Cùng về nhà với Cúc Phương
Nhưng không phải "bé" nào cũng may mắn được sống trong "căn nhà" của mình. Con người vì những lợi ích trước mắt sẵn sàng bắt các bé động vật hoang dã ra khỏi nơi cư ngụ của chúng. Biến các bé thành những món hàng, thuần hóa chúng thành những con thú cưng… khiến các bé tổn thương nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần.
Những bé động vật hoang dã bị bắt khỏi "ngôi nhà" tự nhiên nên bị tổn thương nặng nề về thể chất lẫn tinh thần |
Nhưng con người không phải ai cũng xấu. Có những người ngày đêm nỗ lực xuyên rừng giải cứu các bé khỏi các tên săn trộm, vận động người dân đem nộp các cá thể hoang dã đã bắt được… Những người không phân biệt màu da, sắc tộc, cùng chung tay chăm sóc, nuôi nấng các em, chuẩn bị cho các em về thể chất và tinh thần để một ngày nào đó có thể tái hòa nhập với thiên nhiên.
Chính vì vậy, "Về nhà" - chương trình du lịch do Vườn Quốc gia Cúc Phương tổ chức nhằm lan tỏa tình yêu thiên nhiên và nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với vấn đề bảo vệ động vật hoang dã được nhiều người hưởng ứng. Chuyến "Về nhà" ngày 1/4 vừa qua với nhiều cung bậc cảm xúc đã đem lại nhiều kỉ niệm đối với những người tham gia.
Đồng hành với Về nhà lần này, Đoàn công ty Menard và các chuyên gia y tế, tình nguyện viên trong nước và quốc tế về lĩnh vực bảo tồn... đã tham gia để lan tỏa tình yêu thiên nhiên tơi cộng đồng.
Đoàn Công ty Menard và những người yêu thiên nhiên, yêu động vật trên hành trình đưa các bé động vật hoang dã về nhà |
Trước khi tiến hành thả các bé về với ngôi nhà thiên nhiên, những người tham gia sẽ được hướng dẫn về các quy định đảm bảo an toàn cho các bé như: hạn chế tối đa việc tiếp xúc để tránh truyền nhiễm bệnh cho các bé; đi nhẹ, nói khẽ để tránh gây hoảng loạn, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử...
Để đảm bảo không gian cho các bé, đoàn sẽ chia thành các nhóm nhỏ từ 3 - 4 người, mỗi nhóm sẽ có cán bộ của Vườn đi theo để hướng dẫn và đảm bảo an toàn cho các bé cũng như những người tham gia.
Các nhóm sẽ phải đi sâu vào trong rừng 50m tính từ trục đường chính nhằm bảo đảm không gian yên tĩnh và thiên nhiên nhất.
50m đường rừng tuy không dài nhưng vì trời mưa ẩm ướt, hành trình trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, không vì lẽ đó mà những người tham gia cảm thấy nản lòng.
Các bé động vật hoang dã được thả đều được kiểm tra, đánh giá, đảm bảo đủ điều kiện về mặt thể chất, bản năng, tập tính tự nhiên... để có thể tự kiếm ăn, tự vệ, thích nghi, hòa nhập với đồng loại và môi trường sống tự nhiên khi tái thả. Đối với các bé đã quá quen và bị lệ thuộc vào con người sẽ cần nhiều thời gian hơn để đạt được những tiêu chuẩn này. |
Chuyến đi này, đoàn đã trả tự do cho 6 cá thể công má vàng, 2 cá thể cầy vòi mốc, 2 cá thể chồn bạc má, 2 cá thể mèo rừng và 2 cá thể rùa sa nhân.
Cá thể rùa sa nhân được thả về với ngôi nhà thiên nhiên |
Bé chồn bạc má được trả lại tự do |
Theo ông Lê Trọng Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật - Vườn Quốc gia Cúc Phương, hiện Trung tâm đang quản lý và nuôi dưỡng gần 3000 cá thể thuộc 76 loài động vật hoang dã. Với số lượng khoảng 50 người phụ trách 4 phân khu, công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã còn gặp nhiều khó khăn. Việc nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức quốc tế, các cơ quan, đơn vị... sẽ là nguồn hỗ trợ lớn, giúp Vườn hoàn thành nhiệm vụ, duy trì công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã cũng như rừng Cúc Phương.
Bé mèo rừng được trở về với môi trường sống hoang dã. |
Ấn tượng nhất trong hành trình chính là giây phút các bé công má vàng được thả về với thiên nhiên và sải cánh bay.
Giây phút các bé công cất cánh đã gây bất ngờ đối với nhiều người |
Để đảm bảo an toàn cũng như hạn chế tác động của con người, những người tham gia chỉ được đứng từ xa và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các bé động vật hoang dã.
Khi chứng kiến khoảnh khắc diệu kỳ này, nhiều người trong đoàn cảm thấy bất ngờ vì công có thể bay. Thật vậy, bởi vì vốn dĩ chúng ta đã quá quen với hình ảnh những chú công xinh đẹp đứng làm dáng trong những chiếc lồng lớn - nơi chúng không có đủ không gian để sải cánh bay lượn.
Nhưng ở Cúc Phương, nhờ sự nỗ lực không ngừng của những con người tâm huyết, những chú công có thể thỏa thích bay lượn trong thiên nhiên nơi chúng thuộc về.
Chuyến đi đã để lại nhiều cung bậc cảm xúc trong mỗi người tham gia, nhưng ai cũng hy vọng, các bé sẽ được an toàn, tự do và trong tương lai, sẽ có thêm nhiều bé được trở về với ngôi nhà của mình.
Nguồn: Cùng về nhà với Cúc Phương