Chủ động ứng phó với các đợt triều cường dâng cao
Chủ động ứng phó với lũ kết hợp triều cường dâng cao Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó mưa lũ tại các tỉnh Trung Bộ |
Theo dự báo thủy văn của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam thì đỉnh triều tháng 10/2022 cao hơn so với trung bình nhiều năm sẽ đạt mức khoảng 2,26 - 2,49m. Đỉnh triều cao nhất tại Trần Đề đạt mức 2,49m; tại Đại Ngãi đạt mức 2,26m vào các ngày 27 - 31/10 tới (đỉnh triều cao nhất quan trắc trong 15 năm tại Trần Đề là 2,43m và tại Đại Ngãi là 2,14m xuất hiện vào ngày 30/9/2019). Dự báo mức triều sẽ cao hơn vào các tháng cuối năm và mức triều sẽ cao hơn nếu có hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra cùng thời điểm.
Để chủ động ứng phó, tránh chủ quan, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; các sở, ban ngành; các địa phương tập trung theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo và cập nhật thường xuyên diễn biến của triều cường để thông tin kịp thời cho người dân chủ động ứng phó.
Theo đó, Sở NN&PTNT phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, kiểm tra hệ thống các đê bao, nhất là các tuyến đê xung yếu, kịp thời gia cố, sửa chữa nếu cần. Đồng thời, triển khai ngay các công trình đảm bảo phòng, chống triều cường. Vận hành hợp lý các công trình thủy lợi; thông tin cho nông dân về thời gian triều cường, hướng dẫn biện pháp ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho mùa vụ do triều cường gây ra.
UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát hệ thống đê, bờ bao xung yếu có nguy cơ bị tràn, vỡ, tiến hành nâng cấp. Ảnh: Hữu Đức |
UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát hệ thống đê, bờ bao xung yếu có nguy cơ bị tràn, vỡ. Chủ động sẵn sàng phương án khắc phục thiên tại theo phương châm bốn tại chỗ, huy động lực lượng trực 24/24 trong các ngày triều cường. Kiên quyết đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản của người dân; có giải pháp sẵn sàng ứng phó với tình huống nguy cơ sạt lở, vỡ đê, đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất trên địa bàn".
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng lưu ý đối với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn rà soát phương án, chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ địa phương tổ chức sơ tán, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, không để bị động, bất ngờ.
Trước đó, theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), từ ngày 9/10 đến ngày 11/10/2022, triều cường kết hợp mưa lớn và lũ thượng nguồn dâng cao đã làm vỡ 4 đoạn bờ bao và tràn 2 đoạn đường đal tại một số địa phương trên địa bàn huyện.
Cụ thể, trong ngày 9/10, triều cường dâng cao làm vỡ 1 đoạn bờ bao, chiều dài 6 mét và tràn 1 đoạn bờ bao chiều dài 15 mét, đoạn thuộc đê bao khu vực cống Bình Danh A, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung. Ngày 10/10, triều cường tiếp tục dâng cao làm vỡ 3 đoạn bờ bao, tổng chiều dài 10 mét trên địa bàn các xã An Thạnh 1, Đại Ân 1, An Thạnh 3 và tràn 1 đoạn bờ bao, chiều dài 15 mét tại thị trấn Cù Lao Dung. Triều cường cũng đã làm sụp lộ đal, chiều dài 2 mét tại xã An Thạnh 1.
Để ứng phó triều cường, bảo vệ bờ bao, bờ đê tại các địa phương, bảo vệ nhà ở, sản xuất nông nghiệp của người dân, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về tình hình triều cường đang dâng cao, để người dân nắm thông tin, chủ động bảo vệ bờ bao tại hộ. Đồng thời, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện và các xã, thị trấn tiến hành rà soát các bờ bao, bờ đê xung yếu có nguy cơ bị triều cường làm vỡ gia cố”.
Cùng với đó sẽ phân công trực ban chỉ huy cấp huyện, xã, thị trấn 24/24 cũng như huy động lực lượng xung kích 4 tại chỗ để ứng phó khắc phục nhanh các đoạn bờ bao, đê bị vỡ, tràn khi triều cường dâng cao. Qua đó, yêu cầu người dân trên địa bàn Cù Lao Dung tích cực kiểm tra bờ bao, bờ đê quanh diện tích sản xuất của hộ, kịp thời phát hiện các đoạn bờ bao, đê có nguy cơ vỡ, tràn bờ khắc phục để bảo vệ hoa màu, cây ăn trái tại hộ.
Đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi để chủ động ứng phó với triều cường và các thiên tai khác là nhiệm vụ được chú trọng triển khai |
Cùng với việc triển khai ứng phó với triều cường, Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng thực hiện nhiều giải pháp hạn chế thiệt hại từ các loại hình thiên tai khác trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với triều cường thì ngành Nông nghiệp sẽ chỉ đạo đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra các tuyến đê, bờ sông có nguy cơ tràn, gây vỡ đê, bờ bao để có giải pháp khắc phục kịp thời; vận động người dân sống trong vùng bị ảnh hưởng tôn cao bờ bao, chống tràn để bảo vệ sản xuất.
Đối với xâm nhập mặn, tổ chức dự báo, cảnh báo, thường xuyên cập nhật và thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về độ mặn trong ngày cho người dân nắm, chủ động sản xuất; điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lịch mùa vụ, khuyến cáo sử dụng các giống ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để sử dụng nước hiệu quả.
Riêng đối với sạt lở bờ sông, bờ biển, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các địa phương tăng cường vận động người dân không xây dựng nhà ở ngã ba sông, các khúc sông cong và những đoạn sông, kênh dễ bị sạt lở do địa chất nền để tránh thiệt hại về người và tài sản; rà soát những điểm có nguy cơ sạt lở cao, đặc biệt vào những tháng triều cường cuối năm, khi đỉnh lũ cao từ thượng nguồn đổ về theo cấp báo động và lập kế hoạch chủ động di dời các hộ dân sống khu vực sạt lở ra khỏi phạm vi ảnh hưởng.
Nguồn: Chủ động ứng phó với các đợt triều cường dâng cao