Đắk Lắk: Kết nối cung - cầu cho sầu riêng
Đắk Lắk: Sôi nổi khí thế bàn giao mặt bằng Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột Đắk Lắk: Tăng cường phối hợp trong thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia |
Ông Lê Ký Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng cho biết, huyện hiện có khoảng 5.700 ha sầu riêng; trong đó diện tích cây cho sản phẩm là 2.296 ha, sản lượng ước đạt 16.000 tấn. Diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện chủ yếu trồng xen trong các vườn cà phê, hồ tiêu.
Để giúp nông dân yên tâm sản xuất, ổn định đầu ra cho sản phẩm, huyện đã tổ chức nhiều chương trình, hội nghị kết nối các doanh nghiệp với người trồng, nhằm xây dựng chuỗi giá trị đối với ngành hàng sầu riêng, bảo đảm lợi ích hài hòa cho cả người dân và doanh nghiệp.
Thông qua các chương trình này, một số doanh nghiệp đã bắt tay hỗ trợ chính quyền địa phương tổ chức hội thảo kỹ thuật chăm sóc sầu riêng, hỗ trợ người trồng sầu riêng xây dựng mã số vùng trồng gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Đại diện doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sầu riêng (bên phải) thăm vườn cây của một hộ dân trên địa bàn xã Ea Toh. |
Nhiều nhà máy thu mua, chế biến sầu riêng đã đến đầu tư tại huyện Krông Năng. Đơn cử như Công ty TNHH Phố núi Tây Nguyên vừa xây dựng khu nhà xưởng rộng 4.000 m2 tại thôn Tân Phú (xã Ea Toh), với số vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Đại Dương, cổ đông của công ty cho biết: "Sầu riêng đang là loại cây trồng có giá trị nhất vào thời điểm này. Mùa sầu riêng năm nay, công ty cam kết tiêu thụ sản phẩm cho khoảng 200 ha của 100 hộ dân trên địa bàn huyện, với công suất dự kiến khoảng 1.000 tấn/năm. Sau khi thu mua tại vườn, công ty sẽ tiến hành phân loại, đóng gói bao bì, nhãn mác cẩn thận và xếp hàng lên xe container xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc, bảo đảm trong thời gian ngắn nhất để trái cây tươi, ngon đến tay người tiêu dùng. Hiện, Công ty đã ký kết với một số hộ dân thu mua sầu riêng trái với giá là 70.000 đồng/kg".
Năm nay Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp bền vững Dliêya (thôn Đồng Tâm, xã Dliêya) cam kết thu mua sầu riêng cho 48 thành viên chính thức và 158 thành viên liên kết của HTX, với tổng diện tích 117 ha. Năm nay, sầu riêng không đạt sản lượng nhưng bù lại đầu vụ giá thu mua tận vườn đang ở mức trên 70.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái nên nông dân rất phấn khởi. HTX dự kiến thu mua khoảng 1.000 tấn, sầu riêng phải cắt theo đợt, mỗi đợt cách nhau từ 3 - 5 ngày, trung bình từ 30 - 35 tấn/ngày và thu hoạch trong khoảng một tháng.
Ông Dương Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho hay: "Hiện HTX chưa có kho bảo quản, chế xuất nên đang liên kết với Công ty Cổ phần Đầu tư và sản xuất Lâm Hà (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) để thu mua sầu riêng cho bà con nông dân. HTX cam kết luôn đồng hành với nông dân hướng đến một nền nông nghiệp sạch, bền vững nhằm nâng cao, phát triển chuỗi giá trị, giúp nông dân gặt hái nhiều lợi ích, tạo ra sản phẩm sạch cho thị trường".
Vườn sầu riêng của gia đình anh Đào Xuân Nghĩa (thôn Đồng Tâm, xã Dliêya) đang trong giai đoạn nuôi quả. |
Hiện nay, các vườn cây sầu riêng trên địa bàn huyện đang trong giai đoạn dưỡng quả, bà con nông dân ngày đêm theo dõi sát sao để bón phân, diệt trừ sâu bọ cho cây trồng. Gần 10 năm nay, gia đình ông Nguyễn Quảng (thôn Tân Phú, xã Ea Toh) trồng 200 gốc sầu riêng trên diện tích 1 ha. Vụ này, dự kiến thu hoạch khoảng 10 - 15 tấn quả, với giá bán hiện tại là 70.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lợi xấp xỉ 1 tỷ đồng. Ông Quảng phấn khởi nói: “Thời gian trước, với 1 ha đất canh tác, gia đình tôi trồng cà phê, hồ tiêu nhưng lợi nhuận không đáng bao nhiêu. Nhận thấy vùng đất này hợp với cây sầu riêng, hiệu quả kinh tế lại cao nên từ năm 2013 gia đình tôi chuyển sang trồng loại cây này theo tiêu chuẩn VietGAP, nhờ đó thu nhập cao hơn 2 - 3 lần so với trồng cà phê".
Đến nay, huyện đã được cấp 6 mã số vùng trồng với diện tích 167 ha; còn hàng chục mã và hàng trăm héc-ta đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đăng ký cấp mã số vùng trồng...". Ông Lê Ký Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng |
Tương tự, gia đình anh Đào Xuân Nghĩa (thôn Đồng Tâm, xã Dliêya) có 200 gốc sầu riêng 10 năm tuổi hiện cũng đang trong quá trình nuôi quả, dự kiến thu hoạch khoảng 20 tấn. Theo anh Nghĩa, từ khi trái sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, bà con nông dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, đối tác Trung Quốc yêu cầu rất khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không được vượt mức cho phép. Vì vậy, các hộ đã liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng để trồng theo hướng VietGAP, cấp mã vùng trồng. “Nhờ phía công ty, chính quyền địa phương cử kỹ thuật viên hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc sầu riêng và cam kết bao tiêu sản phẩm nên người dân yên tâm sản xuất. Sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch thì đầu ra, giá cả sẽ ổn định, người dân được hưởng lợi nhiều”, anh Nghĩa phấn khởi.
Mặc dù giá thu mua sầu riêng tại vườn đang ở mức khá cao, lãi suất cao hơn so với trồng cà phê nhưng Phòng NN-PTNT huyện khuyến cáo, bà con nông dân không nên mở rộng diện tích mà chỉ nên phát triển loại cây trồng này khi đã nắm vững kỹ thuật và xây dựng được mối liên kết về đầu ra bền vững. Bởi chi phí trồng, nuôi dưỡng vườn cây từ khi trồng đến khi thu hoạch tốn khoảng 3 - 4 triệu đồng/cây, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao.
Nguồn: Kết nối cung - cầu cho sầu riêng