Đắk Lắk: Để “đất vàng” đẻ được “trứng vàng” (kỳ 2)
Đắk Lắk: Để “đất vàng” đẻ được “trứng vàng” (Kỳ 1) Đắk Lắk: Đồng hành cùng nông dân phát triển sản xuất |
“Đất vàng” bất động
Nằm trên đường Nguyễn Tất Thành, tuyến đường huyết mạch và trung tâm của TP. Buôn Ma Thuột - nơi tập trung nhiều cơ quan hành chính cũng như trụ sở kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), Dự án Trung tâm văn hóa thương mại - dịch vụ - tổng hợp Đắk Lắk (Daklak Center), được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư Cao Nguyên thuê đất thực hiện từ năm 2008, với diện tích 3.385 m2, tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng. Với thiết kế là tòa nhà 19 tầng, dự án được kỳ vọng trở thành một khu thương mại, vui chơi, giải trí sầm uất giữa lòng TP. Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, sau khi khởi công, chủ đầu tư thực hiện dự án với tiến độ “ì ạch”. Dù nhiều lần được tỉnh gia hạn nhưng dự án vẫn không thể hoàn thành. Đến nay đã 15 năm trôi qua, trên khu “đất vàng” này vẫn chỉ có một dãy nhà 4 tầng mới hoàn thành phần thô.
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Huỳnh Văn Tiến, dự án trên đã được tỉnh quyết định chấm dứt hoạt động từ 5 năm trước, thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, tại dự án phát sinh vụ khởi kiện dân sự giữa nhà đầu tư và ngân hàng nên việc xử lý tài sản trên đất, thu hồi đất của dự án bị kéo dài do liên quan, vướng mắc nhiều bên, nhiều vấn đề phức tạp.
Cụm công nghiệp Cư Kuin (huyện Cư Kuin) mới chỉ có 2 doanh nghiệp hoạt động. (Trong ảnh: Nhà máy sản xuất cà phê của Công ty TNHH Cà phê Ngon là dự án đầu tiên hoạt động tại Cụm công nghiệp Cư Kuin). |
Cũng được xem là khu “đất vàng”, Dự án Đô thị sinh thái cà phê văn hóa Suối Xanh, với diện tích 45,5 ha nằm ngay trong nội thành TP. Buôn Ma Thuột. Dự án được UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư từ năm 2009. Đây là một trong những dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh, với tổng vốn trên 2.792 tỷ đồng. Theo dự kiến chỉ triển khai trong 3 năm (2017 – 2020), trong đó, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 1.247 tỷ đồng, hiện nay đã xây dựng hoàn thành các hạng mục công trình, gồm: hạ tầng kỹ thuật, khu bảo tàng, công viên cây xanh, nhà ở thương mại; giai đoạn 2 có mức đầu tư 1.545 tỷ đồng, thời gian triển khai sau nhiều lần điều chỉnh, gia hạn là từ quý I/2018 đến ngày 31/12/2023. Tuy nhiên, đến nay giai đoạn 2 của dự án vẫn chưa được nhà đầu tư triển khai khiến lãng phí tài nguyên đất đai và nảy sinh nhiều bất cập trong đời sống của người dân tại vùng quy hoạch dự án.
Ông Lê Đại Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, việc chậm triển khai giai đoạn 2 của Dự án Đô thị sinh thái cà phê văn hóa Suối Xanh đã làm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của các hộ dân trong vùng quy hoạch dự án. Theo kế hoạch, đến hết năm 2023, giai đoạn 2 của dự án phải hoàn thành. Tuy nhiên Tập đoàn Trung Nguyên chưa bố trí vốn cho Trung tâm Phát triển quỹ đất nên hiện vẫn chưa thể triển khai bất kỳ công việc nào của giai đoạn 2. Trong thời gian tới, thành phố sẽ rà soát và báo cáo UBND tỉnh, nếu Tập đoàn Trung Nguyên không triển khai dự án như cam kết sẽ tiến hành thu hồi đất.
Nghịch lý thiếu – thừaKhông chỉ đất trong các đô thị, các tuyến đường trung tâm thành phố được xem là “đất vàng” mà hiện nay đất tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn cũng đang đối mặt với tình trạng “kẻ thừa, người thiếu”, dẫn đến giá trị sử dụng đất chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
“Hiện nay, ở nhiều nơi vẫn còn tồn tại tình trạng các chủ đầu tư “chây ì” trong triển khai các dự án, trong khi công tác quản lý nhà nước, tận dụng tối đa diện tích đất tại một số cơ quan, đơn vị còn "lơ là". Chính vì vậy đã gây lãng phí “tấc vàng” - ông Trần Phú Hùng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. |
Theo Sở Công Thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 12 cụm công nghiệp (CCN) đã được thành lập, với diện tích gần 553 ha, nhưng mới có 9 CCN đi vào hoạt động, với diện tích 443 ha, trong đó mới chỉ có 299 ha đất công nghiệp đã đưa vào sử dụng. Đối với tình hình thu hút dự án đầu tư vào các CCN, hiện có 166 dự án đã đăng ký và đầu tư vào 8 CCN trên địa bàn tỉnh, với tổng số vốn đăng ký đầu tư ban đầu 6.000 tỷ đồng, tổng diện tích đất đăng ký 266,2 ha. Đến nay đã cho DN thuê 225,5 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 76%. Trong 166 dự án đã đăng ký và đầu tư, có 14 dự án tạm ngưng hoạt động, không đầu tư xây dựng, với diện tích đất 35,44 ha.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Huỳnh Ngọc Dương đánh giá, hiện nay một số CCN trên địa bàn tỉnh do DN làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhưng chưa thực sự phát huy được lợi thế, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhỏ lẻ, kéo dài hoặc không đầu tư, dẫn đến việc hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật chậm, hiệu quả thu hút đầu tư vào CCN thấp. Vì vậy mà nhiều CCN chậm lấp đầy, hoạt động kém hiệu quả và chưa đảm bảo về môi trường. Bên cạnh đó, một số dự án trong các CCN triển khai đầu tư chậm, đầu tư dở dang hoặc đã ngừng hoạt động nhưng rất khó thu hồi đất.
Một doanh nghiệp hoạt động tại Khu công nghiệp Hòa Phú. |
Tình trạng chậm lấp đầy không tồn tại ở Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú – KCN duy nhất của tỉnh đang hoạt động, nhưng ở đây lại tồn tại “nghịch lý thiếu – thừa”. Hiện nay, KCN Hòa Phú có 61 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 6.027 tỷ đồng, tỷ lệ diện tích lấp đầy là 100%. Trong đó, giai đoạn 2015 - 2022, có 51 dự án hình thành, được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 4.479 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã thông báo, quyết định chấm dứt hoạt động đối với 13 dự án đầu tư. Đến thời điểm hiện nay, trong KCN vẫn còn 6 DN chậm đưa đất vào sử dụng, chưa triển khai xây dựng các hạng mục, công trình như đăng ký đầu tư, với diện tích 61.058 m2.
Đơn cử như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Song Trần được UBND tỉnh cho thuê đất thực hiện Nhà máy ván lạng gỗ cao su với diện tích gần 25.000 m2 từ năm 2015, nhưng đến nay DN này vẫn chưa xây dựng các hạng mục công trình. Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, UBND tỉnh và Ban đã có nhiều văn bản chỉ đạo Công ty Phát triển hạ tầng KCN Hòa Phú lập hồ sơ đề nghị thu hồi đất gửi Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, báo cáo UBND tỉnh quyết định. Tuy nhiên đến nay, đơn vị này vẫn chưa thực hiện.
Trong khi đó, thời gian qua, có nhiều DN trong và ngoài nước đến Ban Quản lý các KCN để tìm hiểu cơ hội đầu tư theo các ngành, nghề lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, quỹ đất KCN đã được lấp đầy, phần diện tích 12,793 ha (32 hộ dân) đã được quy hoạch KCN nhưng hơn 10 năm chưa cân đối, bố trí vốn đền bù giải phóng mặt bằng nên công tác thu hút đầu tư gặp rất nhiều khó khăn.
Nguồn: Để “đất vàng” đẻ được “trứng vàng” (kỳ 2)