Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa
Lúa gạo vẫn đảm bảo phục vụ trong nước và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu Mở rộng diện tích sản xuất lúa để không bỏ lỡ thời cơ xuất khẩu gạo |
Tổng diện tích trồng lúa tại Hà Nam hằng năm khoảng 29.000 ha/vụ; sản lượng thóc 363.000 tấn, giá trị sản xuất đạt 2.278 tỷ đồng, chiếm 64,4% giá trị sản xuất trồng trọt. Những năm gần đây, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nam, tốc độ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây tương đối cao, bước đầu tạo sự chuyển biến lớn trong sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Chỉ tính khâu cấy lúa bằng máy, theo mặt bằng chung duy trì ở mức 300 nghìn đồng/sào (tính cả tiền giống), trong khi thuê lao động thủ công ở mức bình quân 350 nghìn đồng/ngày công, nơi cao lên đến 400-450 nghìn đồng/ngày.
Áp dụng phương pháp này, người dân không mất công làm đất, gieo mạ, nhổ mạ… như cấy thủ công. sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật dao động từ 25-28 nghìn đồng/sào/lần phun, phun thủ công 35 nghìn đồng/sào. Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy có sự đồng đều, tiết kiệm hơn 10% lượng thuốc và chi phí, hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên đồng ruộng góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường, hướng tới nền nông nghiệp an toàn, bền vững. Ngay khâu thu hoạch bằng máy chỉ ở mức giá 100-120 nghìn đồng/sào. Khi máy móc được đưa vào giúp hình thành cánh đồng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Từ việc giảm chi phí sản xuất khi sử dụng máy móc cơ giới nâng cao lợi nhuận lên 15-20% so với làm thủ công trước đây.
Cơ giới hóa góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa tại tỉnh. |
Với việc tiếp cận khoa học kỹ thuật và hệ thống máy móc, trang thiết bị đã giúp nông dân ngày càng chủ động, sáng tạo, thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất bền vững. Các địa phương trong tỉnh đã chủ động hỗ trợ phát triển sản phẩm có lợi thế; chỉ đạo bố trí nguồn lực tập trung, tăng hỗ trợ lãi suất, máy móc, nhà xưởng, thiết bị sản xuất, hạ tầng vùng sản xuất tập trung...
Qua đó, số lượng máy và tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở khâu làm đất đạt 100%, khâu thu hoạch đạt trên 90%. Việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện đúng lịch thời vụ, giải phóng sức lao động cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất. Các biện pháp thâm canh sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã giảm được 15% chi phí, năng suất mùa vụ cũng tăng từ 10-15%.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã phê duyệt Đề án "Phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020-2023” và Kế hoạch mở rộng diện tích cấy máy giai đoạn 2023-2025. Đến nay, đề án đã hỗ trợ cho 16 mô hình trình diễn cấy máy, 10 tổ dịch vụ mạ khay. Diện tích gieo cấy bằng máy của tỉnh đã tăng dần qua các năm như: Năm 2021 là 1.252ha chiếm 2,2% diện tích gieo cấy; Năm 2022 là 4.654ha chiếm 8,01% diện tích gieo cấy; vụ Xuân 2023 là 4.598ha đạt 16,2%, dự kiến kế hoạch năm 2023 đạt trên 18% diện tích gieo cấy. Tiếp tục duy trì thực hiện 72 mô hình cánh đồng mẫu với tổng diện tích hơn 2.000ha theo hướng liền bờ, liền thửa, cùng trà, cùng giống, thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân... Các mô hình triển khai đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, vì vậy năng suất lúa cao hơn từ 5-10%, giá trị thu được cao hơn đại trà 5-15 triệu đồng/ha.
Để đưa cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa đạt hiệu quả kinh tế cao các địa phương cần hoàn thiện quy hoạch tích hợp, trong đó cần xác định vùng sản xuất lúa tập trung để tiếp tục hoàn thiện, củng cố, phát triển mô hình cánh đồng mẫu gắn với xây dựng vùng nguyên liệu theo nhu cầu doanh nghiệp. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất trên đồng ruộng phù hợp, như: Hệ thống thủy lợi, đường nội đồng… Thành lập các tổ hợp, hợp tác xã chuyên ngành làm dịch vụ về mạ khay, cấy máy, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay...
Cơ giới hóa là một xu thế trong sản xuất, đã được quan tâm đầu tư. Đối với lĩnh vực trồng trọt đã đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất và thu hoạch, đến nay tỷ lệ cơ giới hoá làm đất 96%; gieo sạ, máy cấy 30-35%; thu hoạch lúa 91%; vận chuyển vật tư, nông sản: 95%. Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần tiết kiệm chi phí, giải phóng sức lao động, đảm bảo thời vụ, phòng tránh thiên tai, là tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại do vậy cơ giới hóa được xem là khâu quan trọng nhất cần phải đổi mới và đẩy mạnh để tăng chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm. Cơ giới hóa cũng đặc biệt phù hợp với lợi thế của vùng đồng bằng sông Hồng là thâm canh lúa, lúa đặc sản, có thị trường tại chỗ lớn, lao động nhiều, dân trí cao, cơ sở hạ tầng phát triển…
Theo Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, việc ứng dụng máy móc trong sản xuất lúa bình quân cả nước: diện tích làm đất bằng máy đạt 90,75%, gieo trồng đạt 21%, bơm tưới 80,44%, phun thuốc 53,53%, thu hoạch bằng máy đạt 58,98% diện tích, sản lượng lúa được sấy và bảo quản đúng kỹ thuật thấp, chỉ đạt 29,22%, vận chuyển đạt 78,45%. Thực trạng ứng dụng cơ giới hóa thấp đã gây ra những tổn thất không nhỏ cho ngành hàng sản xuất kinh doanh lúa gạo Việt Nam. Theo thống kê, hiện tại thất thoát lúa trong công đoạn thu hoạch và sau thu hoạch là gần 3,2 triệu tấn lúa/ năm, tương đương 760 triệu USD. Riêng tổn thất ở khâu sấy mất khoảng 970.000 tấn, tương đương 233 triệu USD.
Nguồn:Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa