Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để thu hút du khách
Kết nối, phát triển các sản phẩm du lịch giữa các tỉnh Đông Bắc - Tây Bắc Đa dạng các sản phẩm, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch |
Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, hàng loạt sản phẩm du lịch mới được nghiên cứu, thẩm định và cho phép khai thác thử nghiệm tại địa phương trong năm 2023. Từ đầu năm đến nay, ngành Du lịch đã đưa vào khai thác thử nghiệm nhiều dự án sản phẩm mới, có giá trị cao và được du khách rất ưa chuộng như: Trải nghiệm lái xe địa hình (ATV) khám phá cảnh quan, thiên nhiên rừng lim thôn 4, xã Tân Hóa, huyện miền núi Minh Hóa; Khám phá thiên nhiên thức Mụ Mệ, Vườn địa đàng, hang Vàng và thác Lụa tại xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy; Thám hiểm Hang Ba; Khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy…
Sản phẩm, điểm tham quan du lịch tại tỉnh Quảng Bình đã được phê duyệt đề án hoặc cho phép khai thác thử nghiệm trên địa bàn tỉnh đến nay lên đến 34 sản phẩm các loại. Một số sản phẩm cũng được tiếp tục khai thác thử nghiệm, như: Chương trình tham quan 4 ngày, 3 đêm của sản phẩm du lịch "Khám phá hang Đại Ả, hang Over, hang Pygmy"; "Du thuyền ngắm cảnh trên sông Nhật Lệ kết hợp tham quan danh thắng, di tích lịch sử"; khai thác "Trải nghiệm thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình".
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Bình đã cho phép Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh liên kết, phối hợp với đơn vị đủ điều kiện theo quy định để khai thác tạm thời sản phẩm du lịch "Khám phá thiên nhiên Chà Rào-Chà Cùng", xã Trường Sơn (Quảng Ninh). Hiện tại, Sở Du lịch cũng đang tiếp tục hoàn tất các nội dung nhằm thẩm định 2 đề án khai thác sản phẩm du lịch mới, gồm “Trải nghiệm làm ngư dân tại Quảng Bình” và “Trải nghiệm thiên nhiên kết hợp lưu trú cắm trại Trằm Mé - Chày Lập Glamping”.
Trong đó, sản phẩm du lịch mạo hiểm "Hành trình khám phá hung Thoòng" đang thu hút đông đảo du khách. Du khách khi trải nghiệm sản phẩm này sẽ có cơ hội được khám phá rừng nguyên sinh Phong Nha - Kẻ Bàng, chinh phục hang Hùng, hang Tròn và hang Thung, cắm trại bên suối hung Thoòng và khám phá thung lũng Ma Đa. Đây là hành trình độc đáo và hoang sơ ở Phong Nha-Kẻ Bàng. Hệ thống hang hung Thoòng rất đặc sắc với nhiều hang động nằm sâu trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt thuộc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Cách duy nhất để tiếp cận những hang động này đi bộ men theo các lối mòn giữa rừng. Du khách sẽ trekking xuyên rừng, leo qua các núi đá, bơi qua các hang động ngầm, luồn lách trong các hang khô và cắm trại giữa đại ngàn Phong Nha - Kẻ Bàng.
Phong Nha - Kẻ Bàng là một trong những địa điểm thu hút rất đông du khách khi đến Quảng Bình. Ảnh: ĐK. |
Với việc đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, 9 tháng năm 2023, ngành Du lịch tỉnh Quảng Bình đón hơn 3,6 triệu lượt khách, vượt kế hoạch năm 2023 và tăng gấp 2,32 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách nội địa đạt hơn 3,5 triệu lượt; khách quốc tế đạt 89.382 lượt, vượt hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú 9 tháng đạt trên 454 tỷ đồng, tăng gấp 1,35 lần.
Về dịch vụ lưu trú, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện có 532 cơ sở lưu trú đang hoạt động với 8.475 phòng, 16.200 giường. Trong 9 tháng qua, khách lưu trú ước đạt hơn 1,3 triệu lượt khách, doanh thu từ dịch vụ lưu trú ước đạt hơn 454 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh có gần 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó 8 nhà hàng và 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đã được cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Du lịch Quảng Bình tiếp tục được khách du lịch, các tổ chức, tạp chí trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Đáng chú ý, năm nay, du lịch Quảng Bình tiếp tục nhận được sự đánh giá tích cực từ du khách nội địa và khách quốc tế. Các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế như Lonely Planet (Mỹ), The Travel (Canada), Wanderlust (Anh), Booking.com ghi nhận và đánh giá cao sự phát triển của du lịch Quảng Bình.
Theo Sở Du lịch, Quảng Bình chủ động đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, liên kết du lịch; nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh tăng cường hỗ trợ đầu tư của nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch; đẩy mạnh phát triển đang dạng sản phẩm du lịch; phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch… tỉnh tiếp tục liên kết với các đối tác truyền thông quốc tế, có tầm ảnh hưởng, như: Google, Facebook, National Geographic, BBC Nature... để quảng bá du lịch thông qua các bộ phim, bài viết và các chương trình hợp tác, hỗ trợ quảng bá trên các nền tảng số. Hoạt động này được xem là một trong những chiến lược truyền thông mà du lịch Quảng Bình đã triển khai thành công trong những năm gần đây.
Đồng thời chú trọng truyền thông trên các nền tảng số, theo từng nhóm đối tượng khách và khai thác giá trị quảng bá trong hàng loạt sự kiện văn hóa - thể thao - du lịch. Đẩy mạnh triển khai kế hoạch xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, đồng thời nâng cấp, hoàn thiện website du lịch Quảng Bình bằng tiếng Anh và tiếng Việt để tiếp cận rộng rãi hơn các đối tượng khách hàng tiềm năng. Các website, nền tảng số của các thị trường trọng điểm hay kênh bán hàng online của các doanh nghiệp du lịch cũng chính là "mảnh đất vàng" để khai thác hiệu quả quảng bá du lịch địa phương.
Quảng Bình hiện có 34 sản phẩm du lịch các loại được khai thác, thu hút đông đảo du khách. |
Với những nỗ lực phục hồi và phát triển du lịch, sau 9 tháng của năm 2023, nhiều địa phương cũng đã về đích sớm về lượng khách hoặc doanh thu. Nhờ đà hồi phục mạnh mẽ, từ đầu năm 2023 đến hết tháng 9, ngành du lịch Thủ đô đã vượt chỉ tiêu về đón khách quốc tế của cả năm 2023, với 3,2 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 69,3 nghìn tỷ đồng, tăng 66,9% so cùng kỳ năm trước. Đầu năm 2023, ngành du lịch Hà Nội đặt mục tiêu đón 3 triệu lượt khách trong cả năm. Tuy nhiên, mới qua 9 tháng thành phố đã vượt chỉ tiêu nói trên.
Trong 9 tháng của năm nay, Khánh Hòa đã đón 5,7 triệu khách lưu trú, tổng doanh thu đạt trên 27.500 tỷ đồng, vượt các mục tiêu đề ra. Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, kết quả trên có được là bởi địa phương tiếp tục chủ động triển khai kế hoạch xúc tiến phát triển thị trường khách, tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều chương trình để kích cầu du lịch. Riêng doanh thu du lịch hơn 27.502,8 tỷ đồng, tăng 154,8% so với cùng kỳ (vượt 31% kế hoạch).
Năm 2023 ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ của ngành du lịch Bình Thuận. Đến nay, tỉnh đã vượt mốc mục tiêu đón khách và hoàn thành mục tiêu về tổng thu đề ra. Cụ thể, dự ước trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã đón hơn 6,984 triệu lượt khách (tăng 75% so cùng kỳ năm 2022), đạt xấp xỉ 104% kế hoạch năm 2023. Trong đó, khách quốc tế có hơn 200.000 lượt, tăng gần 4 lần so cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 17.675 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm trước và đạt 107,13% kế hoạch đề ra. Đầu năm, tỉnh đặt ra kế hoạch đón 6,72 triệu lượt khách với tổng doanh thu 16.500 tỷ đồng trong năm 2023. Như vậy, với kết quả trên, ngành du lịch Bình Thuận đã cán đích kế hoạch cả năm sớm trước 3 tháng...
Nguồn:Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để thu hút du khách