Đắk Lắk: Chung tay bảo tồn
Đắk Lắk: Cá nuôi lồng bè chết trắng sông ở Krông Ana Đắk Lắk: Vựa lúa huyện Lắk bội thu |
Chuyên nghiệp hóa
Công tác bảo tồn voi trên địa bàn tỉnh thực sự được quan tâm khi Trung tâm Bảo tồn voi được thành lập vào năm 2011. Cùng với đó, HĐND tỉnh có Nghị quyết số 78/2012/NQ-HĐND, ngày 21/12/2012 về việc quy định một số chính sách bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk. Nhờ đó, đến nay, công tác bảo tồn voi đã cơ bản được chuyên nghiệp và đạt được một số kết quả ban đầu, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ tốt cho công tác bảo tồn; có lực lượng kỹ sư, bác sĩ thú y giàu kinh nghiệm; xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực bảo tồn voi; tuyên truyền giúp nâng cao được nhận thức của người dân về tầm quan trọng của voi cũng như công tác bảo tồn. Bên cạnh đó, thu hút nhiều tổ chức quốc tế quan tâm hỗ trợ như: Tổ chức Động vật châu Á, Tổ chức Chăm sóc voi quốc tế, Tổ chức Phúc lợi động vật hoang dã, Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới, Vườn thú North Carolina (Mỹ), Vườn thú Rotterdam (Hà Lan), Trung tâm Bảo tồn voi Thái Lan...
Voi nhà của một hộ dân tại huyện Lắk. |
Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý, bảo vệ rừng Đắk Lắk hiện đang quản lý và chăm sóc 5 cá thể voi rừng thuần dưỡng và các tổ chức, cá nhân chuyển giao lại. Từ năm 2012 đến nay, trung tâm đã điều trị hơn 200 ca bệnh đột xuất và thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho voi nhà, qua đó, đã phát hiện và chữa trị được nhiều ca bệnh mà trước đây voi có thể chết do nhiễm trùng đường ruột, bệnh lao...
Cùng với đó, từ năm 2004 đến nay, Tổ chức Động vật châu Á (AFF) hợp tác bảo tồn voi với tỉnh Đắk Lắk thông qua việc giới thiệu và cử các chuyên gia chăm sóc voi quốc tế đến làm việc khám sức khỏe cho các cá thể voi; đưa ra những tư vấn về kỹ thuật chăm sóc, quản lý voi và cải thiện cơ sở hạ tầng. Cho tới nay, AFF đã can thiệp phúc lợi cho 12 cá thể voi, trong đó, 6 cá thể voi đang tham gia vào mô hình trải nghiệm voi thân thiện tại Vườn Quốc gia Yok Đôn. Bên cạnh vấn đề kinh phí, AFF cũng có nhiều hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức về việc chăm sóc voi và phúc lợi tốt hơn cho loài voi; đồng thời, triển khai các chương trình giáo dục, hướng tới các em học sinh tại huyện Buôn Đôn để nâng cao ý thức bảo vệ loài voi - niềm tự hào của Đắk Lắk tới các thế hệ tương lai.
Trăn trở cùng nỗi lo voi không sinh con
Trong thời gian qua, số lượng voi nuôi ở Đắk Lắk đã sụt giảm mạnh. Số voi nuôi ở Đắk Lắk đã giảm từ khoảng 502 cá thể vào đầu những năm 1980 xuống còn 36 cá thể tính đến năm 2023. Phần lớn voi nuôi hiện đã lớn tuổi, có phúc lợi hạn chế và thiếu cơ hội được thể hiện hành vi tự nhiên, bị con người sử dụng quá mức nên tuổi thọ ngắn... Điều đáng nói là đã từ lâu, không có voi con được sinh ra từ những cá thể voi nhà này, trong tương lai chúng sẽ tuyệt chủng nếu không có những biện pháp bảo tồn cụ thể và phù hợp. Số voi cái thuần dưỡng hiện nay là 19 cá thể, trong đó có 14 cá thể trên 40 tuổi và 5 cá thể còn lại cũng đã gần 40 tuổi. Đối với voi châu Á, chúng có tuổi thọ khoảng 50 – 60 năm, voi trưởng thành và bắt đầu sinh sản trong khoảng 12 – 15 tuổi. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới thì độ tuổi sinh sản thích hợp cho voi nhà là từ 13 - 28 tuổi, cho nên voi của Đắk Lắk đã không còn trong độ tuổi sinh sản. Từ năm 2016 đến 2020, Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý, bảo vệ rừng Đắk Lắk đã triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu khả năng sinh sản trên voi thuần dưỡng (Elephas maximus) tại tỉnh Đắk Lắk”. Kết quả đã có 3 voi cái mang thai và sinh sản, tuy nhiên cả 3 voi con đều chết sau khi sinh, mặc dù đã được áp dụng các biện pháp hỗ trợ tiên tiến và trợ giúp tích cực của các chuyên gia quốc tế. Nguyên nhân là do các voi mẹ đều đã lớn tuổi và sinh con lần đầu dẫn đến trong quá trình sinh, voi con bị kẹt lại trong âm đạo.
Voi được cứu hộ về nuôi dưỡng, chăm sóc bởi Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý, bảo vệ rừng Đắk Lắk. |
Ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý, bảo vệ rừng Đắk Lắk cho biết, bảo tồn voi hiệu quả thật ra là một vấn đề không đơn giản. Để phát triển và duy đàn voi nhà thì voi phải sinh sản, vì vậy Trung tâm đã xin chủ trương để nhập khẩu voi cái trẻ từ các nước trong khu vực châu Á như: Myanma, Thái Lan..., tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể thực hiện vì quá nhiều rào cản do voi là động vật thuộc nhóm IB và rất nhiều vấn đề liên quan khác. Trung tâm sẽ tiếp tục xúc tiến chủ trương này vì đây là giải pháp khả thi nhất giúp voi sinh sản. Cùng với đó, đơn vị sẽ thực hiện tốt công tác chuyên môn, chăm sóc sức khỏe, khám, điều trị bệnh cho voi nhà; theo dõi giám sát voi hoang dã, phòng tránh xung đột giữa voi và người, tuyên truyền, vận động người dân; thực hiện tốt hợp tác quốc tế, các dự án về voi; đồng thời, khai thác du lịch voi thân thiện để giải phóng sức lao động, nâng cao sức khỏe, tuổi thọ cho voi…