Đắk Lắk: Cơ sở sản xuất phế liệu tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm
Ngày 07/3/2024, tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam đã đăng tải bài viết "Đắk Lắk: Cần kiểm tra cơ sở tái chế phế liệu gây ô nhiễm môi trường ở xã Hòa Phú". Nội dung bài viết phản ánh rõ tình trạng hoạt động tái chế phế liệu của ông Vũ Đức Cường tại xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột đã liên tục xả thải trực tiếp ra dòng suối, môi trường gây ô nhiễm trầm trọng.
Ngoài ra, qua tìm hiểu của PV, cơ sở phế liệu này xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Cơ sở tái chế phế liệu của ông Vũ Đức Cường vẫn ngang nhiên hoạt động. Ghi nhận của phóng viên trong ngày 4/4/2024 |
Sau nhiều lần liên hệ với chính quyền UBND xã; Phòng Tài nguyên và Môi trường nhưng vẫn không nhận được sự phối hợp, phản hồi thông tin. Cuối cùng, PV đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Hưng – Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột, qua trao đổi, ông Hưng cho biết, sự việc mà phóng viên phản ánh, phía chính quyền sẽ tiến hành rà soát và xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Khuôn viên phía sau nhà xưởng xây dựng trái phép của ông Vũ Đức Cường |
Gần một tháng sau, PV liên hệ làm việc với UBND xã Hòa Phú thì được ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, qua kiểm tra, phát hiện các dấu hiệu sai phạm từ cơ sở sản xuất phế liệu của ông Cường nên phía chính quyền địa phương đã yêu cầu đơn vị này dừng hoạt động.
Trả lời của lãnh đạo địa phương là vậy, tuy nhiên theo PV ghi nhận, liên tiếp từ ngày 02/04/2024 – 04/04/2024, cơ sở tái chế phế liệu này vẫn tiếp tục hoạt động và xả thải gây ô nhiễm môi trường, thậm chí tình trạng ô nhiễm còn trầm trọng hơn trước, khiến dư luận càng thêm bức xúc.
Con suối bị ô nhiễm trầm trọng bởi hoạt động xả thải từ cơ sở tái chế phế liệu của ông Vũ Đức Cường. |
Từ thông tin liên quan việc lấy mẫu test đánh giá mức độ xả thải để có căn cứ xử lý, ông Huỳnh Thái Bình – Trưởng công an TP. Buôn Ma Thuột, cho biết: “Cảm ơn anh em PV đã phản ánh kịp thời, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra và đang trong quá trình xác minh làm rõ vi phạm ở mức nào để xử lý theo quy định của pháp luật”.
Thực tế cho thấy cơ sở tái chế phế liệu này nằm gần Khu công nghiệp Hòa Phú, phế liệu được tập kết ngẫu nhiên và lộ thiên, không được xử lý một cách đúng quy trình theo quy định. Nước thải từ quá trình tẩy rửa phế liệu không được xử lý và thải ra trực tiếp ra môi trường, mùi hôi thối nồng nặc, nước suối đen, đặc quánh không thấy đáy làm cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Ô nhiễm trầm trọng bên con suối phía sau cơ sở tái chế phế liệu của ông Vũ Đức Cường. |
Một người dân cho hay, hàng ngày, nhà xưởng chỉ mở cửa khi có xe chở phế liệu đến, sau đó lại đóng cửa ngay lập tức. Rác thải như túi bóng, nilon được chở đi để tái chế thành hạt nhựa PP và quá trình này lại gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho môi trường.
“Việc tẩy rửa phế liệu nếu không xử lý triệt để sẽ gây ô nhiễm nặng nề đến môi trường, gây ra nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng”, người dân cho biết.
Không chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường mà việc xả thải của cơ sở phế liệu này còn gây thiệt hại cho cây trồng và vật nuôi của người dân sống trong khu vực, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và đời sống sản xuất của cộng đồng. Thiết nghĩ, cần lấy mẫu test đánh giá mức độ ô nhiễm để có căn cứ răn đe và xử lý nghiêm.
Để giải quyết vấn đề này, đề nghị UBND TP. Buôn Ma Thuột; Công an TP. Buôn Ma thuột cùng các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở tái chế phế liệu vi phạm luật pháp về bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc xả thải có mức độ nghiêm trọng do không qua hệ thống xử lý, nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường.
Nguồn: Đắk Lắk: Cơ sở sản xuất phế liệu tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm môi trường (Bài 2)