Đắk Lắk: Cây mít tổ ở bon Bu P’Răng
Đắk Lắk: Nghịch lý cơ sở xử lý ô nhiễm lại gây ô nhiễm môi trường Đắk Lắk: Kết nối cung - cầu cho sầu riêng |
Tại đây, Bon trưởng Bùi Minh Hải đã dẫn chúng tôi đến thăm cây mít có tuổi đời gần 90 năm và kể câu chuyện về “nhân chứng sống” khá đặc biệt này.
Đó là cây mít do già làng Điểu Toi (SN 1929) trồng năm 1935 tại rẫy nhà mình. Đối diện cây mít này có cây gạo to, tỏa bóng sừng sững kiên cường song hành tồn tại cùng thời gian. Tại gốc cây gạo, hằng năm bà con trong bon Bu P’Răng 2 thường tổ chức lễ đâm trâu, cúng mừng lúa mới, cầu bình an, mưa thuận gió hòa và với mong muốn lòng thành kính của mình sẽ được thần cây, thần rừng chứng giám…
Bên cạnh đó, trên thân cây gạo vẫn còn nhiều dấu tích người dân địa phương khi có người trong gia đình bị đau bụng đến đẽo vỏ cây này đem về nấu nước cho uống để chữa bệnh. Từ những hoạt động tín ngưỡng lâu đời và từ những vết tích để lại trên thân cây gạo có thể khẳng định: Tại vị trí này đã có một bon của đồng bào M’nông sống từ rất lâu đời, khẳng định dải đất này thuộc chủ quyền của Việt Nam không thể chối cãi.
Thượng tá Lê Quốc Hùng và Bon trưởng bon Bu P'Răng 2 Bùi Minh Hải (thứ hai từ phải sang) giới thiệu về Di tích Cây mít tổ. |
Những năm 1976 - 1978, toàn bộ người dân khu vực cây mít tổ phải sơ tán, chạy ra trung tâm xã Quảng Trực vì khu vực này bị bọn phản động Pôn Pốt xâm lược lấn chiếm biên giới, chúng rất manh động, tàn ác, sẵn sàng đốt nhà, bắn phá. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, những tháng năm này, cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Bu P’Răng khắc phục mọi khó khăn, kiên cường bám trụ, bẻ gãy các đợt tiến công của địch. Trải qua 127 trận đánh lớn, nhỏ có 16 cán bộ chiến sĩ của đồn đã anh dũng hy sinh. Để ghi nhớ công lao của cán bộ, chiến sĩ, khẳng định chủ quyền và giáo dục cho các thế hệ mai sau về truyền thống yêu nước của dân tộc, tháng 11/1978, Đảng, Nhà nước ta đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đơn vị. Hiện tại có bia tưởng niệm ghi công 16 cán bộ chiến sĩ bên cạnh Trạm cửa khẩu Bu P’Răng và được cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu Bu P’Răng thường xuyên hương khói.
Năm 2010, theo nguyện vọng của bà con muốn trở lại nơi chôn rau, cắt rốn, trở về bon cũ bên cạnh cây mít tổ và cây gạo, Huyện ủy, UBND huyện Tuy Đức đã cho khảo sát, rà phá bom mìn do bọn Pôn Pốt cài lại; tiến hành san ủi mặt bằng, xây dựng nhà cửa, điện, nước, trường, trạm, cấp đất cho bà con quay về định canh, định cư, trồng cây mắc ca phát triển kinh tế trên nền bon cũ từ đó đến nay.
Bon trưởng Bùi Minh Hải chia sẻ: “Bon Bu P’Răng 2 khi mới lập có 70 hộ, bây giờ tăng 95 hộ với 307 nhân khẩu, phần đông làm nương rẫy và trồng cây chủ lực là mắc ca. Mấy năm gần đây, hạt mắc ca được mùa, được giá nên cuộc sống của bà con trong bon tương đối no ấm”.
Chính trị viên đồn biên phòng cửa khẩu Bu P’Răng Lê Quốc Hùng cũng cho biết, đơn vị đã thành lập 1 tổ tự quản đường biên, có 15 hộ với 27 khẩu tham gia, khi có vấn đề gì sẽ báo ngay cho bộ đội biên phòng, với tinh thần: Mỗi người dân là cột mốc sống trên biên giới, sẵn sàng sát cánh cùng bộ đội biên phòng để phát quang, tham gia tuần tra kiểm soát, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Hiện tại già làng Điểu Toi vẫn còn sống, là nhân chứng sinh động, vẫn thường kể chuyện về cây mít tổ cho lớp con cháu luôn phải biết đến cội nguồn gốc rễ, bảo vệ gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Năm 1992, phần thân cây mít bị sâu đục thân, để cứu cả cây trước nguy cơ bị chết, cán bộ, chiến sĩ của đồn biên phòng đã cưa phần trên. Từ đó, dưới gốc mọc lên hai nhánh phát triển khỏe mạnh và cho quả rất sai, ăn rất ngon ngọt. Năm 2010, UBND huyện Tuy Đức cho xây khuôn viên để bảo vệ và đặt bia Di tích Cây mít tổ nơi đây. |
Nguồn: Cây mít tổ ở bon Bu P’Răng