Chile: Biến tảo biển thành nguồn năng lượng mới
Cụ thể, lĩnh vực mà các nhà khoa học tập trung nghiên cứu là quang điện sinh học. Họ sử dụng loại rong biển Ulva Lactuca, thường được gọi là rau diếp biển, để biến ánh sáng thành điện. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học rải rong biển trên những điện cực của tấm pin quang điện sinh học có cấu tạo tương tự pin mặt trời.
“Rong biển sử dụng ánh sáng để quang hợp và trong quá trình này, chúng tạo ra các phân tử truyền electron đến điện cực”, Giáo sư Federico Tasca, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Nghiên cứu rong biển trong phòng thí nghiệm tại Đại học Santiago (Chile). Ảnh: Reuters |
Dự án được coi là một phương pháp thu hoạch điện thân thiện với môi trường vì rong biển không thải ra CO2 vào ban ngày và thậm chí trong quá trình tăng trưởng, loài thực vật này có chức năng hấp thụ CO2 từ khí quyển và giải phóng oxy. Một nghiên cứu trước đó của các nhà khoa học Israel còn cho biết, trong bóng tối, rong biển vẫn có thể tạo ra dòng điện bằng một nửa dòng điện thu được vào ban ngày.
Mặc dù thừa nhận rằng dự án này vẫn cần nhiều thời gian nữa để đạt mục đích góp phần tiết kiệm năng lượng, song các nhà khoa học kỳ vọng kết quả nghiên cứu có thể thu hoạch điện đủ cung cấp năng lượng cho bóng đèn LED.
“Rong biển giống như một rương kho báu. Chúng chứa đầy các gene và phân tử mà con người vẫn chưa biết đến một cách đầy đủ”, Giáo sư Alejandra Moenne, Trưởng Khoa sinh học biển tại Đại học Santiago nhấn mạnh.
Trước đây, các nhà khoa học đã phát triển công nghệ thu dòng điện và nhiên liệu hydro từ vi khuẩn lam (cyanobacteria), còn được gọi là tảo lam hay tảo lục lam. Tuy nhiên, điểm trừ của phương pháp này là lượng dòng điện thu được từ vi khuẩn lam bị giảm trong bóng tối do không có quá trình quang hợp.
Nguồn:Chile: Biến tảo biển thành nguồn năng lượng mới