chuyện luôn lễ phép với tiếng “Dạ, thưa”.
Giải mã sự thành công của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong đánh giá: “Thành công của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo trước hết đến từ việc dám ước mơ khát vọng đổi đời, dũng cảm dấn thân, lựa chọn trúng thị trường và đối tác, đồng thời, hướng tới đáp ứng nguyện vọng và lợi ích cộng đồng... Nhưng có lẽ, năng lực biến điều phức tạp thành đơn giản và quan điểm làm việc chăm chỉ, không để lãng phí thì giờ để thực hiện ước mơ mới thực sự là chìa khóa của thành công. Và trên hết, thành công của bà đã làm thay đổi định kiến buộc phải đánh đổi khi phụ nữ dấn thân vào thương trường”.
MỘT CÁI ĐẦU LẠNH VÀ MỘT TRÁI TIM ẤM
Nhiều người từng tiếp xúc với bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng nhận xét, bà không phải là mẫu doanh nhân nói suông mà giống kiểu một “nữ chiến binh” có tinh thần lăn xả hơn. Bà từng được Tổng Giám đốc John Leahy ví là “người phụ nữ có bàn tay sắt bọc nhung” bởi sự cứng rắn bên trong vẻ ngoài mềm mỏng mỗi khi đàm phán hợp đồng.
Chính CEO của Vietjet cũng từng giải mã cá tính mạnh mẽ đó của bản thân mình như sau: "Trên thương trường, không có chỗ cho sự yếu đuối. Đã làm kinh doanh phải chấp nhận sự sòng phẳng. Các đối thủ cạnh tranh không bao giờ buông tha cho bạn vì bạn là phụ nữ. Làm bất cứ việc gì, cơ bản bạn vẫn phải cống hiến bằng năng lực của mình, đừng trông chờ lợi thế".
Những việc làm ý nghĩa và cống hiến vì cộng đồng đã giúp bà Phương Thảo đạt được nhiều danh hiệu, giải thưởng danh giá. Trong đó phải kể đến như: Tháng 11/2018, Tổng thống Singapore Halimah Yacob và Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN Robert Yap trao cho bà Nguyễn Thị Phương Thảo hai giải thưởng là Nữ doanh nhân xuất sắc tại khu vực ASEAN và Nữ doanh nhân xuất sắc Việt Nam.
Tháng 12/2018, Forbes chính thức vinh danh nữ doanh nhân của Vietjet Air trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới, với vị trí thứ 44, tăng 11 bậc so với bảng xếp hạng năm 2017. Ngoài ra, Bloomberg cũng đánh giá bà là một trong 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu 2018, bên cạnh những nhân vật toàn cầu như Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ, Giám đốc tài chính của Microsoft, Ngoại trưởng Canada, Tổng thống Nam Phi…
Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo được vinh danh là 1 trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất tại châu Á trong công tác thiện nguyện. Danh sách này được tạp chí danh tiếng của châu Á Tatler bình chọn nhằm tôn vinh những nhân vật đi đầu trong việc “đem đến những thay đổi tích cực” cho xã hội trong năm 2020. Bà cũng là đại diện duy nhất của phụ nữ Việt Nam được tôn vinh trong danh sách này.
Bà là người đưa ra sáng kiến chương trình “Chắp cánh yêu thương” để trao học bổng, trao quà cho trẻ em tại các trại trẻ mồ côi, khuyến khích trẻ em nghèo đến trường và trao áo ấm mùa đông cho trẻ ở vùng sâu, vùng xa.
CEO Nguyễn Thị Phương Thảo cũng được tôn vinh là 1 trong 100 nhân vật làm thay đổi kinh tế châu Á do Tạp chí Business Insider Australia bình chọn. Tập đoàn Sovico do bà đứng đầu vừa trở thành đối tác của Liên Hợp Quốc với các tổ chức thành viện là Unesco, Habitat, Unido... trong các hoạt động bảo vệ phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống, bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng... cho một thế giới sáng tạo tương lai.
Cũng theo TS. Nguyễn Minh Phong, thành công của bà Nguyễn Thị Phương Thảo là phần thưởng cho một người phụ nữ có trái tim nhân hậu, dịu dàng, đa cảm và giàu lòng tự tôn dân tộc.
Trong suốt hơn 30 năm làm kinh doanh, CEO của Vietjet “chưa bao giờ ngồi đếm xem mình có bao nhiêu tiền” vì lớn lên trong điều kiện tốt, không thiếu thốn về vật chất nên kiếm tiền chưa bao giờ được bà coi là mục tiêu chính của mình. Với bà, thành công chỉ thật sự có ý nghĩa khi những khoản tiền kiếm được mang lại giá trị cho khách hàng, xã hội, cho chính các nhân viên và được chia sẻ với cộng đồng, làm nhiều điều tốt đẹp hơn cho xã hội.
Từ lâu, bà đã có tiếng là người rất hăng hái, nhiệt huyết trong các công tác thiện nguyện và dành mối quan tâm đặc biệt tới trẻ em chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Bà cũng là người đã truyền cảm hứng cho đội ngũ hàng chục ngàn nhân viên của mình tham gia vào các hoạt động từ thiện trên khắp cả nước. Trong năm qua, Hãng hàng không Vietjet của bà Phương Thảo đã thực hiện hàng trăm chuyến bay hồi hương Việt kiều về nước tránh dịch Covid-19; vận chuyển miễn phí hàng nghìn tấn hàng cứu trợ đồng bào thiệt hại do bão lũ tại miền Trung; chuyên chở miễn phí nhiều đoàn công tác phòng chống dịch, phòng chống bão lũ…
Bản thân nữ tỷ phú đã trích tiền cá nhân, thông qua sự phối hợp giữa Vietjet và cơ quan ngoại giao các nước, để tặng 2,5 triệu khẩu trang cho người dân các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ… Trong mùa dịch, nhân viên của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đã tổ chức các bếp ăn từ thiện dành cho những người bán vé số, lượm ve chai, chạy xe ôm, những người bị thất nghiệp với hàng trăm nghìn suất ăn được phát…
Mặc dù rất bận rộn với công việc và những hoạt động vì cộng đồng nhưng nữ tỷ phú vẫn chu toàn với gia đình nhỏ, cố gắng thu xếp để đưa đón con đi học mỗi ngày và cho con tới công ty mỗi cuối tuần để có thêm thời gian cho con.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, tâm và tính thiện lương đều có trong mỗi người, không riêng gì doanh nhân. Bà thường nhắc nhở bản thân và nhân viên đánh thức tinh thần đó dù là công tác xã hội, thiện nguyện hay kinh doanh. Tính lương thiện sẽ hướng cho mọi người làm điều đúng đắn, có ích cho xã hội.
“Tôi tin rằng, tôi cũng như bất cứ người phụ nữ Á Đông nào đều đã được dạy đức sự hy sinh, sự quan tâm, chăm sóc tỉ mỉ, tính dịu dàng, bao dung, cho đi mà không đòi hỏi, nghĩ về những người khác trước khi nghĩ về mình, và mang những đức tính ấy vào công vệc của mình… Ngoài ra, nếu bạn càng ít mong đợi từ những người khác, bạn sẽ càng hạnh phúc khi nhận được điều gì đó ngay lúc bạn không ngờ tới nhất”, bà Thảo hạnh phúc nói.
Có lẽ “dừng lại” hay "lãng phí" là những từ sẽ không bao giờ có trong “từ điển” của nữ doanh nhân sinh năm 1970 này. Bằng những sáng tạo không ngừng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo không chỉ giúp Vietjet Air tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đưa màu cờ sắc áo của Việt Nam phủ trên bầu trời thế giới mà còn là người truyền cảm hứng, thổi hồn cho những giấc mơ khởi nghiệp “dám nghĩ, dám làm, dám hiện thực hóa” của thế hệ trẻ ngày nay./.
Nguồn: CEO Vietjet Air: “Đừng tiết kiệm ước mơ và không lãng phí thì giờ”