Đắk Lắk: Để Buôn Ma Thuột hiện đại, giàu bản sắc
Đắk Lắk: Biên cương thắm tình hữu nghị Đắk Lắk: Xây dựng cộng đồng sản xuất có trách nhiệm ở vựa sầu riêng Krông Pắc |
Vòng quanh phố núi tìm hiểu về kiến trúc
Giữa trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, có một “khu rừng” rộng hơn 6 ha nằm bên đường Lê Duẩn với những cây cổ thụ xanh tốt quanh năm khiến nhiều người ấn tượng. Nếu vào đây tham quan, du khách có thể sẽ ngỡ ngàng thích thú hơn bởi những công trình kiến trúc rất đẹp. Giữa tán cây rợp bóng và những thảm cỏ mướt xanh là công trình Bảo tàng Đắk Lắk với tông màu trắng nổi bật. Công trình này được thiết kế, xây dựng mô phỏng theo kiến trúc pha trộn giữa nhà dài và nhà rông truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, kết hợp nghệ thuật tạo hình của cư dân bản địa. Ý đồ biểu hiện tòa nhà ba tầng này là mô tả thiên nhiên vô tận, núi rừng, suối thác ngút ngàn, tiếng cồng chiêng ngân và các thế hệ người dân Đắk Lắk trên hành trình kiến tạo và phát triển. Bên cạnh đó, các loại vật liệu xây dựng mới như kính và hợp kim làm cho tòa nhà thêm phần sang trọng. Bởi vậy, khi mới khánh thành đưa vào sử dụng năm 2011, bảo tàng này được đánh giá là một trong 20 công trình có kiến trúc đẹp nhất Việt Nam.
Từ Bảo tàng Đắk Lắk thư thả đi bộ mấy bước chân dưới những tán cây cổ thụ là Biệt điện Bảo Đại - một di tích lịch sử nhiều giá trị lớn. Ngôi nhà trước đây vốn là một nhà sàn là nơi ở của Sabatier – Công sứ của Chính phủ Pháp tại Tây Nguyên, sau đó được xây dựng lại cho vua Bảo Đại. Tòa nhà được xây dựng lại như hiện tại với kiến trúc rất đẹp mang đậm dấu ấn phong cách nhà dài truyền thống của người Êđê, nhưng có mái nhọn, sàn gỗ, phía dưới là tầng hầm bê tông. Để ý kỹ sẽ thấy đây là sự kết hợp hài hòa giữa cái mộc mạc, đơn sơ của người Tây Nguyên cùng với sự cổ điển, tinh tế trong kiến trúc kiểu Pháp. Tường nhà và hệ thống trụ được sơn màu vàng, nên thêm phần nổi bật giữa không gian xanh. Hiện nay, mặt sau Biệt điện Bảo Đại được tạo hình hai linh vật rồng bằng cây cảnh đầy ấn tượng. Bao quanh tòa nhà là những hàng cây bốn mùa xanh tốt, mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người thưởng lãm.
Bảo tàng Đắk Lắk - một công trình kiến trúc ấn tượng tại TP. Buôn Ma Thuột. |
Một công trình kiến trúc kỳ vĩ khác ở Buôn Ma Thuột là Bảo tàng Thế giới cà phê. Điều độc đáo ở công trình này là năm khối nhà uốn cong đầy mềm mại, ngẫu hứng trên nền thảm cỏ mượt. Công trình nhìn trẻ trung, sang trọng với tông màu trắng – đen, nhưng thật ra về cơ bản thì các nhà thiết kế lấy cảm hứng từ những ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, kết hợp những chi tiết, đường nét chấm phá hiện đại. Mái vòm của tòa nhà được uốn cong một cách khéo léo với hình dáng tựa chú chim trời sải đôi cánh rộng. Bên cạnh đó, mặt ngoài của bảo tàng được ốp đá bazan đã tạo nên nét đẹp độc đáo, màu của đất đỏ, màu cà phê.
“Diện mạo của TP. Buôn Ma Thuột trong tương lai được chỉ rõ tại Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc phát triển kinh tế - xã hội, cải tạo, chỉnh trang đô thị tại thành phố cần nhất quán theo mục tiêu trở thành đô thị hiện đại, sinh thái, bản sắc và là thành phố cà phê”- Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. |
Nếu muốn khám phá, tìm hiểu thêm về kiến trúc ở Buôn Ma Thuột, có thể tìm đến Nhà thờ Chính tòa, Tòa Giám mục Ban Mê Thuột, Chùa Khải Đoan, Đình Lạc Giao… Điểm chung của những công trình kiến trúc này là được xây dựng trên khuôn viên rộng, nhiều cây xanh bao quanh, tạo nên một không gian tươi mát, thoáng đãng, gần gũi với thiên nhiên. Bên cạnh đó, kiến trúc không cầu kỳ, nhưng được bố trí kết nối hài hòa, linh hoạt, tạo sự giao thoa giữa trời - đất.
Kiến trúc như “tà áo dài”
Buôn Ma Thuột là đô thị mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân bản địa và đang ngày một hiện đại với những dấu ấn khác biệt. Kiến trúc tại đây cũng phản ánh điều này khi có sự kết hợp giữa truyền thống với hiện đại.
Kiến trúc sư Diêu Quang Hùng - người có hàng chục năm trong ngành quy hoạch, xây dựng cho biết, ông đã đi nhiều nơi, thấy ở các nước như Indonesia, Thái Lan… kiến trúc nhà ở của họ vẫn giữ các nét rất đặc trưng. Trong khi ở Việt Nam, kiến trúc có phần thái quá về nhại lại lối kiến trúc thời thuộc địa mà đã là lịch sử của họ. Kiến trúc cần giữ cái hồn cốt của nó và phát triển theo hướng hiện đại. Kiến trúc nhà ở bản địa nên như “tà áo dài”, nghĩa là trên cơ sở kế thừa từ truyền thống đặc thù phát triển lên cùng xu hướng mới.
Tập quán sống cũng ảnh hưởng đến kiến trúc. Cụ thể, các nước phương Tây họ không ở nơi “nhất cận thị, nhị cận giang” mà cứ mở đường là dân cư bám lộ. Nhà ở, chung cư và đa số là nhà vườn khuôn viên thoáng đãng, chí ít là nhà phố thì vẫn có một khoảng sân nhỏ phía trước và sau nhà để trồng hoa, để xe chứ không có shophouse để tận dụng kết hợp buôn bán như ở Việt Nam. Nhưng trong thời đại 4.0, thương mại điện tử ngày càng phát triển, ít mua bán trực tiếp thì loại hình nhà này sẽ là một “vấn nạn” cho cư dân và xã hội.
Một góc Tòa Giám mục Ban Mê Thuột. |
Theo ông Hùng, kiến trúc nhà ở trong đô thị tương lai nên là nhà thấp tầng vì mô hình gia đình điển hình không còn đông con nhiều cháu nữa, và lại càng phù hợp ở Tây Nguyên “đất rộng người thưa”. Về thương mại, nhà ít tầng, mật độ xây dựng thấp sẽ dễ mua bán, tính thanh khoản cao, cơ bản là giá trị đất tăng theo thời gian chứ giá trị nhà giảm theo chiều ngược lại. Bên cạnh đó, kiến trúc nên bám theo nguyên tắc là “nhà là phải có… mái”, và đó cũng là đặc trưng nhà dài của người dân Buôn Ma Thuột bao đời nay. Chính nhà thấp tầng lại dễ xử lý hình thức kiến trúc là nhà có mái, nửa mái hay sảnh đón có mái dễ hài hòa hơn. Nhà cao tầng có mái nó khập khiễng, khó xử lý hơn. “Khai thác tốt, tạo được đặc trưng vùng miền trong kiến trúc đó là trách nhiệm của chúng ta. Hãy là chính mình chứ không phải cho giống người ta!”, ông Diêu Quang Hùng nhấn mạnh.
Theo các nhà quy hoạch, kiến trúc, với quỹ đất rộng, nhiều cây xanh và kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, TP. Buôn Ma Thuột có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển thành một đô thị xanh, sinh thái. Một điều may mắn mà đô thị này được thiên nhiên ban tặng là hệ thống các dòng suối chảy trong lòng thành phố như: Ea Nao, Ea Tam, Đốc Học… Các nhà quy hoạch, nhà quản lý cần xem đây là vùng sinh thái đặc biệt để tạo cảnh quan. Việc phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch, bố trí dân cư cần tuân thủ nguyên tắc hướng mặt về suối thay vì quay lưng vào suối như hiện nay. Chính quyền thành phố cần hạn chế việc giao những khu vực hai bên suối cho tư nhân khai thác mà phải bảo vệ, cải tạo, chỉnh trang tạo nên những không gian sinh thái, hoa viên, đường đi bộ… phục vụ sinh hoạt công cộng.
Nguồn: Để Buôn Ma Thuột hiện đại, giàu bản sắc