Chuyển động Năng lượng bền vững tuần qua (15/8 - 21/8): Na Uy chú trọng năng lượng tái tạo để đạt mục tiêu khí hậu
Ảnh minh họa/ https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh
Ngày 17/8 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh”. Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận, tham vấn các chủ thể có liên quan về các nhiệm vụ, hành động để thực hiện thành công “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, song song với việc thực hiện cam kết mạnh mẽ về đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26.
Chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững, Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030 nhấn mạnh định hướng là nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng trong nước và chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia.
Chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược. Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, với nguồn lực còn hạn chế đang có những bước đi thực sự trong chuyển đổi cơ cấu năng lượng để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh việc chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, việc sử dụng năng lượng hiệu quả là cực kỳ quan trọng trong chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững.
Trung Quốc đầu tư gần 7,5 tỷ USD xây nhà máy pin ô tô tại Hungary
Công ty Công nghệ Contemporary Amperex (CALT) của Trung Quốc đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy hoạt động bằng năng lượng tái tạo để sản xuất pin ô tô ở Hungary.
Nhà sản xuất Trung Quốc dự định chi 7,34 tỷ EUR (7,5 tỷ USD) để xây dựng cơ sở sản xuất 100 GWh, đây sẽ là cơ sở thứ hai của họ ở châu Âu. Nó sẽ nằm trong một khu công nghiệp rộng 221 ha (546 mẫu Anh) ở trung tâm công nghiệp phía Đông thành phố Debrecen, Hungary.
Nhà máy này gần với các nhà máy sản xuất ô tô của các thương hiệu nổi tiếng như Mercedes-Benz, BMW, Volkswagen hay Stellantis và sẽ tạo ra cho quốc gia Trung Âu này 9.000 việc làm mới.
Dự án tại Debrecen là nhà máy thứ 2 của CALT tại châu Âu, sau nhà máy đầu tiên tại Đức, sẽ cung cấp pin và các bộ phận của pin cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu. Việc xây dựng sẽ được bắt đầu trước cuối năm 2022, trong khi Chính phủ Trung Quốc sẽ công bố số tiền trợ cấp cho CALT sau khi các cổ đông của công ty thông qua dự án.
Na Uy chú trọng năng lượng tái tạo để đạt mục tiêu khí hậu
Bộ trưởng Khí hậu Espen Barth Eide cho biết Na Uy sẽ phải loại bỏ sớm một số mỏ dầu và khí đốt cũ để đạt được mục tiêu khí hậu năm 2030, trừ khi các mỏ dầu khí ngoài khơi sử dụng nhiều hơn nữa năng lượng sạch để cắt giảm lượng khí thải.
Na Uy, nhà sản xuất xăng dầu lớn nhất Tây Âu, đặt mục tiêu giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990, nhưng tính đến năm 2021, số liệu thống kê chính thức sơ bộ cho thấy mức giảm đạt được chỉ là 4,5%.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Reuters, Bộ trưởng Eide nói rằng không thể đạt được mục tiêu khí hậu nếu không gia tăng việc cung cấp năng lượng tái tạo cho các giếng dầu ngoài khơi. Ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi chiếm khoảng một phần tư tổng lượng khí thải của Na Uy, chủ yếu là do sử dụng khí đốt để tạo ra điện tại các cơ sở khai thác dầu khí ngoài khơi.
Tứ Xuyên (Trung Quốc) đóng cửa tất cả nhà máy, hạn chế cung cấp điện
Tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc hôm nay đã bắt đầu hạn chế cung cấp điện cho gia đình, văn phòng và trung tâm thương mại, do tình trạng suy giảm điện nghiêm trọng do các đợt nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán. Trước đó, tỉnh này đã ra lệnh đóng cửa tất cả nhà máy trong 6 ngày để giảm bớt tình trạng thiếu điện.
Cụ thể, Tứ Xuyên đã yêu cầu 19 trong số 21 thành phố và thị trấn trong khu vực tạm ngừng sản xuất tại tất cả nhà máy từ ngày 15/8 đến 20/8, theo một "thông báo khẩn cấp". Quyết định được đưa ra để đảm bảo rằng có đủ điện năng cho nhu cầu sử dụng của khu dân cư, thông báo cho biết.
Tứ Xuyên, nơi phụ thuộc vào thủy điện để tạo ra 80% điện năng, là khu vực sản xuất quan trọng cho ngành công nghiệp bán dẫn và tấm pin năng lượng mặt trời, đồng thời là trung tâm khai thác lithium - một thành phần chính của pin xe điện. Do vậy, việc đóng cửa các nhà máy có thể đẩy giá nguyên liệu thô lên, các nhà phân tích cho biết.
Italy nghiên cứu chuyển rác thành năng lượng xanh
RT dẫn nguồn tin Bloomberg cho biết Italy có thể chuyển đổi rác thành năng lượng xanh, thay thế cho một phần khí đốt tự nhiên nhập khẩu. Theo đó, Công ty kỹ thuật và công nghệ Maire Tecnimont SpA của Italy cho biết đang nghiên cứu cách thu thập carbon và hydro trong các bãi chôn lấp rác thải để tổng hợp thành các hóa chất và nhiên liệu thân thiện với môi trường.
Ông Alessandro Bernini - Giám đốc điều hành của công ty cho hay: "Chúng tôi có thể xử lý chất thải thành khí tổng hợp để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nước ngoài". Theo ông Bernini, với 10 nhà máy có khả năng xử lý 600.000 tấn rác thải mỗi năm, chỉ trong thời gian 5 năm, các nhà máy này có thể sản xuất 10% lượng khí đốt cần thiết cho hệ thống sưởi và lưới điện của Italy.
Giống như hầu hết các quốc gia EU khác, Italy đã gấp rút tích trữ khí đốt tự nhiên trước mùa đông sau khi Nga cắt giảm nguồn cung sang khối này. Chính phủ Italy có kế hoạch lấp đầy ít nhất 90% các cơ sở dự trữ khí đốt vào tháng 11 - phù hợp với mục tiêu của toàn EU.