Chuyển biến trong bảo vệ môi trường làng nghề
Bảo vệ môi trường nông thôn, môi trường làng nghề |
Thành phố Bắc Ninh đưa nội dung bảo vệ môi trường làng nghề là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong lộ trình thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh, giai đoạn 2019-2025; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từng bước làm chuyển biến từ nhận thức đến hành động của các chủ sản xuất về bảo vệ môi trường, tiến tới giải quyết triệt để các vấn đề môi trường cấp bách tại các làng nghề.
Tại phường Phong Khê, trung bình mỗi ngày, đêm, lượng nước thải phát sinh khoảng 20.000 m3. Đặc thù sản xuất giấy Kraft và giấy vàng mã từ nguyên liệu giấy, bìa phế liệu… sử dụng lượng lớn phẩm màu, hóa chất các loại nên nước thải có các thông số ô nhiễm như BOD, COD, TSS, độ màu rất cao, vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp ngành giấy và bột giấy từ 20 đến 30 lần. Nguồn thải này nhiều năm xả trực tiếp vào kênh tiêu dẫn ra sông Ngũ Huyện Khê, chỉ một phần nước thải được thu gom về Nhà máy xử lý nước thải Phong Khê để xử lý. Đối với rác thải công nghiệp phát sinh chủ yếu là xỉ than, rác lề thủy lực và các tạp chất khác... hầu hết không được chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý mà được thu gom đổ tại bãi rác thải của phường, hoặc các khu đất trống, ven sông Ngũ Huyện Khê, hoặc đốt cùng với các nhiên liệu khác trong quá trình vận hành lò hơi. Về khí thải phát sinh từ lò hơi, nhiên liệu phục vụ cho lò hơi chủ yếu là than, củi, mùn cưa, hầu hết các cơ sở này đều chưa lắp đặt hệ thống xử lý khí thải hoặc có hệ thống nhưng không đạt quy chuẩn hiện hành…
Trước thực tế đó, UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND phường Phong Khê tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân và các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy thực hiện nghiêm các nội dung về bảo vệ môi trường; tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giấy; niêm yết công khai tại địa phương về lộ trình, thời gian dừng hoạt động của các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư và CCN để các cơ sở có phương án hoạt động, di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Tiếp tục đầu tư và yêu cầu các cơ sở sản xuất phải đấu nối trực tiếp nguồn nước thải vào Nhà máy xử lý nước thải Phong Khê để xử lý.
Nước thải từ sản xuất bún lên men trắng đục gây ô nhiễm môi trường. |
Đến nay, Nhà máy vận hành với tổng lưu lượng nước thải từ các cơ sở bơm sang để xử lý là 45.844 m3, trung bình hàng tháng đạt 8.816,15 m3 của 194/207 cơ sở sản xuất đấu nối vào Nhà máy; chất lượng nước thải đầu ra sau xử lý bơm ra sông Ngũ huyện Khê đạt yêu cầu theo quy định giấy phép xả thải, giải quyết cơ bản nguồn nước thải tại Phong Khê. Nhà máy tiếp tục tiếp nhận nước thải từ CCN Phong Khê II, khoảng 60 cơ sở bảo đảm chất lượng nước thải theo quy định trước khi thoát ra ngoài môi trường. Các cơ sở sản xuất tập trung mua hơi thương phẩm, lắp đặt hệ thống xử lý khí thải; ký hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải với đơn vị có chức năng; vệ sinh đường ngõ, khu vực sản xuất và đường trong khu dân cư, đường giao thông trong CCN, không còn tình trạng để nguyên vật liệu, rác thải ra vỉa hè, lòng đường.
Hiện nay, 5 Tổ tự quản về bảo vệ môi trường hoạt động hiệu quả trong kiểm tra, giám sát và thực hiện vệ sinh chung. Ngành chức năng cũng tiếp tục kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các trường hợp xả thải ra môi trường, tạm đình chỉ sản xuất đến khi có đủ các yếu tố bảo vệ môi trường bền vững mới được phép tái sản xuất. Vấn đề ô nhiễm môi trường tại làng nghề sản xuất bún Khắc Niệm chủ yếu từ nước thải sản xuất bún có nồng độ hữu cơ cao, nước thải sau khi ngâm gạo được xả ra ngoài môi trường bị phân hủy, lên men bốc mùi hôi thối gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân và nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Tổng số hộ làm bún và chăn nuôi 207 hộ; tổng lượng nước thải sản xuất khoảng 4.500- 5.000 m3/ngày đêm.
Thành phố chỉ đạo phường Khắc Niệm tích cực tuyên truyền, vận động các hộ xây dựng bể Biogas đạt 99,5%, tuy nhiên việc xử lý qua bể biogas chỉ, giảm một phần ô nhiễm. Thực hiện xử lý nước thải thí điểm tại 2 ao trước khu phố Tiền Ngoài bằng chế phẩm sinh học và vớt bèo, hút bùn góp phần làm giảm ô nhiễm nguồn nước ở 2 ao. Xây dựng công trình cải tạo hệ thống xử lý nước thải làng nghề làm bún, công suất 400 m3/ngày, đêm, nhưng hiện nay chất lượng nước chưa đảm bảo theo yêu cầu. Dự thảo Đề án “Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề phường Khắc Niệm giai đoạn 2022-2025” định hướng xử lý bằng phương pháp sinh học, sử dụng vi sinh IMO và Đề án “Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, giai đoạn 2022-2030” xây dựng lộ trình chuyển đổi, di dời của các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy trong khu dân cư trước ngày 31-12-2024; chuyển đổi, di dời của các cơ sở sản xuất giấy trong 2 CCN Phong Khê I, Phong Khê II trước ngày 31-12-2029 sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để TP Bắc Ninh giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường tại 2 làng nghề trên, vừa bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững, vừa thúc đẩy sản xuất phát triển.
Nguồn:Chuyển biến trong bảo vệ môi trường làng nghề