Còn nhiều băn khoăn trong xử lý rác thải sau phân loại ở Quảng Nam
Theo đó, đến ngày 31/12 tới, trường hợp hộ gia đình không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển; đồng thời, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Có 3 nhóm chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) sẽ được phân loại gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác…
Từ cuối năm 2022, huyện Thăng Bình bắt tay triển khai thí điểm đề án phân loại CTRSH tại nguồn ở xã Bình Chánh, Bình Phú, Bình Minh và thị trấn Hà Lam.
Phòng TN-MT huyện Thăng Bình đã bàn giao tờ rơi, sổ tay tuyên truyền, phân loại CTRSH cho người dân; đồng thời khuyến khích hộ gia đình tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.
Thu gom, kiểm kê rác thải để phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Ảnh: Q. Việt |
Bà Phan Thị Nhi - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, qua gần 3 năm triển khai thí điểm đề án phân loại CTRSH tại nguồn đã đem lại kết quả tích cực.
Qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường; hình thành thói quen của người dân trong phân loại, giảm thiểu CTRSH; tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm ngân sách trong xử lý CTRSH.
Theo ông Võ Như Toàn - Phó Giám đốc Sở TN-MT Quảng Nam, phân loại CTRSH sẽ góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường, tăng lượng rác tái chế. Do đó, các địa phương cần áp dụng đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân.
Để triển khai các quy định mới theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025.
Thời gian tới, Sở TN-MT tiếp tục phối hợp với các tổ chức, địa phương đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hiệu quả phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh.
Sở TN-MT vừa phối hợp với Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn), Trung tâm Xây dựng và thúc đẩy phát triển bền vững (BUS) tổ chức khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về phân loại CTRSH tại nguồn cho đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt cấp xã ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, Sở TN-MT cũng đã tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về phân loại CTRSH tại nguồn và cấp 42 giấy chứng nhận cho 42 tuyên truyền viên nòng cốt của cấp huyện, 146 giấy chứng nhận cho 146 tuyên truyền viên nòng cốt của cấp xã.
Bà Nguyễn Hoàng Yến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) Quảng Nam cho biết, các khóa học có ý nghĩa thiết thực đối với công tác phân loại rác tại nguồn nói riêng và quản lý chất thải rắn nói chung ở 18 huyện, thị xã, thành phố toàn tỉnh.
Các tuyên truyền viên sẽ vận dụng vào thực tế phân loại CTRSH tại nguồn ở các địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả phân loại CTRSH tại nguồn của tỉnh.
Nói về vấn đề xử lý rác thải và thực trạng các khu xử lý rác thải, Bà Trần Thị Mỹ - Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Thăng Bình cho biết, có 3 nội dung chính khi triển khai đề án phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn là khuyến khích người dân làm hố rác tại nhà để xử lý chất thải thực phẩm; phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế để bán cho các cơ sở thu mua phế liệu và phân loại chất thải rắn khác để Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam đưa đi xử lý. Như vậy, hầu như trên địa bàn Thăng Bình chỉ có chất thải rắn khác được đưa đi xử lý.
Ở phía nam của tỉnh Quảng Nam hiện có 2 nơi xử lý rác thải là Khu xử lý rác thải Tam Xuân 2 và Khu xử lý rác thải Tam Nghĩa (đều thuộc huyện Núi Thành).
Theo ông Nguyễn Thanh Dũng - Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam, hiện doanh nghiệp chỉ có một loại xe vận chuyển rác thải. Vì vậy, khi phân loại chất thải rắn tại nguồn có hiệu lực cũng chỉ dùng loại xe này để vận chuyển rác thải đi chôn lấp.
“Người dân về cơ bản xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón và bán rác thải có khả năng tái chế, tái sử dụng cho các cơ sở thu mua phế liệu. Nên phần lớn rác thải chúng tôi thu gom xử lý là loại chất thải rắn khác” - ông Dũng nói.
Ông Võ Như Toàn cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chỉ có nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam (huyện Đại Lộc) do Công ty Huy Hoàng Eco làm chủ là có khả năng phân loại, xử lý 3 loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.
Khu xử lý rác thải Tam Nghĩa (hiện nay chỉ phục vụ nhu cầu xử lý rác của người dân huyện Núi Thành) và Khu xử lý rác thải xã Tam Xuân 2 chỉ có thể hoạt động trong thời ngắn sắp tới.
Quảng Nam đang triển khai nhà máy xử lý chất thải rắn Nam Quảng Nam (xã Tam Nghĩa, xử lý rác thải bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh) để thay thế hoạt động của 2 nhà máy xử lý rác thải Tam Nghĩa và Tam Xuân 2.
Như vậy, về cơ bản, ở phía nam của tỉnh Quảng Nam chỉ có thể xử lý rác thải bằng hình thức chôn lấp do Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam thực hiện.
Nguồn: Còn nhiều băn khoăn trong xử lý rác thải sau phân loại ở Quảng Nam