Chuyển đổi số quốc gia: Doanh nghiệp không đứng ngoài “cuộc chơi”
Phát huy năng lực của phụ nữ trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia Những thách thức trong chuyển đổi số của ngành ngân hàng |
Cơ hội chuyển mình của doanh nghiệp
Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, ngày 27/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực vươn ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản. Theo đó, phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia số, trong đó chuyển đổi số cho doanh nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tự tạo ra sức bật phát triển, với cốt lõi là việc số hóa doanh nghiệp trên mọi phương diện.
Đến nay, chuyển đổi số đã trở thành khái niệm quen thuộc đối với nhiều doanh nghiệp. Nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chuyển đổi số là nhu cầu, là giải pháp sinh tồn để duy trì và phát triển. Việt Nam đang từng bước xây dựng và áp dụng hệ thống các chính sách phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiện nay. Bên cạnh đó, cũng khuyến khích các ngành nghề, doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số trong một số lĩnh vực, như: ngân hàng, giáo dục, truyền thông.
Một số thuận lợi khi doanh nghiệp chuyển đổi số, đó là: giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và tập hợp khách hàng thông qua việc tạo ra các kênh phân phối mới, giảm chi phí lưu kho, vận chuyển, nhờ đó giảm phát thải ra môi trường; Chuyển đổi số giúp tăng hiệu quả, hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó tăng năng lực cạnh tranh và tỷ suất lợi nhuận; Giúp doanh nghiệp gia tăng trải nghiệm, cá nhân hóa sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng, nhờ đó giúp giảm sản xuất ra các sản phẩm dư thừa, thải bỏ ra môi trường; Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng để các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, trong lĩnh vực công nghiệp; chuyển đổi số cho phép các doanh nghiệp thực hiện sản xuất nông nghiệp xanh.
Chuyển đổi số giờ đây đã trở thành bắt buộc với các doanh nghiệp. (Ảnh: Internet) |
Năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Dự án USAID LinkSME khảo sát 1.000 doanh nghiệp trên cả nước đến từ nhiều lĩnh vực, như: công nghiệp chế biến, chế tạo; khai khóang; bán buôn và bán lẻ; giáo dục và đào tạo; bất động sản... Kết quả cho thấy, có 55% doanh nghiệp đã tham gia vào chuỗi cung ứng, xuất - nhập khẩu toàn cầu, còn lại đang có dự định mở rộng thị trường ra nước ngoài trong 2 năm tới hoặc không tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Có 48,8% doanh nghiệp đã từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số, nhưng hiện tại không còn sử dụng do giải pháp chưa phù hợp, hoặc doanh nghiệp áp dụng để đáp ứng những nhu cầu tức thời đặt ra trong bối cảnh dịch Covid-19, nhưng giờ không còn nhu cầu; có 6,2% đã hoàn thành xác định mục tiêu chuyển đổi số; và chỉ 7,6% đã từng bước xây dựng kế hoạch trong ngắn và dài hạn để chuyển đổi số. Về số hóa dữ liệu, có 35,3% doanh nghiệp đã số hóa dữ liệu, quy trình (chủ yếu đưa các dữ liệu, văn bản, giấy tờ từ “bản cứng” thành “bản mềm” lưu trữ trên hệ thống). Đây là hoạt động quan trọng để tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn. Bên cạnh đó, có 2,2% đã làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, tự động hóa để đưa ra các quyết định trong sản xuất, kinh doanh. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, công nghệ trước hết thường được doanh nghiệp áp dụng vào một số nghiệp vụ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của doanh nghiệp, như: hệ thống kênh phân phối, tiếp thị, bán hàng và chăm sóc khách hàng. Cụ thể, ngoài 2 hình thức bán hàng truyền thống là bán hàng trực tiếp tại cửa hàng/điểm bán và bán hàng qua điện thoại, thì bán hàng qua mạng đã trở nên phổ biến hơn trước đây do sự hỗ trợ và tham gia đặc lực của nhiều nền tảng bán hàng trực tuyến (Shopee, Lazada, Tiki…) và các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Instagram, Zalo và gần đây là Tiktok) với tỷ lệ đa số doanh nghiệp triển khai bán hàng đa kênh.
Bên cạnh các hoạt động chuyển đổi mô hình bán hàng, tiếp thị, quản trị và vận hành, nhiều doanh nghiệp nhìn nhận chuyển đổi số như một cơ hội để sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, hướng tới thay đổi bản chất doanh nghiệp. Điều này đang góp phần tạo ra các doanh nghiệp y tế số, giáo dục số, nông nghiệp số, các doanh nghiệp logistics, giao nhận, thương mại, xuất - nhập khẩu, nhà hàng, khách sạn, du lịch và sản xuất... hoạt động theo những phương thức mới, dựa trên việc kết nối các hệ thống công nghệ, dữ liệu và xử lý thông tin tự động. Dù chưa có các thống kê chính thức, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng tiếp thị số (Facebook, Google, Youtube, Tiktok, Instagram, 24h, admicro, eclick, adtima...) như là một phương pháp tiếp thị quan trọng trong hoạt động tiếp thị, bán hàng.
Hiện nay, ở Việt Nam, chuyển đổi số đã diễn ra trong hầu hết các loại hình doanh nghiệp và ở nhiều mức độ khác nhau. Trong ngành ngân hàng, các doanh nghiệp đã nghiên cứu và triển khai chiến lược chuyển đổi số bước đầu với ứng dụng IoT cho phép khách hàng truy cập sử dụng dịch vụ ngân hàng, kết nối với các hệ sinh thái số khác trên nền tảng internet (dịch vụ ngân hàng số Timo của VPBank, Live Bank của TPBank, E-Zone của BIDV…), hoặc cung ứng các dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng được cài đặt ngay trên điện thoại di động (Mobile Banking…).
Cuối năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Công nghệ CMC xây dựng lộ trình chuyển đổi số toàn diện, gồm 3 giai đoạn: xây dựng nền tảng công nghệ và quản trị; khai thác số hóa hiệu quả cho vận hành; quản trị toàn diện bằng dữ liệu. Việc chuyển đổi số trong vận hành cho phép tạo ra các kênh tương tác mới giữa đại lý và Tập đoàn Hòa Phát để tự động hóa quá trình đặt hàng, theo dõi giao nhận hàng hóa tăng trải nghiệm khách hàng; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã ban hành Chương trình thực hiện chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, dự kiến đến hết năm 2023, 100% đơn vị thuộc Tập đoàn ứng dụng công nghệ số trong quản trị, thực hiện số hóa 80% cơ sở dữ liệu, các quy trình nghiệp vụ, quy trình sản xuất, kinh doanh. Đến năm 2025, 70% các nghiệp vụ liên quan đến khách hàng thực hiện trên môi trường số, 100% đơn vị thuộc Tập đoàn ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh.
Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ gọi xe công nghệ của nước ngoài như Grab hay Uber chính là đòn bẩy tạo giúp hình thành nở rộ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gọi xe trong nước như Be hay FastGo - là những doanh nghiệp có mô hình hoạt động mới dựa hoàn toàn trên nền tảng công nghệ...
Chuyển đổi số đã diễn ra trong hầu hết các loại hình doanh nghiệp. |
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông công tác chuyển đổi số đã có những bước tiến rõ ràng qua 3 năm thực hiện, đồng thời tạo ra làn sóng về chuyển đổi số trong các doanh nghiệp. Chỉ tính riêng trên cổng chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa SMEdx của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có trên 600.000 doanh nghiệp tiếp cận, tham khảo thông tin về các nền tảng được đăng tải trên đó; và khoảng 70.000 doanh nghiệp sử dụng một trong số các nền tảng của chương trình để chuyển đổi số, chiếm 1/10 số lượng doanh nghiệp [1].
Có thể nói, các doanh nghiệp đã có bước tiến về áp dụng các công nghệ số trong nghiệp vụ tiếp thị, phân phối, bán hàng đa kênh giúp gia tăng trải nghiệm và chăm sóc khách hàng tốt hơn. Công nghệ số cũng được áp dụng phổ biến hơn trong một số nghiệp vụ, như: quản lý hàng tồn kho, dây chuyền sản xuất, quản lý mua hàng. Nhiều doanh nghiệp đã số hóa dữ liệu và chuẩn hóa quy trình để tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn.
Đầu tư chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận
Chia sẻ tại buổi Diễn đàn kinh doanh 2023, ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc FPT Smart Cloud chia sẻ, FPT đã đổi mới đầu tư và hoạt động hiệu quả nên kết quả kinh doanh 6 tháng đạt mức tăng trưởng tốt trong bối cảnh biến động không ngừng với lợi nhuận tăng 19% và doanh số tăng 25%.
Theo ông Việt, là công ty công nghệ nên FPT Smart Cloud làm việc với đa dạng doanh nghiệp. Điều nhận thấy thay đổi rõ rệt nhất của các doanh nghiệp trong thời gian qua trước biến động và tác động của kinh tế là thu gọn đầu tư, tập trung vào hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp và tìm các đối tác hiệu quả.
Trong khi đó, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Ngân hàng MB cho biết 6 tháng đầu 2023 với MB khó khăn lớn nhất là lãi suất đầu vào tăng cao tới 2% điểm trong khi lãi suất cho vay tăng chậm. Nợ xấu cũng tăng nhanh từ 0,8% lên 2,8%...
Theo ông Thái, hiện bối cảnh nền kinh tế khó khăn, khách hàng, doanh nghiệp có khả năng chống chịu thấp đi, song vẫn phải đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh khiến nợ xấu và chi phí rủi ro tăng mạnh.
Trong bối cảnh này, các ngân hàng buộc phải giảm nhanh chi phí vận hành, thận trọng hơn khi quyết định cho vay, đồng thời đầu tư có hiệu quả vào công nghệ, chuyển đổi số để tăng năng suất.
Ông Lưu Trung Thái cũng chia sẻ, suốt 5 năm qua, MB không tăng về quy mô chi nhánh và số lượng nhân viên, nhưng lợi nhuận vẫn tăng từ 18 – 25% nhờ việc đầu tư chuyển đổi số đúng và hiệu quả.
Cũng chia sẻ vấn đề này tại hội thảo "Chuyển đổi số ngành gỗ - Sản xuất thông minh và phát triển bền vững", ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Tập đoàn Novaon cho biết: "Với kinh nghiệm làm việc với hàng trăm doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam nói chung và ngành gỗ nói riêng, chuyển đổi số đang là hoạt động cấp bách được khuyến khích và ưu tiên hàng đầu. 75% doanh nghiệp cho biết trong khoảng 1-5 năm tới, chuyển đổi số sẽ là "tác nhân" ảnh hưởng mạnh mẽ tới năng lực cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp. Trong 2 năm COVID, chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp gỗ giảm 10% chi phí, tăng trưởng từ 10 - 20% doanh thu và tăng hơn 20% năng suất lao động".
EVN thực hiện công tác số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin
Để thực hiện chuyển đổi số doanh nghiệp, EVN đã thực hiện công tác số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin tại hầu hết các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn. EVN đã tự phát triển 16 hệ thống phần mềm dùng chung trong toàn Tập đoàn và hàng chục các ứng dụng đặc thù khác. Các hệ thống phần mềm đã cơ bản đáp ứng các quy trình nghiệp vụ lõi trong hầu hết các hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Phần mềm "Cổng thông tin điện tử (EVNPortal)" hỗ trợ chương trình cải cách hành chính EVN; Phần mềm "Cung cấp Dịch vụ điện theo phương thức giao dịch điện tử". Đây là 2 phần mềm quan trọng trong giải pháp trở thành doanh nghiệp số của EVN.
Nhờ những phần mềm này, khách hàng sử dụng điện trong phạm vi quản lý của đơn vị điện lực, có thể thực hiện tra cứu, tải hợp đồng mua bán điện và các hồ sơ dịch vụ điện theo hình thức điện tử đa kênh như qua trang web CSKH, ứng dụng CSKH Mobile App, Zalo Page.
EVN được 3 lần liên tiếp vinh danh là Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc. |
Việc chuyển đổi từ hình thức hợp đồng, hồ sơ giấy tờ vật lý sang định dạng điện tử tại các đơn vị điện lực cũng đem lại sự cải thiện rất lớn đối với quy trình quản lý cung cấp dịch vụ điện theo hướng tiết kiệm tối đa chi phí, đạt hiệu quả cao trong công tác kinh doanh điện, với những lợi điểm như giảm chi phí in ấn, gửi, bảo quản, lưu trữ hợp đồng, hồ sơ giấy tờ, giúp đơn vị tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh; Giảm chi phí về nhân công, tiết kiệm nhân lực tham gia trong công tác cung cấp dịch vụ điện.
Đến nay, tất cả các dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến đạt mức độ 4, là mức cao nhất của Chính phủ điện tử, đồng thời EVN cũng là đơn vị đi đầu trong việc cung cấp dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia với số yêu cầu dịch vụ điện chiếm hơn 50% tổng số yêu cầu của tất cả các Bộ, ngành, địa phương trên Cổng.
Với những nỗ lực của mình, hiện nay, theo xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc thì Việt Nam tăng hai bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 châu Á và 6/11 Đông-Nam Á. Tuy nhiên, để đạt tới mục tiêu tới năm 2025 sẽ nằm trong tốp 4 quốc gia hàng đầu tại ASEAN và thuộc nhóm 70 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ Điện tử còn rất nhiều việc cần thực hiện, cần lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế nhằm hoàn thiện lộ trình, lựa chọn giải pháp thích hợp với Việt Nam.
Nguồn:Chuyển đổi số quốc gia: Doanh nghiệp không đứng ngoài “cuộc chơi”