Đắk Lắk: Đồng hành cùng nông dân phát triển sản xuất
Đắk Lắk: Thẩm định chiêng cấp cho các buôn đồng bào dân tộc thiểu số Đắk Lắk: Vụ mùa sầu riêng 2023 câu hỏi lớn về kết nối cung - cầu |
Nhờ vậy trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã được thành lập với tư duy mới của một nền kinh tế nông nghiệp bền vững.
Gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp
Từ trong gian khó, được sự tuyên truyền, hỗ trợ của Hội Nông dân địa phương, ông Phạm Ngọc Thân (Chi hội Nông dân thôn 4, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) đã mạnh dạn tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Hiện nay gia đình ông đang làm chủ 8 ha đất sản xuất trồng các loại cây lâu năm như cà phê, điều, tiêu kết hợp thêm mô hình nuôi chim yến, kinh doanh dịch vụ vật tư nông nghiệp và xăng dầu, đem lại mức thu nhập trên 1,8 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Thân chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ từ Hội mà tôi có cơ hội dự nhiều buổi hội thảo, tập huấn về kỹ thuật sản xuất, có điều kiện học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia, các nông dân giỏi, từ đó thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình và có điều kiện tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng”.
Đại diện Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình giới thiệu sản phẩm "Gạo sạch Thăng Bình HTB" đến cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh. |
Vườn rau sản xuất theo phương pháp khí canh trụ đứng của anh Trương Thanh Sơn ở xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những điển hình về sản xuất công nghệ cao. Trên diện tích 240 m2 với hơn 550 trụ rau, trung bình mỗi ngày gia đình anh Sơn cung cấp khoảng gần 1 tạ rau các loại như: cải canh, cải bó xôi, cải ngọt, xà lách ra thị trường với giá từ 25.000 đồng/kg. Anh Sơn cho hay: “Cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dần nên hiện nay nông dân chúng tôi cũng tìm cách ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững để thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Sau một khoảng thời gian làm nông nghiệp hiện đại, tôi thấy được hiệu quả rõ rệt. So với trồng và chăm sóc bình thường trên đất, phương pháp khí canh cho năng suất cao gấp 2 - 3 lần và có thể trồng nhiều vụ trong năm”.
Khi mới thành lập vào năm 2013, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (huyện Krông Bông) chỉ có 10 thành viên nông dân góp vốn, đến nay đã thu hút 90 thành viên tham gia. Hiện hợp tác xã đã ký hợp đồng liên kết đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho hơn 100 hộ trồng mía với tổng diện tích trên 160 ha/năm. Bên cạnh đó, hợp tác xã còn liên kết sản xuất lúa gạo theo các quy trình, tiêu chuẩn VietGAP; đầu tư dây chuyền xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sơ chế, sản xuất gạo chất lượng cao ngay tại vùng nguyên liệu, nhờ đó nâng giá trị lúa thương phẩm so với trước. Hiện sản phẩm gạo sạch Thăng Bình HTB của hợp tác xã đã được cấp Chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Hình thành các chuỗi sản xuất liên kết
Hội Nông dân tỉnh hiện có trên 194.000 hội viên, sinh hoạt tại 2.195 chi hội. Để phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội đã hướng dẫn hội viên nông dân xây dựng nhiều phương thức sản xuất hiệu quả.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng mở 330 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 26.727 lượt hội viên, nông dân; tổ chức 324 lớp đào tạo nghề cho 2.978 hội viên, nông dân. Bên cạnh đó, Hội nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai cho 13.434 nông hộ vay với doanh số cho vay 537,9 tỷ đồng. Hiện nay Hội đã phát triển nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân lên gần 56 tỷ đồng, qua đó kịp thời giải ngân cho 3.065 hộ vay thuộc 442 dự án, với doanh số cho vay 92,4 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ đạt 55,7 tỷ đồng với 2.438 hộ thuộc 216 dự án.
Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và lãnh đạo tỉnh tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm của nông dân. |
Xác định sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các thành phần tham gia, nhất là đối với nông dân, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã và đang tập trung kết nối các hộ sản xuất nhỏ lẻ, đồng thời đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn, hình thành chuỗi giá trị mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể. Nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội xây dựng được 36 chi hội nông dân nghề nghiệp, 200 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 66 hợp tác xã, 164 tổ hợp tác với 5.517 thành viên; thông qua đó kết nạp được 1.380 nông dân tham gia vào tổ chức Hội. Khi tham gia vào kinh tế tập thể, người nông dân cũng đã chủ động trang bị kiến thức về quy trình sản xuất an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật, vay vốn để đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, giúp tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây được coi là giải pháp căn cơ nhằm cơ cấu lại sản xuất, hình thành các chuỗi sản xuất liên kết để giúp người nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp.
Bà Lại Thị Loan, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Thông qua việc đồng hành, trợ giúp trên nhiều lĩnh vực, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã trở thành cầu nối, điểm tựa vững chắc cho nông dân. Trước yêu cầu hội nhập quốc tế với biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng đặt ra không ít thách thức cho nông dân. Vì vậy, rất cần sự quan tâm hơn nữa từ các cấp chính quyền, các ngành chuyên môn để cùng lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành giúp người nông dân tiếp cận cách thức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, làm giàu bền vững”.
Nguồn: Đồng hành cùng nông dân phát triển sản xuất