Liên minh châu Âu (EU) và 17 quốc gia đã cảnh báo các công nghệ thu giữ khí thải CO2 không thể thay thế việc giảm mạnh sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các nước cần tiếp tục hạn chế sử dụng loại nhiên liệu này.
Tuyên bố trên được đưa ra ngày 14/7, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng liên quan đến vai trò của các công nghệ thu giữ khí thải trước thềm Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 28).
Tham gia tuyên bố này có EU cùng với Đức, Pháp, Áo, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ireland, Colombia, Chile, New Zealand, Ethiopia, Senegal, Palau, Samoa, Vanuatu và các quốc đảo dễ bị tổn thương do tình trạng biến đổi khí hậu là Quần đảo Marshall và Micronesia.
Các nước trên nhấn mạnh thế giới cần đặt trọng tâm vào việc nói "Không" với nhiên liệu hóa thạch và vạch ra một lộ trình cụ thể cho mục tiêu này.
Tuyên bố nêu rõ: “Các công nghệ giảm thiểu (khí thải) không nên được dùng như 'đèn xanh' cho việc tiếp tục khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch.”
Các công nghệ giảm khí thải bao gồm công nghệ thu giữ CO2 (CCS), trong đó khí CO2 được hút khỏi khí quyển và lưu trữ trong lòng đất.
Các công nghệ như vậy “phải được coi là nền tảng cho các bước hướng đến chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chỉ giữ vai trò tối thiểu trong việc giảm khí thải CO2 của ngành năng lượng”.
Hiện, giữa các nước tồn tại bất đồng về vai trò của CCS trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Đây dự kiến sẽ là một trong những chủ đề chính của COP28 vào tháng 11 tới tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), khi đại diện của gần 200 quốc gia sẽ thảo luận cách thức đẩy nhanh hơn các nỗ lực giảm khí thải khiến Trái Đất ấm lên.
Các nhà sản xuất dầu và khí đốt, trong đó có UAE, ủng hộ công nghệ CCS, coi đây là cách thức phù hợp để giảm thiểu lượng khí thải trong khi sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất năng lượng.
Trong khi đó, nhiều nước cảnh báo lạm dụng CCS sẽ có nguy cơ trao cho các công ty “tấm vé miễn phí” để tiếp tục khai thác dầu và khí đốt, đồng thời có thể giảm bớt các khoản đầu tư cho năng lượng tái tạo.
Bà Tina Stege, đặc phái viên khí hậu của Quần đảo Marshall, cho biết quan điểm của nhóm này là CCS chỉ nên được sử dụng trong những lĩnh vực không có biện pháp khác để giảm CO2.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trên thế giới hiện có khoảng 40 cơ sở thu giữ CO2 quy mô lớn, thu 45 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Số lượng khí thải này sẽ phải tăng gấp 15 lần nếu thế giới muốn đạt mục tiêu trung hòa khí thải CO2 vào năm 2050.
IEA cũng nhấn mạnh rằng các nước phải tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và chấm dứt đầu tư vào lĩnh vực dầu khí.
Nguồn:Công nghệ thu giữ CO2 không thể là "đèn xanh" cho nhiên liệu hóa thạch