Đắk Lắk: Giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột khi lòng dân đồng thuận
Đắk Lắk: “Địa chỉ đỏ” trên sông Sêrêpốk Đắk Lắk: Bảo vệ động vật hoang dã trách nhiệm của cộng đồng |
Minh bạch, cặn kẽ
Xã Hòa Đông nằm ở vị trí giáp ranh với TP. Buôn Ma Thuột, có nhiều đặc điểm thuận lợi về giao thông, địa hình, thổ nhưỡng. Trong giai đoạn "sốt đất" 2021 - 2022, giá bất động sản tại đây tăng đột biến, nhiều thửa đất được “sang tay, lướt sóng” qua rất nhiều người trong một khoảng thời gian ngắn. Chính vì thế, khi triển khai Dự án và giao công tác đo đạc, kiểm đếm về cho địa phương, cán bộ, công chức xã phải bỏ ra nhiều công sức mới xác minh được hết thông tin liên lạc của người sử dụng đất trên các thông báo thu hồi.
Cán bộ tổ kiểm đếm xã Hòa Đông (bìa phải) gửi thông báo thu hồi đất để thực hiện Dự án. |
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Đông Phạm Văn Hà cho hay, trước yêu cầu nhiệm vụ cấp bách mà công tác kiểm đếm là khâu quan trọng để đảm bảo tiến độ GPMB cũng như quyền lợi của người dân theo đúng quy định pháp luật, chính quyền xã Hòa Đông đã cử cán bộ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do UBND huyện tổ chức. Địa phương cũng thành lập tổ kiểm đếm, huy động tất cả nhân lực trong hệ thống chính trị cùng tham gia. Ngay từ khâu gặp gỡ ban đầu để giao thông báo thu hồi đất cho đến đo đạc, kiểm đếm ở thực địa đều được tiến hành vừa gấp rút, vừa cẩn trọng, lấy tuyên truyền, giải thích làm trọng yếu. Mỗi cán bộ đều chủ động nhờ người dân hỗ trợ công tác đo đạc, kiểm đếm cũng như tìm kiếm thông tin các chủ đất không thường trú tại địa phương.
“Theo dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại 6 xã là Hòa Đông, Ea Yông, Ea Kênh, Ea Knuếc, Hòa Tiến và Vụ Bổn được UBND huyện công khai, đến nay đã có 42 hộ dân các xã đăng ký bàn giao sớm mặt bằng để thực hiện dự án. Huyện cũng đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với hơn 18 ha của Công ty TNHH Hai thành viên Cà phê Cư Pul tại xã Hòa Đông" - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh. |
Dưới sự đồng hành, giám sát của người dân, cán bộ xã đếm từng cây, xác định rõ từng nhóm chất lượng. Nhiều loại cây trồng phụ như sả, ớt, mía, nghệ… người dân không để tâm cũng được cán bộ kiểm đếm lưu ý đưa vào danh sách bồi thường, hỗ trợ, giúp bà con có thêm quyền lợi. Bà H’Rem Byă (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) bộc bạch, kinh tế gia đình bà chỉ dựa vào 5,5 sào đất canh tác tại thôn Hòa Nam, xã Hòa Đông nên khi nghe tin bị thu hồi toàn bộ thửa đất để thực hiện dự án, bà rất buồn và lo lắng. Nhờ được cung cấp đầy đủ thông tin, giải thích cặn kẽ cùng cách làm việc nhiệt tình, tận tâm của cán bộ xã Hòa Đông, bà đã hiểu chủ trương Đảng và Nhà nước, sẵn sàng bàn giao mặt bằng và nhận tiền đền bù để gia đình mua lại đất sản xuất ở nơi khác.
Cùng lắng nghe, chia sẻ
Đầu năm 2023, khi tham gia cùng tổ kiểm đếm của xã Ea Kênh, bà Triệu Thị Hồng Vân, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thanh Bình nhận thấy, trong phạm vi thu hồi đất của thôn Thanh Bình và Thanh Xuân có đến 16 phần mộ được chôn cất ngay trong vườn của người dân. Theo phong tục của người Tày, Nùng nơi đây, việc cất bốc các phần mộ thường được tiến hành trước Tết Thanh minh 3/3 âm lịch. Nếu bỏ lỡ thời gian này, công tác di dời mộ để GPMB sẽ rất khó khăn. Chính vì thế, bà mạnh dạn đề xuất tổ kiểm đếm ưu tiên thực hiện trước đối với các diện tích đất có mộ, đề nghị huyện cho bà con ứng trước kinh phí để chủ động di dời các phần mộ theo phong tục.
Đề xuất chính đáng ấy của bà Vân nhanh chóng được UBND huyện chấp thuận và bố trí 240 triệu đồng để hỗ trợ cho các hộ có phần mộ trong diện tích đất thu hồi. Chỉ trong vòng hơn 10 ngày trước Tết Thanh minh, 16 phần mộ đã được người dân chủ động cất bốc, di dời về nghĩa trang tập trung dù huyện chưa chính thức ban hành phương án bồi thường, hỗ trợ. Chị Đàm Thị Đào (thôn Thanh Bình) cho hay, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, việc cất bốc phần mộ của mẹ chồng chị diễn ra thuận lợi. Qua đó, gia đình chị cũng rất yên tâm khi được địa phương lắng nghe, giải quyết kịp thời nguyện vọng của người dân và mong đợi Dự án sớm triển khai thi công.
Quyền Chủ tịch UBND xã Ea Kênh Trần Thị Vân (bìa phải) gặp gỡ và lắng nghe ý kiến của người dân thôn Thanh Bình về công tác hỗ trợ, bồi thường Dự án. |
Mặc dù không tránh khỏi những lúng túng, khó khăn ban đầu khi đảm nhiệm phần việc đo đạc, kiểm đếm, song cấp ủy, chính quyền huyện Krông Pắc và 8 xã có Dự án đi qua đều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương và quyết tâm cao nhất. Từ ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong từng khâu, từng phần việc đã khiến người dân yên tâm, đồng thuận và sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ cùng các cơ quan chức năng mà kết quả dễ nhận thấy chính là khí thế xung phong đăng ký bàn giao sớm mặt bằng ngay tại các hội nghị công khai dự thảo phương án vừa qua. Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh cho biết, trong tổng chiều dài 48 km của tuyến Dự án thành phần 3 có đến hơn 33 km qua địa bàn huyện Krông Pắc với tổng diện tích GPMB lên đến hơn 255 ha. Đoạn dự án qua huyện Krông Pắc cũng có 4 nút giao, đều nằm ở các khu vực đông dân cư, phải đền bù, hỗ trợ nhiều công trình nhà ở, tạo áp lực thực hiện nhiệm vụ GPMB rất lớn đối với hệ thống chính trị tại địa phương. Tuy nhiên, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận, chia sẻ của người dân, các mặt công tác đều đảm bảo đúng tiến độ theo yêu cầu bàn giao 70% mặt bằng trước ngày 30/6.
Nguồn: Giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột: Khi lòng dân đồng thuận