Đắk Lắk: Định hình đô thị lễ hội cần có chiến lược dài hơi
Đắk Lắk: Thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch TP. Buôn Ma Thuột Đắk Lắk: Áo xanh tình nguyện mùa lễ hội |
Tuy nhiên, đô thị Buôn Ma Thuột cũng không chỉ có cà phê, mà còn những loại nông sản khác, đều đủ tầm vóc tổ chức lễ hội. Vậy để lễ hội hóa đô thị cao nguyên này, cần tập trung vào những mấu chốt nào?
Không chỉ là lễ hội đô thị!
Ước mơ tổ chức thành công những lễ hội văn hóa, xã hội, tạo tiền đề xây dựng hình ảnh địa phương, có những thương hiệu đi kèm, qua đó đẩy mạnh phát triển kinh tế, nắm bắt tốt hơn những chủ đề đầu tư tập trung, phát triển đô thị, là câu chuyện không riêng gì của Buôn Ma Thuột. Đã có Huế Festival, Đà Nẵng với Lễ hội pháo hoa quốc tế, một Hội An di sản thế giới… Nghĩa là bất cứ đô thị nào cũng mong trở thành một tâm điểm hội tụ cộng đồng, định danh trên bản đồ đời sống xã hội, mà lễ hội chính là giải pháp tổ chức hiệu quả nhất.
Biểu diễn trong lễ hội đường phố tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. Ảnh: Trần Hạt |
Dĩ nhiên, để có được lễ hội giá trị, địa phương phải đầu tư, và phần quan trọng nhất, chính là phải đầu tư trên nền tảng giá trị hoạt động xã hội tương đồng, nên khai thác những tiềm lực đầu tư văn hóa, kinh tế có sẵn. Nếu việc xây dựng các kế hoạch lễ hội địa phương chỉ dựa vào ý chí chỉ đạo của lãnh đạo, thiếu sự tư vấn, tham mưu của những nhà chuyên môn, thiếu sự ủng hộ, thấy có cơ hội kế thừa của các doanh nghiệp, và đặc biệt thiếu sự hưởng ứng của người dân, thì kịch bản lễ hội có hay đến bao nhiêu, cũng sẽ không thành công. Bài học một số địa phương nôn nóng, chọn lựa những phân khúc sự kiện đặc biệt, loại hình văn hóa đặc thù, chưa phù hợp với thị hiếu công chúng, dẫn đến những lễ hội tổ chức “sớm nở tối tàn” đã từng xảy ra và đáng suy ngẫm.
Từ thực tế đó, người ta có thể hiểu tại sao Huế Festival định vị được dáng dấp sau nhiều lần tổ chức, cho đến nay trở thành điểm sáng lễ hội miền Trung, luôn thu hút được công chúng quan tâm và cộng đồng quốc tế theo dõi. Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng cũng vậy, dù có những giai đoạn chật vật khó khăn, nhưng tinh thần tổ chức vẫn được duy trì và giá trị lợi ích mang lại vẫn cụ thể, chung quy vẫn được tiếp diễn và hân hoan. Với những lễ hội đó, sự kiện không còn là lễ hội riêng của một đô thị nữa, mà đã góp phần cải thiện đô thị ấy trở thành đô thị lễ hội, rất đặc trưng và độc đáo, hấp dẫn và tiềm năng.
Làm sao định hình đô thị lễ hội?
Buôn Ma Thuột có đặc trưng riêng của một thủ phủ cao nguyên rộng lớn, có những yếu tố bản địa riêng biệt, rất có tiềm lực để hướng đến thành một đô thị lễ hội. Song từ tiềm lực đó đi đến hiện thực là cả một quá trình. Tám kỳ lễ hội cà phê vừa qua là một chặng ghi dấu quá trình đó, và vẫn chưa hoàn thiện để kết luận được giá trị đô thị Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột như thế nào.
Du khách tham quan phố đi bộ Phan Đình Giót trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8. |
Cụ thể, một câu hỏi đặt ra, là sau lễ hội cà phê, có bao nhiêu thương hiệu sản phẩm này được định vị rõ ràng hơn với người dân địa phương, được các doanh nghiệp đối tác hợp tác hỗ trợ để phát triển mạnh hơn? Du khách trải nghiệm du lịch cà phê có thực sự tận hưởng được những giá trị tinh thần và chất lượng, nắm bắt được những thương hiệu tích cực, mới nổi, để nhận diện rõ hơn về sau? Nếu lễ hội chỉ là vài ngày vui tụ họp rồi đi qua, không giá trị thương hiệu nào đọng lại, du khách gần xa vẫn mơ hồ với các thông điệp giá trị văn hóa, quy trình sản xuất, chế biến chuyên sâu về cà phê, kết quả đó có đáng suy nghĩ không?
Tại lễ hội lần này, có hoạt động giao thương, kết nối rộng lớn hơn và mục tiêu chặt chẽ hơn. Song những ngày tới, địa phương có cổ vũ hiệu quả những hoạt động giao thương ấy, tận dụng tốt những cơ chế ưu đãi có được để thu hút được các nhà đầu tư, nhất là những nhà sản xuất, chế biến chuyên sâu, tạo sản phẩm giá trị gia tăng sau hạt cà phê mộc? Làm sao để có thêm những dự án đầu tư công nghiệp hóa, khai thác chuyên sâu các sản phẩm tiêu dùng, công nghiệp từ hạt cà phê mới là hệ quả đáng vui sau lễ hội.
Đối với những người nông dân, chủ thể lễ hội về mặt sản xuất, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 thực sự tạo được ấn tượng, bởi những cuộc thi nhà nông đua tài, triển lãm các thành quả nghiên cứu, chế tác nghệ thuật từ cây cà phê… Điều này thật đáng ghi nhận, song làm sao sau lễ hội, hoạt động đầu tư của nhà nông có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, giúp giải quyết mọi thách thức, tiết giảm chi phí, mới là vấn đề nông dân ngóng trông. Với những nông dân Buôn Ma Thuột, việc củng cố sinh kế, cơ hội làm ăn kinh tế tốt hơn, với những vùng trồng được quy hoạch khoa học, được hướng dẫn đầu tư thỏa đáng, nông sản trở thành những nguyên liệu hàng hóa giá trị cao, mới là nền tảng để họ an tâm sản xuất, không thiết tha gì những quan niệm “chia lô tách thửa, bán đất canh tác”…
Rõ ràng để Buôn Ma Thuột trở thành một thành phố lễ hội, không chỉ với cà phê, địa phương rất cần có chiến lược dài hơi, phải tận dụng tốt mọi nỗ lực, khả năng của các thành phần đầu tư kinh tế. Vì càng có được những lễ hội tập trung, hiệu quả, hình ảnh đô thị lễ hội Buôn Ma Thuột mới càng sáng tỏ hơn!
Nguồn: Định hình đô thị lễ hội: Cần có chiến lược dài hơi