Đà Nẵng ứng phó với nước biển dâng: Lồng ghép nhiều kế hoạch
Trái Đất trải qua biên niên sử hỗn loạn về khí hậu với 8 năm nóng nhất lịch sử Giảm thiểu rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu |
Nỗi lo ở đô thị ven biển
Theo bà Nguyễn Thị Kim Hà - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng), 90km bờ biển Đà Nẵng đã và đang chịu ảnh hưởng và tác động của tình trạng nước biển dâng, triều cường do biến đổi khí hậu. Từ số liệu quan trắc vệ tinh và quan trắc tại Trạm hải văn Sơn Trà cho thấy, mực nước biển qua từng năm đều tăng. Theo đó, số liệu quan trắc từ vệ tinh tăng trung bình 3,69mm/năm; số liệu quan trắc tại Trạm hải văn Sơn Trà là tăng trung bình 2,55mm/năm.
Hạ tầng ven biển Đà Nẵng bị hư hỏng nghiêm trọng sau các đợt mưa bão |
Thực tế, người dân Đà Nẵng đang gánh chịu nhiều hậu quả của nước biển dâng đó là tình trạng nhiễm mặn ở sông Cẩm Lệ ngày càng khốc liệt; một số vị trí bờ biển dọc đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp bị xói lở; sóng biển hất nhiều cát và rác bồi lấp trên mặt đường qua các đợt mưa bão; các cửa xả nước mưa ra biển bị ảnh hưởng, hư hại, bồi lấp, ảnh hưởng đến công tác chống ngập úng các khu dân cư; sạt lở bờ sông xảy ra ở nhiều đoạn dọc các tuyến sông chính gồm cửa sông Hàn và sông Cu Đê. Các cửa sông này đang bị thu hẹp và nông hóa rất nhanh.
Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, người dân phường Thuận Phước, quận Hải Châu đã nhiều lần chứng kiến sóng đánh gây hư hại bờ kè và gây ngập một số đường trong khu dân cư, nhất là bão số 13 (tháng 11/2020), bão số 4 (tháng 9/2022)... Thậm chí, dù Đà Nẵng không mưa và không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 6 (bão Nesat) khi cơn bão này di chuyển vào vùng biển từ Quảng Bình - Quảng Trị nhưng do kết hợp với tác động của gió mùa Đông Bắc đã gây triều cường, sóng lớn làm ngập đường Như Nguyệt và một số đoạn đường ở khu dân cư của phường Thuận Phước trong đêm 19/10/2022.
Nước biển dâng kết hợp với thời điểm có mưa lớn “ngàn năm có một” và triều cường xảy ra vào ngày 14/10 đã khiến đô thị Đà Nẵng vượt ngưỡng chịu đựng, gây ngập diện rộng tại 52/56 phường, xã và xảy ra sạt lở, lũ, lũ quét nhiều nơi, làm 4 người chết cùng nhiều thiệt hại về nhà cửa, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn thành phố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất... với tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 1.500 tỷ đồng.
Hành động sớm để ứng phó
TP. Đà Nẵng chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và rất dễ bị tổn thương do thiên tai, nhưng đối với đô thị một triệu dân thì vấn đề bức xúc nhất, nóng nhất trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững chính là nước cấp cho hoạt động kinh tế và sinh hoạt đô thị, đặc biệt vào mùa ít mưa. Do vậy, để đảm bảo nguồn nước cho thành phố, Đà Nẵng sẽ sớm vận hành Nhà máy nước Hòa Liên và sớm hoàn thành thi công Dự án nâng công suất Trạm bơm phòng mặn An Trạch từ 210.000m3/ngày lên 420.000m3/ngày.
Vùng rau La Hường thường xuyên thiếu nước tưới do tình trạng nhiễm mặn ở sông Cẩm Lệ |
Ngoài ra, Đà Nẵng đã ban hành quyết định phê duyệt và công bố danh mục 21 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước tại các khu vực ven biển và góp phần quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên, môi trường vùng ven bờ với chiều dài 73,9km; Quyết định số 3459/QĐ-UBND ngày 1/11/2021 phê duyệt kế hoạch ứng phó sạt lở bờ biển trên địa bàn đến năm 2025, huy động nguồn lực đầu tư bổ sung kè để bảo vệ hạ tầng và cảnh quan dọc bờ biển với tổng chiều dài 1.255m, trong đó có 2 đoạn bờ biển bị sạt lở nặng.
Bên cạnh đó, ngành kiểm lâm đang có kế hoạch phát triển, trồng rừng phòng hộ ven biển với diện tích quy hoạch đến 362ha và sẽ được triển khai vào mùa trồng rừng hằng năm vào các tháng 10, 11 và 12. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn bộ chiều dài bãi biển và cơ sở hạ tầng ven biển bao gồm khu vực vịnh Đà Nẵng và khu vực biển ngang dọc tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa có nguy cơ bị xâm thực, sạt lở, hạ thấp, bào mòn. Trong đó, khu vực nguy cơ cao nhất là bãi biển dọc tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, nhất là đoạn từ tuyến đường Phạm Văn Đồng (bãi tắm khu vực Công viên Biển Đông) đến tuyến đường Ngô Thì Sỹ (bãi tắm Sao Biển).
Theo Chi cục Biển và hải đảo (Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng), nhiều năm qua, TP. Đà Nẵng đã thực hiện chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ với các biện pháp tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng đối với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, thành phố đã củng cố hơn 6.500m đê biển để bảo vệ và tiết kiệm được hơn 400ha đất, nhất là đất nông nghiệp; triển khai các công trình, giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn do nước biển dâng...
“Trong mùa mưa bão, đơn vị thường xuyên đi khảo sát tình hình sạt lở, xâm thực các khu vực biển để kiến nghị thành phố chỉ đạo các đơn vị cảnh báo, khắc phục”, Chi cục trưởng Chi cục Biển và hải đảo Phạm Thị Chín cho biết.
Nguồn: Đà Nẵng ứng phó với nước biển dâng: Lồng ghép nhiều kế hoạch