Công ty Tiên Sơn liên tục "khát vốn" từ khi lên sàn
Công ty CP Tập đoàn FLC bị phạt 205 triệu đồng về hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước trái phép IDICO (IDC) rót 100 tỷ đồng thành lập công ty về sản xuất điện |
Từ khi niêm yết và có giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh(HoSE) ngày 24/3/2021, bức tranh tài chính của Công ty cổ phần Tiên Sơn Thanh Hóa (Công ty Tiên Sơn; mã cố phiếu AAT) liên tục có những chuyển biến lớn, trong đó, hoạt động huy động vốn liên tục được Công ty Tiên Sơn chú trọng thông qua các nghị quyết, với sự chủ trì của "kiến trúc sư" chính của công ty là ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch HĐQT.
Theo đó, ngày 14/8/2021, chỉ chưa đầy 6 tháng niêm yết trên sàn HoSE, Công ty Tiên Sơn Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu AAT cho 12 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, với mức giá 10.000VND/cp. Tổng số tiền thu về từ đợt phát hành này khoảng 250 tỷ đồng sau khi trừ chi phí liên quan.
Tới ngày 20/12/2021, Công ty Tiên Sơn có văn bản báo cáo Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) về việc đã thực hiện thành công phát hành 25 triệu cố phiếu trên, nâng vốn điều lệ của Công ty này lên hơn 638 tỷ đồng. Đồng thời, nâng số cố phiếu AAT đủ điều kiện lưu hành giao dịch trên sàn HoSE lên hơn 63,8 triệu cổ phiếu.
Theo kế hoạch ban đầu, Công ty Tiên Sơn ban đầu dự kiến sẽ sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành này nhằm mục đích mở rộng giai đoạn 2 nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà (Tx.Bỉm Sơn, Thanh Hóa) với số vốn 50 tỷ đồng và xây dựng nhà máy may xuất khẩu Quý Lộc (Huyện Yên Định, Thanh Hóa) với số vốn 200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến ngày 23/12/2021, Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Tiên Sơn với sự chủ trì của ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch HĐQT, đã ra nghị quyết thay đổi phương án sử dụng vốn huy động được từ đợt phát hành trên.
Theo đó, với số tiền 250 tỷ đồng thu được từ phát hành Công ty Tiên Sơn đã sử dụng chi tổng cộng 110 tỷ đồng thực hiện phương án mở rộng và xây dựng 2 nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà và xây dựng nhà máy may xuất khẩu Quý Lộc; 14,5 tỷ đồng trả nợ nhà cung cấp và hơn 145 tỷ còn lại sẽ được sử dụng trả nợ ngân hàng nhằm giảm gánh nặng chi phí tài chính.
Cũng theo báo cáo tiến độ sử dụng vốn, tới ngày 7/4/2022, các khoản này đã được giải ngân hoàn toàn, và 2 dự án mở rộng xây dựng nhà máy nêu trên đã hoàn thành được trên 80% dự toán.
Trụ sở Công ty Tiên Sơn tại Thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. |
Tới tháng 4/2022, tại đại hội cổ đông Công ty Tiên Sơn tiếp tục thống nhất quyết nghị phương án phát hành thêm 65 triệu cổ phần, tăng gấp đôi quy mô vốn điều lệ hiện tại và dự kiến thực hiện trong năm 2022, hoặc có thể kéo dài tới quý I/2023.
Theo đó, đại hội thống nhất phát hành 65 triệu cổ phiếu AAT, giá phát hành 10.000/cp, với tổng trị giá 650 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ công ty lên 1.288 tỷ đồng bằng hình thức phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Để lựa chọn các nhà đầu tư, HĐQT hoặc Chủ tịch HĐQT tiến hành lựa chọn đối tượng chào bán trên cơ sở đáp ứng các điều kiện chào bán riêng lẻ theo quy định điều 31 - Luật Chứng khoán 54/2019/QH14.
Về tiêu chí lựa chọn, Nghị quyết đại hội cổ đông công ty xác định lựa chọn các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đáp ứng điều kiện là các cá nhân hoặc tổ chức trong nước; có tiềm lực tài chính; có khả năng hỗ trợ công ty về công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp và có thể đóng góp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Ngoài ra, các nhà đầu tư này chỉ được phép chuyển nhượng nội bộ và không được chuyển nhượng cổ phiếu cho đối tượng khác trong thời gian 1 năm.
Cũng theo nghị quyết đại hội, việc phát hành, tăng vốn điều lệ này nhằm phục vụ hoạt động mua lại phần vốn góp của các công ty khác hiện đang là chủ đầu tư của một số dự án mảng bất động sản công nghiệp và đô thị; trả nợ ngân hàng và đối tác.
Cụ thể, dự kiến vốn thu được từ đợt phát hành này sẽ chi 200 tỷ đồng cho việc mua lại phần vốn góp của công ty TNHH Victory Việt Nam hiện là chủ đầu tư dự án nhà máy may xuất khẩu sản xuất túi xách, giầy xuất khẩu Thọ Xuân; 250 tỷ đồng sẽ sử dụng mua cổ phần của công ty CP Hoàng Hải - TS là chủ dự án công trình phức hợp PH1 thuộc khu thương mại dịch vụ và dân cư BT - M1 khu đô thị mới Đông Hương, Tp.Thanh Hoá; còn lại 200 tỷ đồng sẽ được công ty sử dụng trả nợ ngân hàng và nhà cung cấp mỗi bên 100 tỷ đồng.
Ngoài ra, gần đây Công ty Tiên Sơn tiếp tục có văn bản gửi Ủy bản Chứng khoán nhà nước thông báo về kế hoạch huy động vốn ngắn hạn thông qua hợp đồng tín dụng với Ngân Hàng Đông Nam Á (Seabank) với số tiền 100 tỷ đồng với mục tiêu bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này.
Về thời hạn, Công ty Tiên Sơn vay trong thời hạn 12 tháng, trong đó mỗi khế ước nhận nợ không quá 7 tháng đối với lĩnh vực gia công may mặc (đáo hạn trong thời gian 7 tháng) và tương tự không quá 5 tháng đối với lĩnh vực thương mại.
Trong văn bản, Công ty Tiên Sơn dự kiến nguồn trả nợ từ hoạt động kinh doanh của Công ty và các nguồn thu khác.
Để thực hiện, HĐQT ủy quyền cho ông Trịnh Xuân Lượng, Tổng Giám đốc công ty thực hiện các hoạt động ký kết hợp đồng tín dụng, cầm cố thế chấp văn bản liên quan tới tài sản thuộc sở hữu của công ty Tiên Sơn và ký kết các giấy tờ liên quan khác với Ngân hàng TMCP Đông Nam Á. Ngoài ra, còn có nội dung khác theo biên bản số 2106-1/BB/HĐQT-AAT ngày 21/6/2022.
Trước kế hoạch huy động vốn này, theo thông tin từ BCTC quý II/2022, Công ty Tiên Sơn ghi nhận khoản vay và nợ thuê tài chính gần 250 tỷ đồng, trong đó có 92 tỷ là khoản nợ ngắn hạn.
Nguồn:Công ty Tiên Sơn liên tục "khát vốn" từ khi lên sàn