Đắk Lắk: Đưa hơi thở cuộc sống lên sân khấu
Đắk Lắk: Ra mắt điểm trưng bày thiệu sản phẩm OCOP Đắk Lắk: Hiệu quả từ mô hình sản xuất sầu riêng thích ứng với biến đổi khí hậu |
Mang đến hội thi tiểu phẩm “Quyết tâm thoát nghèo”, Ban CHQS huyện Ea H’leo bắt đầu câu chuyện về các thành viên gia đình nọ với hai thái cực đối lập: vợ con chăm chỉ làm lụng, học hành, mong thoát khỏi cảnh nghèo nhưng người chồng lại ham mê rượu chè, chỉ mong “nghèo bền vững” để được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước. Mâu thuẫn ấy được “đả thông” khi cán bộ quân sự huyện xuống địa bàn, khảo sát tình hình để giúp đỡ gia đình vượt khó. Với lối nói chuyện tâm tình, gần gũi, bộ đội đã giúp người đàn ông nhận ra vai trò, ý nghĩa của việc nâng cao đời sống kinh tế, tinh thần. Khi đã nắm bắt được tình hình ruộng vườn, biết người dân dần có tư tưởng tiến bộ hơn, bộ đội thông báo sẽ đồng hành cùng gia đình triển khai mô hình kinh tế trang trại. Như có thêm động lực, người đàn ông quyết cùng vợ con chăm chỉ làm lụng để vươn lên thoát nghèo.
Cũng đề cập đến việc cho người dân sinh kế thoát nghèo, câu chuyện của Trung đoàn 584 nhìn nhận ở một khía cạnh ý nghĩa không kém. Hộ nghèo được bộ đội tặng bò giống để có kế sinh nhai, nhưng thay vì chăm sóc, người đàn ông nghiện rượu lại đem bán bò để thỏa những cơn say bí tỉ. Cuộc giằng co qua lại giữa người vợ, người chồng và người mua bò chỉ dừng lại khi bộ đội Trung đoàn về khảo sát, theo dõi sự phát triển của con giống tặng gia đình. Khéo léo xử lý vụ việc, dù không đồng tình với hành động của ông chồng, nhưng bộ đội Trung đoàn đã bỏ tiền túi để giúp ông trả lại phí đặt cọc bán bò; đồng thời giải thích, cặn kẽ phân tích để tạo sự đồng thuận vợ chồng ông trong phát triển kinh tế. Tiếp tục thể hiện trách nhiệm với việc giúp đỡ gia đình thoát nghèo bền vững, bộ đội cho biết sẽ hỗ trợ ông bà thêm cây giống, vì nắm bắt được gia đình đang có 3 ha đất vườn…
Tiểu phẩm "Chuyện nhà Ma Ngăn" của Trung đoàn 584. |
Trung tá Đặng Tuân, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 584 chia sẻ: "Trong quá trình lực lượng vũ trang bám nắm địa bàn đã phát hiện một số trường hợp người dân không muốn thoát nghèo. Khi được bộ đội tặng con giống, nhiều hộ thiếu chăm sóc, thậm chí bán để lấy tiền tiêu xài. Chúng tôi mong rằng, từ những tiểu phẩm tuyên truyền này, bà con sẽ nâng cao ý thức của mình, có trách nhiệm và quyết tâm thoát nghèo để không phụ lòng giúp đỡ của bộ đội”.
Tập trung vào thực trạng một số thanh niên trốn tránh nghĩa vụ quân sự, tiểu phẩm “Chuyện nhà lão Bằng” của Ban CHQS huyện Cư Kuin mang đến những tình tiết rất thật trong đời sống. Ông Bằng có cô con gái đang được hai thanh niên theo đuổi, trong đó có một cán bộ Ban CHQS xã và một tay chơi lêu lổng, nhiều lần trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Tay chơi ấy hay chia sẻ những điều tiêu cực về nghĩa vụ quân sự khiến ông Bằng bị kích động, luôn trách vợ vì đã cho con trai mình đi bộ đội để con phải chịu cực khổ, áp lực. Nút thắt vở kịch chỉ được gỡ khi cán bộ quân sự huyện và xã đến nhà thăm hỏi, thông tin vụ việc thanh niên kia đã bị đề nghị truy tố vì trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Không chỉ nhấn mạnh pháp luật nghiêm minh, mà tiểu phẩm còn kết thúc đẹp khi cán bộ, chiến sĩ tranh thủ ngày công giúp gia đình ông Bằng thu hoạch mùa màng; tạo sự tin yêu, góp phần thay đổi tính cách của ông Bằng…
Tiểu phẩm "Chuyện nhà lão Bằng" của Ban CHQS huyện Cư Kuin. |
Gây tò mò cho người xem ngay từ tên gọi, tiểu phẩm “Trăm phát trăm trúng” của Ban CHQS huyện M’Drắk được khán giả đánh giá cao bởi tình tiết tươi vui, hài hước. Tiểu phẩm không chỉ lồng ghép, tuyên truyền được hội thi Dân vận khéo đã và đang diễn ra mà còn tăng cường mối gắn kết quân - dân khi nữ sinh viên hứa sẽ cùng lực lượng vũ trang huyện tham gia chuẩn bị cho hội thi này, còn cán bộ quân sự thì truyền đạt lại kinh nghiệm bắn súng AK “trăm phát trăm trúng” để nữ sinh đạt điểm cao trong đợt kiểm tra cuối khóa học quân sự… Thời lượng vừa đủ, lối diễn xuất lại tự nhiên, phần thi như đưa người xem đến với nhịp sống đời thường, từ đó dễ dàng chuyển tải nội dung, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận và hiện thực công tác ấy trên địa bàn.
Nguồn: Đưa hơi thở cuộc sống lên sân khấu