Chuyên gia nhận định thế nào về động thái giảm lãi suất của NHNN
Ngân hàng Nhà nước hạ một số lãi suất điều hành Ngân hàng "rầm rộ'' hạ lãi suất huy động |
Phản ứng ngắn hạn để "phòng ngự từ xa"
NHNN đã điều chỉnh giảm 1 điểm % nhiều loại lãi suất điều hành và giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Theo ông Huỳnh Minh Tuấn - nhà sáng lập, Giám đốc Công ty Tư vấn tài chính FIDT, động thái vừa qua của NHNN phù hợp với định hướng của nhà nước và chính phủ trong việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế đang khó khăn.
Lãi suất điều hành lần đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước giảm trong 2 năm gần đây. Ảnh minh hoạ |
Thứ nhất, vấn đề của hiện nay chính là lãi suất của chúng ta đang rất cao. Thời gian vừa qua, một số ngân hàng lớn cũng đã giảm lãi suất, nhưng cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn còn cao. Mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần nhìn chung vẫn duy trì ở mức cao hơn so với các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối từ 0,4 - 2,0%/năm, tùy từng kỳ hạn.Thứ hai, đây có thể là phản ứng của NHNN với sự kiện 2 ngân hàng Mỹ phá sản. Một trong những nguyên nhân khiến 2 ngân hàng này sụp đổ là do lãi suất tăng, khiến họ phải bán trái phiếu ra với giá thấp hơn giá họ mua vào rất nhiều, dẫn đến khoản lỗ khổng lồ. Khoản lỗ đã đánh sụp 2 ngân hàng này. Hiện tại trên thế giới, mọi người đều đang đặt vấn đề là liệu lãi suất có quá cao hay không?
"Động thái hạ lãi suất điều hành của NHNN vừa mang tính chiến lược dài hạn, song cũng là phản ứng ngắn hạn để "phòng ngự từ xa" trước những biến số khó lường từ Mỹ. Không chỉ quyết định hạ lãi suất điều hành, việc hút tiền cũng đã được ngừng lại từ tín phiếu. Hai giải pháp mà NHNN có thể thực hiện là giảm chi phí đầu vào và tăng cung tiền" - ông Huỳnh Minh Tuấn nói thêm.
"Chỉ dấu rõ ràng cho thị trường rằng Ngân hàng Trung ương mong muốn lãi suất hạ tiếp. Chúng ta kỳ vọng rằng hết tháng này và sang quý sau lãi suất sẽ hạ nhiệt" -Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết.
"Đây là sự đột phá trong 2 năm. Các doanh nghiệp nhìn thấy rằng càng giảm càng tốt, khó khăn sẽ giảm đi. Tôi nghĩ ngành ngân hàng đã cố gắng nhìn nhận khó khăn của doanh nghiệp" - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân, nhận định.
Xu hướng hạ lãi suất không kéo dài
Việc hạ lãi suất điều hành lần này cũng cho thấy chính sách tiền tệ sẽ không tiếp tục thắt chặt và sẽ trở lại hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng dư địa để các cơ quan điều hành tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ trong năm nay là không quá lớn và dư địa hỗ trợ lớn sẽ nằm trong tay chính sách tài khóa.
Hiện, khó khăn thanh khoản vẫn còn gây áp lực cho ngân hàng. Theo thông báo của NHNN, cơ quan này chỉ giảm một số loại lãi suất điều hành, trong khi vẫn giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức 6%/năm, trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng là 6%/năm. Do đó, các ngân hàng vẫn còn phải duy trì lãi suất huy động ở mức hấp dẫn để thu hút người gửi tiền, đảm bảo tính thanh khoản.
Trong một tương quan khác, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng giai đoạn đầu năm 2023 khá khó khăn. Thậm chí, một vài ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối vẫn có mức tăng trưởng tín dụng âm tính đến thời điểm hiện tại. Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tính đến ngày 28/2/2023 chỉ đạt 0,77%, thấp hơn nhiều so với mức 2,65% của cùng kỳ năm 2022. Điều này có nghĩa, tiền “đọng” trong hệ thống ngân hàng và các ngân hàng đang phải gánh chi phí cao. Nhưng nếu hạ lãi suất huy động xuống thấp hơn, không loại trừ tiền gửi tiết kiệm lại “chạy” ra khỏi ngân hàng.
“Tôi cho rằng xu hướng giảm lãi suất điều hành sẽ không diễn duy trì lâu và trong năm nay chỉ có thể hy vọng 1-2 lần giảm lãi suất bởi trước đó chúng ta đã duy trì một nền lãi suất rất thấp và mới chỉ tăng 2% trong đợt tăng lãi suất vừa qua, room giảm lãi suất điều hành của Việt Nam còn khá ít” CEO Wi Group Trần Ngọc Báu nói. |
Trong khi đó, nợ xấu ngân hàng còn tiềm ẩm. Tăng trưởng tín dụng năm 2023 dự báo sẽ chậm lại, đạt khoảng 12%. Nguyên nhân là do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc, “bóng ma” lạm phát vẫn còn, dẫn đến rủi ro tăng và nợ xấu tăng. Các chuyên gia nhận định, ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro, dẫn đến chi phí đầu vào tăng khiến lãi suất khó giảm sâu.
NHNN cho biết, sẽ không chủ quan với áp lực lạm phát gia tăng trong bối cảnh lạm phát 2 tháng đầu năm 2023 đã tăng sát mức mục tiêu 4,5%; lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao; các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng và neo giữ lãi suất ở mức cao.
NHNN khẳng định, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nguồn:Chuyên gia nhận định thế nào về động thái giảm lãi suất của NHNN