Cơ giới hóa nông nghiệp từ mô hình mạ khay, cấy máy
Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa Cơ giới hóa đồng bộ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp |
Hàng năm, toàn tỉnh có tổng diện tích trồng lúa khoảng 29.000 ha/vụ; sản lượng thóc 363.000 tấn, giá trị sản xuất đạt 2.278 tỷ đồng, chiếm 64,4% giá trị sản xuất trồng trọt. Những năm gần đây, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, sau 3 năm thực hiện Đề án “Phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020 - 2023” đã hỗ trợ cho 16 mô hình trình diễn cấy máy với quy mô 25ha/mô hình; 10 tổ dịch vụ mạ khay. Nhờ đó, diện tích gieo cấy bằng máy của tỉnh Hà Nam đã tăng dần qua các năm, cụ thể, năm 2021 toàn tỉnh có hơn 1.200 ha áp dụng phương pháp mạ khay, cấy máy, chiếm 2,2% diện tích gieo cấy; năm 2022 đạt hơn 4.600 ha, chiếm 8,1% diện tích gieo cấy; năm 2023 tăng lên hơn 9.600 ha, chiếm 16,4% diện tích gieo cấy.
Thực tế cho thấy, cơ giới hóa đồng bộ đang trở thành chìa khóa để nâng cao giá trị sản xuất trên đồng ruộng. Chỉ tính khâu cấy lúa bằng máy, theo mặt bằng chung duy trì ở mức 300 nghìn đồng/sào (tính cả tiền giống), trong khi thuê lao động thủ công ở mức bình quân 350 nghìn đồng/ngày công, nơi cao lên đến 400-450 nghìn đồng/ngày. Áp dụng phương pháp này, người dân không mất công làm đất, gieo mạ, nhổ mạ… như cấy thủ công.
Các mô hình triển khai đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, vì vậy, năng suất lúa cao hơn từ 15 - 20%, tương đương 7 - 10 triệu đồng/ha. Đề án đã góp phần giúp giảm chi phí, giảm công lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, xử lý triệt để được vấn đề lúa ma, lúa cỏ.
Cơ giới hóa trong sản xuất lúa thông qua mô hình mạ khay, cấy máy đang được đẩy mạnh triển khai tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. |
Hiệu quả đã được khẳng định, tuy nhiên theo đánh giá của ngành chức năng, việc triển khai thực hiện mô hình mạ khay cấy máy trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn gặp một số khó khăn: Giá cả vật tư đầu vào, như: phân bón, giống, các nguyên liệu khác và công lao động tăng cao ảnh hưởng đến việc đầu tư sản xuất. Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, không chủ động được việc tưới tiêu nước. Một số người dân chưa quen khi cấy lúa bằng máy (mật độ thưa hơn so với gieo thẳng hoặc cấy tay), từ đó tạo tâm lý lo lắng, dặm thêm làm ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển, năng suất lúa. Mặt bằng để xây dựng kho bãi, nhà xưởng chứa máy móc, giá thể, tập kết khay mạ cho các tổ làm dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn, công tác tổ chức sản xuất ở nhiều địa phương còn hạn chế nên chưa xây dựng được vùng cấy máy tập trung.
Để tiếp tục mở rộng diện tích mạ khay cấy máy, thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, nông dân ở cơ sở; đặc biệt, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu, cử cán bộ kỹ thuật về làm cùng với các chủ máy cấy, bám sát, hướng dẫn từ khi làm mạ khay đến khi đưa mạ ra đồng cấy giúp người dân nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật; đồng thời phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu cho người sử dụng máy móc, thiết bị về kỹ thuật sử dụng, sửa chữa máy cấy, dây chuyền gieo mạ khay.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam giao Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các phòng chuyên môn các địa phương tăng cường tập huấn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về mạ khay, cấy máy cho nông dân, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất các tổ dịch vụ là cơ sở để hình thành các hợp tác xã kiểu mới trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời các đơn vị kết nối với các tổ dịch vụ mạ khay cấy máy trên địa bàn áp dụng dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay; kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp để xây dựng chuỗi thu mua lúa gạo nhằm nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Quá trình cơ giới hóa trên đồng ruộng của tỉnh Hà Nam trong những năm qua đã thu được những kết quả tích cực. Đến hết năm 2022, tỉnh Hà Nam đã hỗ trợ các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp mua 89 máy làm đất, 53 máy gặt đập liên hợp, 11 máy cấy. Theo đó, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, bơm tưới đã đạt 100%, khâu cấy máy đạt hơn 15% diện tích, khâu phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay đạt khoảng 5% diện tích, thu hoạch lúa 98%, bảo quản sau thu hoạch đạt khoảng 3-5% sản lượng.
Ngoài ra, việc sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật dao động từ 25-28 nghìn đồng/sào/lần phun, phun thủ công 35 nghìn đồng/sào. Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy có sự đồng đều, tiết kiệm hơn 10% lượng thuốc và chi phí, hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên đồng ruộng góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường, hướng tới nền nông nghiệp an toàn, bền vững. Ngay khâu thu hoạch bằng máy chỉ ở mức giá 100-120 nghìn đồng/sào. Khi máy móc được đưa vào giúp hình thành cánh đồng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Từ việc giảm chi phí sản xuất khi sử dụng máy móc cơ giới nâng cao lợi nhuận lên 15-20% so với làm thủ công trước đây.
Nguồn:Cơ giới hóa nông nghiệp từ mô hình mạ khay, cấy máy