Chi phí lãi vay ‘ăn mòn’ lợi nhuận tại Chứng khoán Bảo Việt
Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Nhiều ngân hàng muốn niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán trong năm 2022 Bong bóng trong chứng khoán Mỹ "đã đổ vỡ", nhưng thị trường gấu còn lâu mới kết thúc |
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC, mã: BVS) công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với khoản lợi nhuận sau thuế gần 49 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 64 tỷ đồng, tương ứng giảm 24% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động trong quý đạt 250 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021.
Doanh thu tăng trưởng song lợi nhuận tại BVSC lại "đi lùi" trong quý 1 do tác động lớn từ chi phí phát sinh mạnh hơn tốc độ tăng của doanh thu.
Lợi nhuận sau thuế của Chứng khoán Bảo Việt. |
Cụ thể, quý 1/2022, lãi từ các tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 38 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên lỗ từ hoạt động tự doanh lại tăng 46% lên 20 tỷ đồng.
Trong kỳ, danh mục FVTPL của BVSC có giá trị ghi sổ đạt 619 tỷ đồng, giảm 49 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu đến từ việc giảm danh mục đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu trong khi gia tăng tỷ trọng chứng chỉ quỹ niêm yết.
Ngoài ra, khoản lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) cũng tăng gấp 3 lần so với quý 1/2021 lên 15 tỷ đồng. Danh mục HTM của BVSC hiện có giá trị khoảng 1.213 tỷ đồng, không có trái phiếu và đều là tài sản HTM khác.
Mảng môi giới chứng khoán đạt 104 tỷ đồng, tăng tới 21%. Lãi từ các khoản phải thu tăng 32% lên 73 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các khoản chi phí tại BVSC lại ngốn hết lợi nhuận. Trong kỳ, chi phí hoạt động tăng mạnh tăng tới 30% lên 114 tỷ đồng. Trong đó, chi phí cho môi giới tăng 26% lên hơn 88 tỷ đồng; chi phí nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán ghi nhận hơn 17 triệu đồng trong khi cùng kỳ 2021 không có khoản này.
Đáng chú ý, doanh thu tài chính chỉ ghi nhận 6,6 triệu nhưng BVSC phải trả chi phí tài chính mà phần lớn là chi phí lãi vay tới 43 tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ. Do đó dẫn đến lợi nhuận sụt giảm trong quý đầu năm nay.
Theo giải trình từ phía công ty, do chi phí chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL quý này tăng 16,4 tỷ đồng (947%) so với năm trước trong khi doanh thu từ chệnh lệch tăng đánh giá lại tài sản tài chính FVTPL giảm 17,9 tỷ (-70%) đã làm lợi nhuận chưa thực hiện kỳ này giảm so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận sụt giảm, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của BVSC trong 3 tháng đầu năm cũng âm hơn 377 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ âm hơn 280 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn tới dòng tiền hoạt động kinh doanh tại BVSC âm là do tiền chi trả cho người lao động tăng vọt 136% lên hơn 112 tỷ đồng; tiền đã chi mua các tài sản tài chính cũng tăng tới 36%, tương đương tăng hơn 40.429 tỷ đồng; ngoài ra tiền chi trả lãi vay cho hoạt động của CTCK cũng tăng gấp 3,3 lần cùng kỳ, lên gần 33 tỷ đồng.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm luôn là chỉ báo xấu đối với sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Đồng thời, dòng tiền thuần hoạt động đầu tư của trong kỳ cũng âm 54 triệu đồng.
Cả dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư đều bị âm dẫn tới BVSC phải tăng cường vay nợ. 3 tháng đầu năm 2022, tiền chi trả nợ gốc vay là hơn 6.473 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần cùng kỳ.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt |
Tính đến 31/3/2022, tổng tài sản tại BVSC tăng nhẹ 4%, đạt hơn 5.960 tỷ đồng được hình thành từ 3.763 tỷ đồng nợ phải trả, chiếm tới 63% tổng tài sản và chỉ có hơn 2.197 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.
Tổng nợ vay tại BVSC ghi nhận gần 2.871 tỷ đồng (chủ yếu là nợ vay ngắn hạn) tăng 15% so với đầu năm và chiếm 48% tổng tài sản và lớn hơn cả vốn chủ sở hữu.
Ngoài ra, tính tới cuối quý 1, dư nợ margin và ứng trước của BVSC có giá trị 3.663 tỷ đồng, tăng 288 tỷ đồng so với đầu năm.
Hiện BVSC là công ty con của Tập đoàn Bảo Việt (BVH) với gần 60% tỷ lệ sở hữu. Quý 1/2022, kết quả kinh doanh tại BVH cũng không mấy khả quan khi hoạt động kinh doanh bảo hiểm có lợi nhuận giảm 20%, trong khi lợi nhuận tài chính gần như đi ngang, khiến lợi nhuận ròng tại BVH đi ngang, ở mức gần 471 tỷ đồng.
Nguồn:Chi phí lãi vay ‘ăn mòn’ lợi nhuận tại Chứng khoán Bảo Việt