Đa số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh trong 2 tháng qua
Thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa tại Tổng công ty Đầu tư phát triển DIC Giấy phép môi trường là gì? Thời hạn của giấy phép môi trường |
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 2 tháng qua ước đạt 96,06 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại ước tính xuất siêu 2,82 tỷ USD, theo Tổng cục Thống kê.
Riêng xuất khẩu 2 tháng qua ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 11,52 tỷ USD, giảm 21%; khu vực vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 37,92 tỷ USD, giảm 6,6%.
Từ đầu năm đến nay có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng khác là 3 mặt hàng xuất khẩu đã đạt 5 tỷ USD.
So với cùng kỳ năm trước, 2 tháng qua chỉ có 11 mặt hàng tăng trưởng. Trong đó, sắn và sản phẩm sắn tăng mạnh nhất với 32,7%; tiếp đến là rau quả (tăng 17,8%); giấy và các sản phẩm từ giấy (17%).
Cùng với đó, 3 mặt hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh nhất gồm xơ, sợi dệt các loại (giảm 36%); sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ (36%); gỗ và sản phẩm gỗ (34,8%).
Mặt khác, kim ngạch nhập khẩu 2 tháng qua ước đạt 46,62 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 17,3%, chiếm 32,6% tổng kim ngạch nhập khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,3%, chiếm 67,4%.
Trong tháng này có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá từ 1 tỷ USD trở lên, chiếm tỷ trọng 69% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Xét về tốc độ tăng trưởng, lượng dầu thô nhập khẩu gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là khí đốt hóa lỏng, ô tô nguyên chiếc và xăng dầu.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng giảm nhập khẩu mạnh nhất ở các mặt hàng phân bón (giảm 66%); điện thoại và linh kiện; cao su; bông.
Được biết, việc xuất khẩu một số ngành chủ lực của Việt Nam như dệt may, gỗ... sẽ chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm nhu cầu tại các thị trường như Mỹ, EU và thậm chí cả Trung Quốc đã được các công ty phân tích dự báo trước đó.
Đơn cử, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định với ngành dệt may, từ tháng 7 đến nay, các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm do nhu cầu tiêu thụ yếu, lượng hàng tồn kho tại các nhà bán lẻ lớn của Mỹ như Adidas, Nike tăng mạnh 44% và 35% so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng với nhu cầu đi xuống, giá dầu và bông chững lại đã góp phần đưa giá nguyên liệu đầu vào như sợi cotton, sợi polyester sẽ giảm 1-3% vào năm 2023. Tuy nhiên trong bối cảnh lạm phát, các công ty dệt may có thể sẽ chuyển hướng sản xuất sang các mặt hàng có giá trị thấp khiến biên lợi nhuận của các công ty giảm.
VNDirect kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa trở lại vào năm 2023 có thể là một chất xúc tác cho sự phục hồi của ngành dệt may bởi Trung Quốc là nhà nhập khẩu sợi chính của Việt Nam, chiếm 48% tổng giá trị xuất khẩu.
Ngoài ra, triển vọng xuất khẩu dệt may sang EU sẽ sáng sủa hơn từ quý III/2023 do các sản phẩm dệt may được giảm thuế nhập khẩu nhờ EVFTA. Các loại hàng may mặc bao gồm B3, B5, B7 sẽ được giảm thuế xuất khẩu 2- 4% vào năm 2023.
Trong báo cáo vào giữa tháng 12/2022, HSBC cũng đã đưa ra cảnh báo thời kỳ xuất khẩu "ngủ đông" của Việt Nam đang tới. Nhiều dấu hiệu cho thấy đã đến lúc ngành xuất khẩu của Việt Nam cần chuẩn bị cho một đoạn đường không mấy bằng phẳng.
Nguồn: Đa số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh trong 2 tháng qua