COP27: Thực thi cam kết khí hậu cần một thỏa thuận toàn cầu
Kết quả COP27: Cần nhưng đã đủ? COP27: Congo sẽ tiếp tục các dự án khai thác dầu khí nếu không được bồi thường |
8 năm gần đây là các năm nóng nhất trong lịch sử
Trong một báo cáo được công bố vào ngày khai mạc hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 ở thành phố Sharm El Sheikh, Ai Cập, cơ quan của Liên hợp quốc cho biết: “8 năm gần đây là các năm ghi nhận mức nóng nhất trong lịch sử”.
Trong khi một lượng lớn khí nhà kính tiếp tục tràn vào bầu khí quyển thì Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) vẫn khẳng định tham vọng về mục tiêu kiểm soát nhiệt độ nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức nhiệt trung bình ở thời kỳ tiền công nghiệp hiện là việc gần như nằm trong tầm tay. Người ta ước tính rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2022 là khoảng 1,15 độ C so với mức nhiệt của năm 1850 - 1900.
Tuy nhiên, những gì đã chứng kiến được đã thực sự “dội một gáo nước lạnh” vào sự lạc quan của Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm ngoái (COP26) rằng: "Liệu chúng ta có thể duy trì được mức tăng 1,5 độ C đã đề cập ở trên".
Thực tế gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn cầu trong năm nay. (Ảnh minh họa) |
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết "Những dấu hiệu và tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên rõ ràng và nghiêm trọng hơn", bằng chứng là việc khí hậu ấm lên đang đẩy nhanh tốc độ tan chảy của các dòng sông băng vốn không thể phục hồi, đe dọa đến an ninh nguồn nước và làm tăng mực nước biển. Có thể thấy được mức tăng nước biển trong hai năm rưỡi qua đã chiếm đến 10% tổng mức tăng của mực nước biển mà kể từ khi các phương pháp đo bằng vệ tinh xuất hiện vào gần ba thập kỷ trước.
Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cho biết trong một tuyên bố rằng nếu như mực nước biển dâng hiện được đo bằng "milimet mỗi năm" thì con số này sẽ tăng thêm "nửa đến 1 mét" mỗi thế kỷ. Đây thực sự là mối đe dọa lâu dài và to lớn đối với hàng triệu cư dân ven biển và các bang thuộc vùng trũng.
Báo cáo cũng cho thấy nồng độ của các khí nhà kính như carbon dioxide, methane và nitrous oxide một lần nữa đạt mức cao mới vào năm 2021. Trong đó, methane, được chú ý hơn cả là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh, đã có mức nồng độ tăng hàng năm cao nhất cho đến nay.
Taalas cho biết: “Khí hậu càng ấm lên thì ảnh hưởng của nó đối với nhân loại ngày càng lớn. Thực tế cho thấy rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn cầu trong năm nay, từ lũ lụt ở Pakistan đến hạn hán ở châu Phi và các đợt nắng nóng trên khắp châu Âu và Trung Quốc.”
Không chỉ vậy, một trận chiến nảy lửa cũng xảy ra tại COP27 là cuộc tranh cãi lâu dài về việc liệu các nước công nghiệp giàu có, ngoài việc cắt giảm khí thải thì các quốc gia này có phải đền bù cho các quốc gia nghèo hơn về những thiệt hại mà họ đã gây ra trong lịch sử hay không? Các đại biểu đã lần đầu tiên đưa chủ đề này vào chương trình nghị sự kể từ khi các cuộc đàm phán về khí hậu bắt đầu cách đây nhiều thập kỷ.
Nhiệm vụ khẩn cấp chống BĐKH
Trong khuôn khổ ngày làm việc thứ hai Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh, Ai Cập, ngày 7/11, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã có những phát biểu cảnh báo mạnh mẽ về tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay. Đó là các nước đang đứng trước lựa chọn khốc liệt, giữa một bên là hợp tác giảm khí thải và một bên là đẩy các thế hệ tương lai vào thảm họa khí hậu.
Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm nay diễn ra trong bối cảnh tình trạng Trái đất ấm lên đã gây ra nhiều hình thái thời tiết cực đoan. Đồng thời, áp lực ngày càng gia tăng của việc thực thi các cam kết về khí hậu trên thế giới, nhằm đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu và cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo, những quốc gia đang chịu nhiều thiệt hại nhất của biến đổi khí hậu.
Các hiện tượng thời tiết như nắng nóng gay gắt và mưa lớn bất thường đã xảy ra khắp nơi trên thế giới, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người bị mất nhà cửa do thiên tai từ đầu năm tới nay. Mưa bão đã gây ngập lụt nghiêm trọng tại Bangladesh, khiến khoảng 1/3 lãnh thổ Pakistan bị ngập nước ở mức đỉnh điểm, trong khi các đợt nắng nóng khắc nghiệt với nhiệt độ lên tới hơn 50 độ C hoành hành tại Ấn Độ và Pakistan.
Tần suất các đợt nắng nóng tại nhiều khu vực từ châu Âu đến Mỹ đã tăng mạnh. Nắng nóng và khô hạn kéo dài làm trầm trọng thêm nạn cháy rừng, đặc biệt là những vụ cháy rừng quy mô lớn.
Riêng với châu Phi, theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), Lục địa Đen là nơi đặc biệt dễ bị tổn thương trước những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Được biết, châu Phi chỉ đóng góp khoảng 4% trong tổng lượng phát thải toàn cầu nhưng lại là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Hạn hán trong 50 năm qua ở miền Nam và vùng Sừng châu Phi ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, đã cướp đi sinh mạng của hơn nửa triệu người, với thiệt hại ước lên tới 70 tỷ USD.
Hơn 1.000 trận lũ lụt trong khoảng thời gian này khiến hơn 20.000 người tử vong. Khoảng 172,3 triệu người châu Phi bị ảnh hưởng do hạn hán và 43 triệu người bị ảnh hưởng lũ lụt trong giai đoạn 2010 - 2022.
- Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi cần có một hiệp ước giữa các nước giàu nhất và các nước nghèo nhất để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch và tăng tốc phân phối nguồn tài chính cần thiết để đảm bảo các nước nghèo có thể giảm khí thải và ứng phó với những tác động không thể tránh khỏi của tình trạng ấm lên toàn cầu hiện nay. - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hối thúc các nước giàu phát thải nhiều khí nhà kính, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, đóng góp công bằng để hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu. - Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhấn mạnh, khí thải carbon cần được định giá trung bình là ít nhất 75 USD/tấn trên toàn cầu vào cuối thập kỷ này để đạt được các mục tiêu về khí hậu trên thế giới. |
Nguồn: COP27: Thực thi cam kết khí hậu cần một thỏa thuận toàn cầu