Copernicus: Thế giới trải qua 12 tháng liên tiếp nhiệt độ cao kỷ lục
Theo đài truyền hình CNN, dữ liệu của Copernicus cho thấy các tháng từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024 đều là tháng nóng nhất thế giới từng ghi nhận.
Ông Carlo Buontempo, người đứng đầu Copernicus, cảnh báo tình trạng ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân khiến Trái Đất nóng lên và chuỗi nắng nóng kéo dài 12 tháng là “không có gì đáng ngạc nhiên” do biến đổi khí hậu.
Dữ liệu của Copernicus được công bố cùng ngày khi Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) António Guterres có bài phát biểu gây chấn động ở New York về biến đổi khí hậu, chỉ trích các công ty nhiên liệu hóa thạch là “bố già” đằng sau tình trạng hỗn loạn khí hậu và lần đầu tiên kêu gọi rõ ràng tất cả các quốc gia cấm quảng cáo các sản phẩm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
TTK Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới nhanh chóng kiểm soát cuộc khủng hoảng khí hậu đang gia tăng, nếu không sẽ phải đối mặt với những giai đoạn bùng phát nguy hiểm. Ông cảnh báo các cam kết về khí hậu toàn cầu vẫn còn lơ lửng trên không trung.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: IT) |
Cũng theo dữ liệu của Copernicus, kể từ tháng 7/2023, trong mỗi tháng, nhiệt độ ấm hơn ít nhất 1,5 độ so với nhiệt độ trước thời kỳ công nghiệp hóa. Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 12 tháng qua cao hơn 1,63 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Theo Thỏa thuận Paris năm 2015, các quốc gia đã đồng ý hạn chế mức độ nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ so với mức tiền công nghiệp. Trong khi mục tiêu trên hướng tời nhiệt độ ấm lên trong nhiều thập kỷ chứ không chỉ một tháng hay một năm, các nhà khoa học chỉ ra hiện trạng Trái Đất đang đối mặt là một tín hiệu đáng báo động.
TTK Gutteres báo động: “Các điều kiện thời tiết cực đoan do hỗn loạn khí hậu gây ra đang chồng chất, hủy hoại cuộc sống, gây tổn hại cho nền kinh tế và sức khỏe”.
Nhiệt độ toàn cầu được dự đoán sẽ bắt đầu giảm xuống dưới mức kỷ lục trong vài tháng tới do El Niño - một hiện tượng khí hậu tự nhiên có xu hướng làm tăng nhiệt độ trung bình của hành tinh - suy yếu.
Nhưng điều đó không có nghĩa là chấm dứt xu hướng tăng nhiệt độ lâu dài khi con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch làm nóng hành tinh. “Mặc dù chuỗi tháng nóng kỷ lục sẽ bị gián đoạn, nhưng dấu hiệu chung của biến đổi khí hậu vẫn còn đó. Không có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng này sẽ thay đổi", Giám đốc Buontempo nói.
Bài phát biểu của TTK Guterres cũng đề cập đến dữ liệu mới do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố cho thấy gần 86% khả năng rằng ít nhất một trong các năm từ 2024 đến 2028 sẽ phá vỡ kỷ lục năm nóng nhất được thiết lập vào năm 2023.
WMO cũng tính toán gần 50% khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong toàn bộ giai đoạn 5 năm từ 2024 đến 2028 sẽ cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Điều đó sẽ đưa thế giới đến gần hơn với giới hạn 1,5 độ C trong Thỏa thuận Paris.
Nguồn: Copernicus: Thế giới trải qua 12 tháng liên tiếp nhiệt độ cao kỷ lục