Châu Á thiệt hại kinh tế nghiêm trọng do thiên tai khắc nghiệt gia tăng
Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội Nâng cao năng lực phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai |
Báo cáo do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) phối hợp cùng Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc về Châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP) công bố trong Hội nghị COP27 hôm 14/11, tại Sharm El Sheikh, Ai Cập. Kể từ năm 2020, Hiệp hội Khí tượng II châu Á đã phát hành các báo cáo hàng năm về tình trạng khí hậu ở châu Á nhằm mục đích thông báo cho các nhà hoạch định chính sách, các bên liên quan và xã hội về sự biến đổi khí hậu, các sự kiện thời tiết, khí hậu trong năm, tác động của chúng trong bối cảnh dài hạn, cùng với thông tin về hành động khí hậu dựa trên thông tin từ các nguồn đáng tin cậy.
Báo cáo cho thấy ở toàn khu vực châu Á, nhiệt độ vào năm 2021 trong khu vực cao hơn 0,86 độ C so với mức trung bình từ năm 1981-2010, được xếp hạng giữa năm ấm nhất thứ 5 và thứ 7 được ghi nhận. Lượng mưa giảm và sự phát triển của băng tuyết ít hơn đã ảnh hưởng đến lượng nước cung cấp cho cây trồng và làm giảm sản lượng. Thời tiết và các hiện tượng cực đoan dưới tác động của biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại về người và tài sản trong toàn khu vực.
Thiên tai khắc nghiệt đã làm gia tăng mức độ thiệt hại kinh tế nghiêm trọng tại các quốc gia thuộc khu vực châu Á |
Báo cáo ước tính, so với mức trung bình trong 20 năm qua, thiệt hại kinh tế do do hạn hán đã tăng 63%, do lũ lụt tăng 23 %, và do các trận lở đất tăng 147 %. Cụ thể, vào năm 2021, có tổng cộng hơn 100 sự kiện thiên tai ở Châu Á, trong đó, 80% là các sự kiện bão lụt. Những thiên tai này khiến gần 4.000 người thiệt mạng, trong đó, khoảng 80% là do lũ lụt. Tính chung, 48,3 triệu người đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những hiểm họa này, gây thiệt hại kinh tế tổng cộng 35,6 tỷ USD. Các quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất do lũ lụt là Trung Quốc (18,4 tỷ USD), Ấn Độ (3,2 tỷ USD) và Thái Lan (0,6 tỷ USD). Bão cũng gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể, đặc biệt là ở Ấn Độ (4,4 tỷ USD), Trung Quốc (3 tỷ USD) và Nhật Bản (2 tỷ USD).
Báo cáo cho thấy một viễn cảnh đáng lo ngại về căng thẳng nguồn nước trong tương lai. Vùng núi cao châu Á, bao gồm cả dãy Himalaya và cao nguyên Tây Tạng, là khu vực có khối lượng băng lớn nhất bên ngoài vùng cực, với diện tích sông băng bao phủ khoảng 100.000 km2. Tốc độ tan chảy của các sông băng đang tăng nhanh và nhiều sông băng bị tổn thất khối lượng lớn do điều kiện khô và ấm, đặc biệt vào năm 2021. Đây là những nguồn cung cấp nước ngọt cực kỳ quan trọng với các khu vực đông dân cư nhất hành tinh. Vì vậy, sự tan chảy khiến sông băng bị thu hẹp dần có ý nghĩa to lớn đối với các thế hệ tương lai.
Ông Armida Salsiah Alisjahbana, Tổng thư ký kiêm Thư ký điều hành của ESCAP cho biết, do lũ lụt và xoáy thuận nhiệt đới trong khu vực gây ra thiệt hại kinh tế cao nhất, nên việc đầu tư cho thích ứng phải được ưu tiên cho các hành động và sự chuẩn bị trước. ESCAP ước tính rằng hàng năm châu Á sẽ phải đầu tư rất lớn cho thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể Trung Quốc cần đầu tư ở mức 188,8 tỷ USD, tiếp theo là Ấn Độ ở mức 46,3 tỷ USD và Nhật Bản là 26,5 tỷ USD. Theo phần trăm GDP của đất nước, chi phí ước tính cao nhất là Nepal với 1,9%, tiếp theo là Campuchia 1,8% và Ấn Độ 1,7%.
Nguồn: Châu Á thiệt hại kinh tế nghiêm trọng do thiên tai khắc nghiệt gia tăng