Đắk Lắk: Chung tay thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Nội dung đi vào chiều sâu
Techfest Đắk Lắk 2024 đã thu hút được gần 150 gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và một số ý tưởng khởi nghiệp đoạt giải thưởng tại các cuộc thi khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.
Các sản phẩm mang đến ngày hội đều được trưng bày cẩn thận, tỉ mỉ và độc đáo, để lại ấn tượng sâu sắc trên từng sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận.
Thông qua hoạt động này đã giúp đoàn viên thanh niên, phụ nữ, nông dân, học sinh, sinh viên quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp, giới thiệu các sản phẩm OCOP, các sản vật địa phương… Đồng thời, thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số với phương thức thương mại điện tử thanh toán không dùng tiền mặt.
Một gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Techfest Đắk Lắk 2024. Ảnh: Phương Thảo |
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Techfest Đắk Lắk 2024 đã diễn ra các sự kiện như: Hội thảo thúc đẩy DN Đắk Lắk khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững; tọa đàm học sinh, sinh viên và thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cuộc cách mạng 4.0; tập huấn khởi nghiệp xanh trong nền kinh tế tuần hoàn; Hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm năm 2024…
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, thông qua các sự kiện tại Techfest Đắk Lắk 2024 đã có được những giải pháp sáng tạo, đột phá nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế - xã hội, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển nhiều loại hình DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ hiện đại.
“Đắk Lắk đang ở ngưỡng rất tốt để phát triển trong hoạt động đổi mới sáng tạo. Để có những bước tiếp theo, tỉnh cần đặt ra lợi thế cạnh tranh, giá trị cốt lõi và định hình sự tồn tại của DN” - Quyền Giám đốc Trung tâm Dịch vụ khoa học và công nghệ (Học viện Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Vũ Tuấn Phan. |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là sự kiện được tổ chức hằng năm, là nơi gặp gỡ, giao lưu của cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh và kết nối với các nhà đầu tư, các đối tác trong và ngoài nước.
Sự kiện có ý nghĩa thiết thực nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của đông đảo cộng đồng khởi nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học, nhà quản lý và các đối tác trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh.
Các sự kiện, nội dung của Techfest Đắk Lắk 2024 đều hướng vào chiều sâu, xoay quanh chủ đề “Khát vọng xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc”.
Đặc biệt, thông qua nhiều sự kiện, các chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cụ thể nhằm hoàn thiện những chính sách, chiến lược thu hút, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh.
Từng bước hướng đến sự hoàn thiện
PGS.TS. Lê Đức Niêm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Đắk Lắk đang ở cấp độ 2, tức là cấp độ nền tảng, chưa hoàn thiện. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện các thành tố, xây dựng những yếu tố về nguồn vốn, giáo dục, nhân lực...
Trước tiên là phải có đầy đủ các thành phần, trường đại học, DN, DN đầu tàu, các cơ quan, ban, ngành. Đặc biệt cần có sự định hướng của tỉnh và những cá nhân thực sự nhiệt huyết để luôn thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh phát triển. Tiếp theo, các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần đi vào chiều sâu, ít tính hình thức, thực chất hơn. Thay vì chú tâm vào DN, tỉnh cần quan tâm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bởi nếu phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tốt thì DN sẽ tự động nảy sinh trong hệ sinh thái đó.
Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên trình bày ý tưởng khởi nghiệp tại Chương trình tập huấn khởi nghiệp xanh trong nền kinh tế tuần hoàn diễn ra trong khuôn khổ Techfest Đắk Lắk 2024. Ảnh: Tuyết Mai |
Là một trong những chuyên gia tham dự các sự kiện thuộc Techfest Đắk Lắk 2024, ông Trần Vũ Tuấn Phan, Quyền Giám đốc Trung tâm Dịch vụ khoa học và công nghệ (Học viện Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Bộ Khoa học và Công nghệ) đề xuất, thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk cần có những chính sách cụ thể hơn trong hoạt động đổi mới sáng tạo.
Theo đó, tỉnh nên chọn một số nhóm ngành mũi nhọn để tạo ra những “đầu tàu” cho các DN khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đối với vấn đề nhân lực, tỉnh cần có những chương trình cụ thể để phát triển đội ngũ chuyên gia, những người dẫn dắt hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên địa bàn. Đồng thời, cần có những chương trình về chia sẻ nguồn lực đổi mới sáng tạo. Quan trọng hơn là tạo được mối liên kết khăng khít hơn giữa tỉnh với các ngành, địa phương trên địa bàn trong thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Đối với DN, cần xác định đổi mới sáng tạo là hoạt động không thể thiếu và dành tỷ trọng đủ lớn cho hoạt động này. Hơn nữa, hoạt động đổi mới sáng tạo phải được thiết kế và được xem là hoạt động thường xuyên, liên tục. Ngoài ra, DN phải dám gạt bỏ những “rào cản” trong đổi mới sáng tạo như lo lắng về sự cạnh tranh hay bị lấy ý tưởng, mất lợi thế...
Bà Tống Thị Lan Chi, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh chia sẻ, theo như các chuyên gia phân tích, hiện tại sự liên kết giữa các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh chưa mạnh. Vì vậy, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ thực hiện vai trò tiên phong trong việc đề xuất mô hình thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh để trình lên UBND tỉnh xem xét. Trong đó có mô tả các thành tố và những hoạt động của từng thành tố trong hệ sinh thái để cùng chung tay tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh càng ngày càng phát triển.
Nguồn: Chung tay thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo