Đắk Lắk: Đồng lòng xây dựng buôn làng
Thế nhưng nhờ tình đoàn kết và nỗ lực không ngừng, kinh tế – xã hội của xã ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân dần cải thiện, nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống được quan tâm gìn giữ.
Bí thư Chi bộ buôn Ea Kruế Trần Sơn cho hay, năm 1994, ông cùng gia đình vào buôn Ea Kruế sinh sống, lập nghiệp và đã được chứng kiến sự "thay da đổi thịt" của mảnh đất này. Hiện nay, hạ tầng cơ sở được đầu tư đồng bộ, các tuyến đường tại địa phương đều được bê tông hóa, giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi hơn. Các chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS luôn được quan tâm như đào tạo nghề, phát triển sản xuất, hỗ trợ vay vốn… Đặc biệt, từ trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hiện nay người dân đã chủ động nâng cao ý thức làm giàu cho bản thân, gia đình, sẵn sàng đóng góp tiền của, ngày công lao động… vào công việc chung của địa phương.
Chị H’Yer Knul (bìa phải) thường xuyên đến tuyên truyền, vận động và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân trong buôn. |
Để phát huy vai trò chủ thể của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội, có phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ “hạt nhân đoàn kết” tại cơ sở.
Như chị H’Yer Knul (buôn Dhăm) đã là người uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS khi mới 37 tuổi. Năm 2013, khi được tín nhiệm bầu làm Phó buôn Dhăm, chị chủ động tham mưu cho trưởng buôn, bí thư chi bộ buôn giúp các hộ khó khăn, hộ nghèo vay vốn ưu đãi của Nhà nước để phát triển kinh tế…
Nhờ đó, 140/150 hộ trong buôn được vay vốn từ các chương trình, với mức vay từ 10 - 30 triệu đồng trong vòng 4 năm và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ba năm sau, chị H’Yer được bầu làm Trưởng buôn kiêm Bí thư Chi bộ buôn Dhăm.
Cùng lúc đảm nhiệm nhiều vai trò, áp lực công việc khá lớn nhưng với kinh nghiệm 10 năm làm công tác dân vận tại Đội công tác 253, chị H’Yer luôn hăng hái, nhiệt tình, phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động bà con, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới.
Theo chị H’Yer, để người dân tin tưởng làm theo, bản thân mình phải gương mẫu trong việc đóng góp tiền, ngày công để thực hiện. Thời điểm đó, tại buôn có 3 tuyến đường nhánh dài gần 1 km, nắng bụi mưa lầy khiến người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa rất khó khăn, chị H’Yer đã cùng Ban tự quản buôn tổ chức họp dân, vận động mỗi hộ đóng góp 50.000 đồng cùng ngày công, xe chở đất, đá dăm… làm đường để việc đi lại dễ dàng hơn.
Hay như mới đây, từ nguồn hỗ trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Ana, chị cùng Ban công tác Mặt trận của 9 buôn phối hợp triển khai xây dựng 4 nhà Đại đoàn kết cho các hộ dân trong xã, với tổng giá trị 260 triệu đồng.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, địa phương rất quan tâm đến công tác tuyên truyền, gìn giữ những nét đẹp văn hóa, truyền thống của đồng bào DTTS. Nhờ đó bà con nơi đây luôn có ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Đơn cử, bà H’Blê Mlô (buôn M’lốt), dù đã gần bước sang tuổi 80, lưng còng, sức yếu song bà vẫn miệt mài với khung dệt của mình. Bà H’Blê kể, trước đây trong buôn M’lốt hầu như phụ nữ nào cũng biết dệt thổ cẩm, bởi con gái Êđê ngày xưa phải biết dệt áo, khố và chăn thổ cẩm thì mới được lấy chồng. Bản thân bà được bà ngoại, mẹ của mình dạy dệt và thêu thùa từ năm 14 tuổi, từ đó đến nay gần như cả cuộc đời bà gắn liền với khung dệt.
Giờ tuổi đã cao, mắt kém, bà không thể dệt nhanh như ngày trước được nhưng hằng ngày bà vẫn vừa trông cháu, vừa dệt vải với mong mỏi duy trì nghề truyền thống của ông bà mà mình đã được trao truyền. Bà H’Blê vẫn thường dệt váy, áo, khố hay chăn thổ cẩm để tặng cho con cháu. Đồng thời, chỉ dạy cho những người phụ nữ trong gia đình học dệt thổ cẩm nhằm tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Bà H’Blê Mlô (bên trái) tham gia thi dệt thổ cẩm trong Ngày hội đại đoàn kết tại địa phương. |
Chủ tịch UBND xã Ea Bông Nguyễn Xuân Khu cho biết, nhờ sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, xã Ea Bông đã đạt được bước tiến đáng kể trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, hơn 82% đường xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường liên thôn, buôn được cứng hóa; trên 98% số hộ sử dụng điện thường xuyên và an toàn. Giai đoạn 2011 – 2023, xã đã huy động được trên 306 tỷ đồng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân đóng góp trên 145 tỷ đồng… Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 49 triệu đồng/năm. Xã Ea Bông cũng đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí và đang chờ tỉnh thẩm định, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Nguồn: Đồng lòng xây dựng buôn làng