Đắk Lắk: Hiệu quả từ mô hình sản xuất sầu riêng thích ứng với biến đổi khí hậu
Đắk Lắk: Nghệ nhân người Mông say mê múa gậy sênh tiền Đắk Lắk: Sôi động dịch vụ “ăn theo” mùa sầu riêng |
Theo ông Lê Ký Sự, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, mục đích của việc xây dựng mô hình này là nhằm tổ chức lại quy trình sản xuất sầu riêng cho người nông dân. Trong canh tác sầu riêng truyền thống, nông dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, kiến thức truyền miệng và thiếu kiến thức về quản lý cây trồng hiệu quả. Đặc biệt, người nông dân thường không có sự chuẩn bị để ứng phó với thiên tai nên thường phải chịu thiệt hại nặng nề khi thiên tai xảy ra. Khi thực hiện canh tác với mô hình mới, người dân sẽ nắm được các kỹ thuật và phương pháp chăm sóc phù hợp với điều kiện thời tiết; sử dụng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hiệu quả hơn; áp dụng các quy trình chăm sóc cây cụ thể để phòng tránh được những thiệt hại do thiên tai gây ra và đạt năng suất tốt nhất.
Gia đình ông Y Luet Niê (buôn Wik, xã Ea Hồ) có gần 2 ha đất trồng sầu riêng, cà phê, bơ, tiêu…, trong đó có 1 ha sầu riêng đang áp dụng mô hình sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Vụ mùa năm nay, nhờ áp dụng những kỹ thuật từ mô hình, gia đình ông thu được 12 tấn quả. Ông Y Luet chia sẻ, trước đây vì chưa nắm hết được các kỹ thuật, quy trình chăm sóc, thiếu kiến thức về việc sử dụng thuốc BVTV, phân bón phù hợp cho cây sầu riêng nên gia đình chỉ thu được 3 tấn quả mỗi năm. Đầu năm 2023, gia đình ông được chọn để áp dụng mô hình, nhận được sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện, kịp thời thực hiện các kỹ thuật trên cây sầu riêng; được hỗ trợ về phân bón, thuốc BVTV... nên vườn sầu riêng của gia đình ông đạt năng suất cao hơn hẳn.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Đình Hải (thôn 11, xã Phú Xuân) cũng có 1 ha sầu riêng, được Trạm Khuyến nông huyện chọn để áp dụng mô hình. Anh Hải cho biết, trước đây, gia đình anh chỉ thu được từ 2 - 3 tạ sầu riêng mỗi năm, nhưng sau gần một năm thực hiện mô hình, áp dụng kỹ thuật, quy trình chăm sóc và nhận được sự hướng dẫn trực tiếp của các cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình nên vụ mùa này, gia đình anh đã thu được 3 tấn quả.
Vườn sầu riêng của ông Y Luet Niê (buôn Wik, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng). |
Theo Trạm Khuyến nông huyện Krông Năng, để mô hình đạt được kết quả cao thì ngoài việc lựa chọn những vườn sầu riêng đạt yêu cầu thì việc chọn người nông dân thực hiện cũng rất quan trọng. Bên cạnh phải có một số kiến thức, kỹ năng chăm sóc cây sầu riêng nhất định, nông dân tham gia mô hình phải biết tiếp thu để loại bỏ những phương pháp canh tác truyền thống không hiệu quả. Đặc biệt, họ phải luôn sẵn sàng kịp thời xử lý các kỹ thuật trên cây sầu riêng khi có yêu cầu từ cơ quan chuyên môn.
Sau một năm thực hiện, mô hình sản xuất sầu riêng theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường đạt kết quả rất khả quan. Bên cạnh giảm thiểu đáng kể thiệt hại do thiên tai gây ra, mô hình vẫn đảm bảo được các chỉ tiêu tăng năng suất cây trồng khi tổng sản lượng cả ba mô hình đạt 23 tấn quả. Điều đáng chú ý, mô hình nhận được sự hưởng ứng rất tốt từ bà con nông dân bởi hiệu quả trong việc giảm rủi ro, tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng năng suất, cải thiện chất lượng cho quả sầu riêng và mang lại lợi nhuận cao.
Nguồn: Hiệu quả từ mô hình sản xuất sầu riêng thích ứng với biến đổi khí hậu