Chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai mùa mưa lũ
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xuất hiện mưa dông, sấm sét gây mưa lớn kèm gió lốc gây tốc mái trên 1.300 nhà (phần lớn thiệt hại dưới 30%); 1 ngôi nhà bị sét đánh vào đường dây điện gây cháy nhà; 388 ha hoa màu, 14 ha cây trồng lâu năm bị ngập úng; 144 con trâu, bò, ngựa, 87 con lợn bị chết… Tổng thiệt hại ước trên 10 tỷ đồng.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh đưa ra dự báo, từ tháng 5 đến tháng 10/2024, trên địa bàn tỉnh có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, lượng mưa có thể tương đương với trung bình nhiều năm, riêng tháng 9 lượng mưa cao hơn 10-30% so với trung bình nhiều năm; có khả năng xuất hiện các đợt lũ, mực nước đỉnh lũ trên các sông ở mức báo động 1, các sông, suối nhỏ ở mức báo động 1 đến báo động 3 dẫn tới nguy cơ ngập úng cầu tràn, cầu tạm, sạt lở đất, ảnh hưởng các công trình…
Bên cạnh đó, theo báo cáo hiện trạng an toàn công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ năm 2024 của Sở NN&PTNT, qua kiểm tra 161 hồ đập trên địa bàn tỉnh có 111/161 hồ chứa có kết quả đánh giá an toàn; 30/161 hồ có kết quả đánh giá cơ bản an toàn và 20/161 hồ có kết quả đánh giá có nguy cơ mất an toàn cao. Ngoài ra, cơ quan chuyên môn cũng phát hiện 12 đập bị thấm, trong đó có 4 đập bị thấm nặng; 12 đập bị biến dạng mái đập; 5 tràn xả lũ bị nứt; 16 tràn xả lũ bị xói lở thân tràn, đuôi tràn, tiêu năng...
Đảm bảo an toàn cho người, tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại là nhiệm vụ quan trọng được địa phương này xác định trong công tác phòng chống thiên tai nhất là trong mùa mưa lũ. |
Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai mùa mưa bão năm nay, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai; tiếp tục rà soát, xây dựng, cập nhật, bổ sung, phê duyệt kế hoạch phòng chống thiên tai; tăng cường công tác kiểm tra công tác PCTT&TKCN; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai, phổ biến nhất là mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá...
Đồng thời, các cơ quan liên quan nhanh chóng triển khai công tác chuẩn bị để thực hiện tốt kế hoạch tập huấn lái xuồng, tìm kiếm cứu nạn năm 2024 (dự kiến tổ chức vào cuối tháng 5 kéo dài đến đầu tháng 6/2024); tổ chức diễn tập phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Tràng Định năm 2024 (dự kiến tổ chức vào đầu tháng 8/2024). Cùng với đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết; thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, nhanh chóng khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai tại cơ sở…
Để chủ động ứng phó với diễn biến thất thường của thời tiết, các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã và đang chủ động kiểm tra, sửa chữa, xây dựng phương án ứng phó khi mưa bão xảy ra. Hiện nay, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý 123 hồ chứa, 185 đập dâng. Để đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa bão, công ty đã chỉ đạo các xí nghiệp chủ động các biện pháp: kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ đập, xây dựng phương án phòng chống bão, lũ cho từng công trình.
Ngay từ đầu năm 2024, đơn vị đã thành lập đoàn kiểm tra hiện trạng các công trình và có phương án khắc phục, sửa chữa kịp thời đối với các công trình hư hỏng, xuống cấp. Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, có 10 công trình hồ chứa đã thi công xong; công ty rà soát và có kế hoạch bảo trì 11 công trình hồ chứa với tổng kinh phí 7,83 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đơn vị đã chủ động kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, tổ chức trực ban, theo dõi diễn biến thời tiết, cử cán bộ thường trực 24/24 giờ tại công trình khi có mưa lũ; chỉ đạo xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi các huyện, thành phố phối hợp cùng chính quyền cơ sở xây dựng phương án ứng phó tình huống khẩn cấp mùa mưa bão đối với từng công trình...
Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Thời gian tới, Sở tiếp tục chỉ đạo các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi thường xuyên kiểm tra, theo dõi hiện trạng các hồ đập, báo cáo kịp thời khi có phát hiện các hư hỏng sự cố để xây dựng phương án khắc phục; theo dõi thường xuyên tình hình thời tiết để đưa ra các phương án tích nước cho hồ đập hợp lý nhằm đảm bảo an toàn. Cùng đó, chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đang sửa chữa, nâng cấp để đưa vào sử dụng; tổ chức lập, phê duyệt và thực hiện phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập trong quá trình thi công theo quy định.
Các Sở, ngành địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động phương án ứng phó trong mùa mưa lũ. |
Để nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn đề nghị các Sở, ban, ngành và địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng mùa mưa bão năm 2024. Theo đó, Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn đề nghị các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị quản lý, khai thác, sử dụng công trình xây dựng tăng cường tuyên truyền, phổ biến, khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng trước ảnh hưởng của thiên tai trong thời gian tới, đảm bảo phù hợp với đặc điểm tình hình tỉnh Lạng Sơn.
Đối với các công trình xây dựng, tăng cường công tác kiểm tra an toàn, chất lượng trong thi công; an toàn phòng chống lụt bão tại các công trình do mình làm chủ đầu tư và các công trình xây dựng trên địa bàn theo phân cấp; công trình nhà tạm, nhà bán kiên cố; nhà gạch khung bê tông cốt thép có nguy cơ phát sinh sự cố sập đổ mái, tốc mái và đổ tường, rạn nứt, hư hỏng; công trình hạ tầng kỹ thuật có nguy cơ phát sinh sự cố hư hỏng do bị sụt đất, sạt lở; các công trình tiếp giáp trực tiếp với sông, suối. Đặc biệt lưu ý các công trình có nguy cơ, dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn chịu lực. Kịp thời xây dựng phương án, kế hoạch bảo đảm các nội dung, an toàn cho người, phương tiện thi công, nhà ở, doanh trại, nhà xưởng, kho tàng, bến bãi và các công trình trọng yếu, cao tầng, công trình ngầm, nhà xưởng, kho bãi, nhà ở và đô thị, các nhà máy sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng.
Đối với các đơn vị đang thi công trên các khu vực dễ bị ảnh hưởng của lũ, sạt lở, ngập úng phải chú ý xây dựng phương án cho các trường hợp cần thiết để khẩn trương sơ tán người và các loại máy móc, thiết bị. Trường hợp có lắp đặt cần cẩu phục vụ thi công công trình cao tầng, cần kiểm tra thường xuyên liên tục, có biện pháp gia tăng liên kết đảm bảo ổn định, an toàn vận hành; an toàn chống sét; an toàn công trình và các công trình lân cận. Ngoài ra, tất cả các loại máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng, xây dựng nội quy vận hành an toàn niêm yết tại vị trí máy, thiết bị, quanh khu vực đang thi công ở trên cao, khu vực cần trục đang hoạt động.
Sở Xây dựng cũng yêu cầu đối với các chung cư cũ xuống cấp, kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng chất lượng, để có hướng xử lý thích hợp, kịp thời có biện pháp tổ chức di dời khi cần thiết, đảm bảo an toàn cho con người, cho công trình. Công trình có tầng hầm, công trình ngầm, các đơn vị thi công, thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn quản lý dự án cần phối hợp kịp thời để có biện pháp chống sạt lở, trồi sụt đất, có thể gây sự cố hư hỏng công trình và các công trình lân cận.
Đối với các công trình dạng kết cấu nhà thép tiền chế cần tổ chức kiểm tra, gia cố kịp thời, đảm bảo sự làm việc bình thường của các liên kết, mối nối, mái, khung đầu hồi, ổn định cục bộ, ổn định toàn bộ công trình. Công trình nhà tạm, nhà bán kiên cố, cần có biện pháp gia cố hoặc cần thiết thì vận động tháo gỡ, kịp thời có biện pháp tổ chức di dời, đảm bảo an toàn toàn cho con người, an toàn công trình. Thường xuyên kiểm tra các công trình hạ tầng kỹ thuật và có biện pháp gia cố, chống sụt lún, sạt lở, gãy nứt công trình do mưa, bão lụt, ảnh hưởng của triều cường, hoạt động bất thường của dòng nước ngầm. Còn các công trình nằm trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện, đê điều, sông suối, có biện pháp gia cố, giằng, chống, tăng cường liên kết mái đảm bảo ổn định, an toàn. Kịp thời có biện pháp tổ chức di dời khi cần thiết.
Nguồn:Chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai mùa mưa lũ