Đắk Lắk: Ứng dụng công nghệ, kết nối người dân và chính quyền
Tháng 8/2022, TP. Buôn Ma Thuột chính thức thiết lập Tổng đài đường dây nóng 1900.86.86.47 tiếp nhận, xử lý tình huống phát sinh đột xuất trong quá trình quản lý vận hành hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố thông suốt 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần.
Song song với đó, UBND thành phố còn phối hợp duy trì việc tiếp nhận phản ánh của công dân qua dịch vụ phản ánh hiện trường của Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk (Đắk Lắk IOC). Đây là “cầu nối” giữa chính quyền và người dân để tiếp nhận thông tin phản ánh thuộc 15 lĩnh vực về quản lý nhà nước như: tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, xây dựng, vệ sinh môi trường…
Để mở rộng nguồn tin, thành phố còn lập Zalo OA “Đường dây nóng tiếp nhận phản ánh TPBMT” tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị bằng tin nhắn, hình ảnh, video của tổ chức, cá nhân gửi đến.
Thành viên Tổ điều hành đường dây nóng 1900.86.86.47 của TP. Buôn Ma Thuột tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân. |
Theo quy trình, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân, bộ phận tiếp nhận phản ánh của Tổ điều hành đường dây nóng sẽ phân loại và chuyển thông tin phản ánh đến các cơ quan, đơn vị chuyên môn có liên quan để xác minh, xử lý. Trong thời gian không quá 3 ngày làm việc đối với các phản ánh tiếp nhận qua Tổng đài đường dây nóng và Zalo OA, không quá 7 ngày làm việc đối với các phản ánh tiếp nhận qua dịch vụ phản ánh hiện trường, các đơn vị, cơ quan chuyên môn có liên quan tiến hành xử lý theo thẩm quyền và báo cáo, cập nhật, phản hồi kết quả xử lý nội dung thông tin phản ánh cho tổ chức, cá nhân được biết. Mọi thông tin cá nhân của người gửi phản ánh đều bảo đảm bí mật.
"Đây là kênh thông tin quan trọng giúp chính quyền, các cơ quan chức năng nắm bắt, tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân, qua đó kịp thời chỉ đạo điều hành xử lý những nội dung phản ánh của tổ chức, cá nhân đối với các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh trật tự sâu sát, hiệu quả hơn" - Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật. |
Để được đông đảo người dân được biết, cung cấp thông tin phản ánh, tăng cường hơn nữa sự tương tác giữa người dân và chính quyền, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lợi ích của các kênh tiếp nhận thông tin mang lại; hướng dẫn cách thức phản ánh thông tin để người dân được biết và thực hiện lắp đặt hơn 220 bảng thông báo và tuyên truyền về Tổng đài đường dây nóng 1900.86.86.47 tại trụ sở UBND các phường, xã, các công trình công cộng và một số trục đường chính trên địa bàn thành phố…
Nếu như trước đây, người dân còn e ngại, chưa mạnh dạn phản ánh các vấn đề bất cập nảy sinh trong cuộc sống hằng ngày hoặc chưa biết gửi phản ánh đến ai, thì nay số lượt người dân gửi phản ánh về các kênh thông tin đang có xu hướng gia tăng đáng kể. Anh Nông Văn Toàn, người dân phường Tự An chia sẻ: "Thông tin góp ý có kèm nội dung, hình ảnh cụ thể của người dân gửi đến các kênh phản ánh hiện trường được cơ quan chức năng tiếp nhận, giải quyết nhanh ngay tại cơ sở đã tạo ra sự yên tâm, tin tưởng với chính quyền địa phương. Điều này khích lệ mỗi người dân cùng tham gia góp ý, phản ánh những vấn đề vi phạm an ninh, trật tự xã hội một cách có trách nhiệm, vì lợi ích chung để xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp, an toàn".
Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, Tổng đài đường dây nóng 1900.86.86.47, Zalo OA “Đường dây nóng tiếp nhận phản ánh TPBMT”, dịch vụ phản ánh hiện trường liên quan đến địa bàn TP. Buôn Ma Thuột qua IOC Đắk Lắk đã tiếp nhận gần 2.500 phản ánh, kiến nghị của người dân, kết quả giải quyết đạt hơn 95%.
Tuyên truyền, hướng dẫn người dân TP. Buôn Ma Thuột quy trình gửi phản ánh, kiến nghị qua dịch vụ phản ánh hiện trường. |
Ông Nguyễn Đình Phú, Thư ký Tổ điều hành đường dây nóng cho biết, các vụ việc được người dân quan tâm nhất là an ninh trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, ô nhiễm môi trường… Tổ Điều hành đã tiếp nhận, phân loại, chuyển phản ánh đến các cơ quan chức năng liên quan kịp thời xử lý và phản hồi kết quả đến tổ chức, cá nhân phản ánh. Từ kênh thông tin này, năm 2024 các cơ quan chức năng của thành phố đã lập biên bản, nhắc nhở, ký cam kết khắc phục hậu quả, không tái phạm 194 trường hợp; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 16 trường hợp với số tiền hơn 38 triệu đồng… Qua đó đã tạo được niềm tin, sự hài lòng ủng hộ và đồng thuận của người dân.
Nhằm tăng cường hơn nữa sự kết nối giữa người dân và chính quyền, thời gian tới TP. Buôn Ma Thuột tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, phát huy tối đa tính năng của các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh hiện trường, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy xây dựng đô thị thông minh gắn với nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Nguồn: Ứng dụng công nghệ, kết nối người dân và chính quyền