Đắk Lắk: “Chìa khóa” phát triển nông nghiệp bền vững
Đắk Lắk: Xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi dê bền vững Đắk Lắk: Bảo vệ “mạch nguồn” trong lòng đô thị Buôn Ma Thuột |
HTX Nông nghiệp bền vững Trọng Phú (xã Ea Hiao) có 14 hộ thành viên với 30 ha cà phê trồng theo quy trình hữu cơ, liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex - chi nhánh tại Buôn Ma Thuột.
Anh Nguyễn Văn Dương, Phó Giám đốc HTX cho biết, khi tham gia liên kết, HTX được doanh nghiệp hỗ trợ hệ thống nhà màng, máy móc và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chế biến cà phê đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Mỗi năm, công ty thu mua trên 1.000 tấn cà phê chất lượng cao của HTX với giá cao hơn 10.000 - 15.000 đồng/kg nhân so với giá thị trường, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân.
Hợp tác xã Nông nghiệp bền vững Trọng Phú (xã Ea Hiao) bảo đảm cà phê thu hái phải đạt độ chín 100%. |
Với mục đích nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm theo chuỗi cung ứng an toàn, HTX Nông nghiệp bền vững Trọng Phú còn mở rộng quy mô hoạt động, liên kết với nhiều hộ dân trong xã sản xuất cà phê theo quy trình hữu cơ. Nhờ liên kết sản xuất với HTX Nông nghiệp bền vững Trọng Phú, những năm gần đây, nhiều hộ trồng cà phê ở xã Ea Hiao không còn gặp tình trạng bị tư thương ép giá. Việc sản xuất theo chuỗi liên kết không chỉ giúp bảo đảm đầu ra ổn định mà còn làm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập.
Huyện Ea H’leo hiện có 45 HTX và 25 tổ hợp tác nông nghiệp, đa phần đều liên kết với các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng, trong đó có 10 sản phẩm đạt OCOP tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao. |
Tại xã Ea Sol, mắc ca là loại cây trồng mới và đang khẳng định hiệu quả kinh tế vượt trội so với các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, những năm trước, do người dân canh tác manh mún theo kinh nghiệm truyền thống nên đầu ra bấp bênh, thị trường đánh giá chưa cao…
Đầu năm 2023, ông Vũ Đình Sơn ở thôn Ea Yú (xã Ea Sol) đã đứng ra tập hợp hơn 30 hộ dân trên địa bàn thành lập HTX Mắc ca Sơn Nụ với tổng diện tích sản xuất 100 ha.
Tham gia mô hình liên kết, các hộ nông dân được hỗ trợ giống, phân bón trả chậm, bao tiêu sản phẩm.
Để có sản phẩm đầu ra đạt chất lượng, HTX cũng xây dựng quy chế, yêu cầu thành viên chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; có sổ tay ghi chép quy trình chăm sóc, thời gian bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý.
Với cách làm bài bản, khoa học, tuân thủ chặt chẽ quy trình, các vườn mắc ca đạt năng suất cao hơn trước từ 20 - 30%, chất lượng quả đều, đẹp, ít bị sâu bệnh. Sản phẩm mắc ca của HTX hiện đang được hoàn tất hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP.
Sản phẩm cà phê chất lượng cao sản xuất theo quy trình hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp bền vững Trọng Phú (xã Ea Hiao). |
Theo ông Nguyễn Đình Trung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea H’leo, thời gian qua, huyện đã luôn quan tâm, khuyến khích nông dân tham gia các mô hình liên kết, hợp tác; ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị có sự liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; chú trọng phát triển vùng nguyên liệu là nông sản có thế mạnh của địa phương gắn với công nghiệp chế biến. Theo đó, tại nhiều xã, thị trấn, các hộ nông dân đã chủ động, tích cực tham gia và thành lập HTX, tổ hợp tác, nhằm liên kết xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
Cùng với đó, thực hiện hiệu quả Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về “Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”, từ năm 2018 đến nay, huyện đã hỗ trợ gần 3,5 tỷ đồng để thực hiện 21 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, đã giúp người dân, HTX thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phát huy tiềm năng đất đai, lao động của địa phương…
Nguồn: “Chìa khóa” phát triển nông nghiệp bền vững